Lỗ triền miên, Vosco vẫn chi tiền tỷ trả lương cho sếp

Kinh tếThứ Ba, 14/06/2016 16:58:00 +07:00

Đại gia vận tải Vosco một thời giờ đây chìm trong vòng xoáy thua lỗ, cổ phiếu có giá trị bằng cốc trà đá, nhưng lãnh đạo công ty vẫn nhận lương thưởng cao.

Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) tiếp tục trượt dài trên các cung đường vận tải biển với việc lỗ 45 tỷ đồng trong quý I/2016. Gánh nặng vay nợ luôn đeo đẳng các con tàu của Vosco, lỗ lũy kế lên tới gần 500 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản đạt 4.543 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên tới 3.580 tỷ. Nhiều năm liền công ty không trả cổ tức.

Vosco được thành lập từ năm 1970, năm 2008 chính thức chuyển đổi sang mô hình cổ phần. Đến nay, Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 51% cổ phần. Công ty có vốn điều lệ 1.400 tỷ.

Vosco giờ đây chìm trong thua lỗ do tác động của kinh tế thế giới 

Công ty từng nổi danh là những "thủy thủ" với nhiều cái nhất. Ở thời kỳ huy hoàng của vận tải biển, Vosco trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu giới tàu biển tại Việt Nam.Với đội tàu hùng mạnh, công ty đã nhanh chóng chinh phục các cung đường vận tải và là đơn vị đầu tiên chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Ấn Độ, Australia, Đông Phi, Nam Âu,…

Năm 1974, Vosco thành doanh nghiệp đầu tiên của ngành hàng hải Việt Nam thực hiện phương thức vay vốn để phát triển đội tàu: mua 3 tàu Sông Hương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong quá khứ, Vosco từng quản lý và khai thác hàng trăm tàu. Số lượng tàu của công ty giảm dần, hiện còn 19 tàu, có độ tuổi trung bình 12,5 năm.

Từ một doanh nghiệp hàng hải có đội tàu hùng mạnh, lợi nhuận vài trăm tỷ mỗi năm, giờ đây Vosco chìm trong vòng xoáy thua lỗ.

Giai đoạn 2012-2013 công ty lỗ tổng cộng 223 tỷ đồng do kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, số lỗ này còn bắt nguồn từ việc vay nợ ngân hàng quá lớn để đóng mới và mua tàu biển. Cuối năm 2013, Vosco nợ ngân hàng hơn 3.000 tỷ đồng. Gánh nợ quá lớn khiến chi phí cho mỗi tàu cao, đẩy giá chiếm 77-92% trên doanh thu.  

Trước án hủy niêm yết, Vosco năm 2014 đã phải bán bớt hai tàu là Diamond Star và Silver Star với giá khoảng 10,5 triệu USD, đem về 74 tỷ đồng lợi nhuận giúp cổ phiếu VOS trụ hạng.

Năm 2015, Vosco xác định sẽ lỗ 100 tỷ, song tình hình xấu ngoài dự đoán khiến số lỗ tăng lên 294 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, kinh tế thế giới chưa hồi phục, thị trường hàng hải thế giới bị rơi vào hoảng loạn đã tác động mạnh tới giá cước, giá thuê tàu biển. Chỉ số BDI năm qua có thời điểm giảm xuống 471 điểm, thấp nhất trong 30 năm qua. Trong khi đó, nguồn cung tàu mới ra thị trường ngày càng lớn đẩy nhóm tàu chủ lực của công ty vào thế "mong manh".

Kinh doanh bết bát, song lãnh đạo của Vosco luôn nhận lương cao hơn so với thị trường. Năm 2015, Tổng giám đốc Cao Minh Tuấn có thu nhập trên 880 triệu đồng, tương ứng 73 triệu đồng một tháng. Hai Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Hoàng Dũng và Lâm Việt Tiến có thu nhập lần lượt ở mức 751, 721 triệu đồng, tương ứng trên 60 triệu đồng một tháng.

Ông Nguyễn Quang Minh, Lâm Phúc Tú  giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc cũng có mức thu nhập gần 700 triệu đồng.

Quỹ lương năm 2015 giữ ổn định ở mức 169 tỷ, số nhân viên 1.112 người. Năm 2014, quỹ lương cũng đạt 167 tỷ đồng.

Năm 2013, khi đó ông Vũ Hữu Chinh còn làm Chủ tịch đã nhận về 920 triệu đồng, năm 2012 là 967 triệu, năm 2014 giảm xuống 825 triệu đồng do bổ nhiệm Chủ tịch mới cuối năm. Ngoài ra các lãnh đạo khác cũng có mức thu nhập cao, bất chấp công ty thua lỗ.

Vận tải biển đang trải qua thời kỳ đen tối nhất, con tàu Vosco đang chông chênh giữa bão tố. Vay nợ ngân hàng để đóng tàu, mỗi biến động về lãi suất, thanh toán đều tác động đến đại gia vận tải này.

Lên sàn từ năm 2010 với giá 18.000 đồng, thua lỗ triền miên đã đẩy cổ phiếu VOS xuống mức giá bèo 2.200 đồng. Vosco thua lỗ khiến con tàu Vinalines ngày càng nặng nề hơn do tập đoàn này vẫn nắm 51% cổ phần tại đây. Ngoài ra, Ngân hàng Á Châu chiếm 9%, Quỹ Mutual Fund Elite chiếm 5,61%. 

Nguồn: Tiền Phong
Bình luận
vtcnews.vn