Lộ trình lừa đảo 4.000 tỷ của siêu lừa Huyền Như

Kinh tếThứ Hai, 06/01/2014 09:55:00 +07:00

Sáng nay, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như ra trước vành móng ngựa để đối diện với những cáo buộc liên quan đến hàng ngàn tỷ đồng bị chiếm dụng trái phép.

Sáng nay, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như ra trước vành móng ngựa để đối diện với những cáo buộc liên quan đến hàng ngàn tỷ đồng bị chiếm dụng trái phép.

Dự kiến các phiên chất vấn tại tòa sẽ kéo dài trong vòng 20 ngày và sẽ có 23 người liên quan xuất hiện trước tòa.

Để độc giả rõ tiện theo dõi phiên tòa, xin giới thiệu sơ lược về nhân vật chính sẽ có mặt tại trụ sở Tòa án nhân dân TP.HCM trong ngày 6/1 cũng như quá trình lừa đảo của nhân vật này.

huyền như
 

Huỳnh Thị Huyền Như (1978) quê gốc ở Tiền Giang nhưng đăng ký thường trú ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Huyền Như là vợ của một Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (VietinBank).

Bản thân Huỳnh Thị Huyền Như trước khi bị bắt (ngày 6/10/2011) là phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (VietinBank TP.HCM). Đồng thời, bà cũng là thành viên HĐQT Công ty CP chứng khoán Phương Đông (ORS), được bầu ngày 18/5/2011. Đến tháng 10.2011, ORS đã công bố quyết định đình chỉ tư cách thành viên HĐQT của bà Huỳnh Thị Huyền Như sau khi vụ lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng bị phanh phui.

Tuy nhiên, không phải chờ tới khi bị bắt, nữ đại gia này mới trở thành người "nổi tiếng" trong giới đầu tư. Bởi thực ra, cái tên Huỳnh Thị Huyền Như đã "nổi như cồn" từ cách đây khoảng 3-4 năm, bởi bà được đánh giá là tay môi giới có máu mặt trong giới chứng khoán.

Để thỏa máu làm giàu, từ đầu năm 2007, Như đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao và lao vào kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.

Sau một thời gian làm mưa làm gió, chuyện làm ăn của Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu gặp khó vào năm 2009-2010, khi thị trường lao dốc, bất động sản cũng ảm đạm.

Bất động sản vài chục lô (một lô cả chục căn) không bán được, trong khi tiền lãi phải trả đều đặn khiến Như đuối sức, lấy phần này đắp phần kia. Chính sách siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ khiến ngân hàng tạo sức ép với các khoản cho vay, càng đẩy Như khốn đốn hơn.

Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao nên Huỳnh Thị Huyền Như gần như mất khả năng thanh toán. Làm ăn thua lỗ lại phải vay nợ lãi suất cao, từ đây, người phụ nữ này đã quay cuồng tìm nhiều cách để "xoay" tiền trả nợ.

Để đối phó, từ tháng 3/2010 - 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của ngân hàng này, 7 công ty đồng thời làm giả tài liệu của nhiều đơn vị, cá nhân để lừa đảo hơn 3.900 tỉ đồng.

Do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và có chức vụ là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - VietinBank TP.HCM, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp với hạn mức 50 tỉ đồng/lệnh nên Như đã thực hiện hành vi giả danh này.

Cụ thể, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của VietinBank chi nhánh Nhà Bè, Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty CP đầu tư Thịnh Phát, Công ty bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya... để sử dụng đóng vào các tài liệu, giấy tờ do Như làm giả.

Những giấy tờ giả này được Như sử dụng để mở tài khoản của một số công ty tại VietinBank TP.HCM, làm giả hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè để chiếm đoạt tài sản.

Số tiền Như chiếm đoạt hơn 3.900 tỉ đồng, gồm Ngân hàng TMCP Á Châu bị chiếm đoạt hơn 700 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Nam Việt 200 tỉ đồng, Ngân hàng Quốc tế VIB - chi nhánh TP.HCM 180 tỉ đồng...

Trong đó, Như dùng hơn 925 tỉ đồng để trả nợ gốc, nợ lãi trong và ngoài hợp đồng cho các khoản vay.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng nêu rõ, một số ngân hàng đã thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và TP.HCM nhằm hưởng lãi suất chênh lệch và bị Như lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng.

Điển hình là Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) thông qua 14 nhân viên để gửi 1.543 tỉ đồng với lãi suất lên đến 22%/năm và bị Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua 19 nhân viên gửi gần 719 tỉ đồng vào VietinBank lãi suất lên đến 18,5%/năm theo thỏa thuận và bị Như lừa đảo, chiếm đoạt toàn bộ.

Ngoài những tài liệu trên, còn nhiều vấn đề liên quan đến nhân vật này và khối tài sản bị chiếm dụng trái phép sẽ được phơi bày trong những ngày diễn ra phiên tòa.

Theo Một thế giới

Bình luận
vtcnews.vn