Lộ sai phạm tại khu 'đất vàng' 187 Giảng Võ

Kinh tếThứ Bảy, 24/11/2018 10:52:00 +07:00

Theo kết luận Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, hợp tác giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đối tác trong việc triển khai đầu tư xây dựng dự án 187 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội đã xảy ra nhiều sai phạm.

Năm 1989, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định giao cho Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam quản lý 5.345 m2 đất 187 Giảng Võ.

Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã giao Nhà xuất bản giáo dục tại Hà Nội quản lý và trả tiền thuê đất hàng năm.

Năm 2008, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Xây dựng Sông Hồng để hợp tác đầu tư xây dựng dự án công trình hỗn hợp cao tầng trên toàn bộ khu đất.

giang vo

 Khu đất vàng 187 Giảng Võ. (Ảnh: Lao động thủ đô).

Sau đó, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã ký hợp đồng liên doanh với công ty CP Xây dựng Sông Hồng và 2 công ty (công ty CP đầu tư tài chính giáo dục, công ty TNHH Đầu tư và xúc tiến thương mại KAF) để thành lập công ty CP Đầu tư IP Việt Nam (công ty IP Việt Nam) với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Theo hợp đồng thỏa thuận, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam được nhận 95 tỷ đồng để thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất thực hiện dự án. Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã nhận được số tiền 60 tỷ đồng từ công ty IP.

Năm 2015, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã ký hợp đồng mua văn phòng làm việc tại tầng 12 tòa nhà Diamond Flower Lê Văn Lương với tổng số tiền 56 tỷ đồng để di dời toàn bộ đơn vị tại 187B Giảng Võ. Hợp đồng thuê văn phòng không được thực hiện thủ tục công chứng theo quy định.

Theo kết luận của đoàn thanh tra, dự án 187 Giảng Võ có thời gian triển khai gần 10 năm nhưng chưa tiến hành được việc khởi công công trình, việc liên doanh góp vốn đầu tư dự án không hiệu quả, không đạt mục tiêu.

Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam chưa nhận được đủ số tiền 90 tỷ đồng theo đúng thỏa thuận nhưng đã đi thuê dài hạn văn phòng làm việc bằng việc đi vay vốn, góp vốn, nhận ủy thác góp vốn lòng vòng trong các công ty con mà không xin ý kiến Bộ giáo dục và đào tạo khi chuyển nhượng phần vốn góp chi phối của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại công ty IP Việt Nam.

Đồng thời, theo hợp đồng hợp tác, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam sẽ được nhận 25% lợi nhuận sau thuế của dự án sau khi đã trừ đi các quỹ phải phân bổ theo Luật Doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn giữa các bên tham gia liên doanh.

Khi thực hiện việc thoái vốn tại công ty IP Việt Nam, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam chưa xem xét, làm rõ các giá trị pháp lý của nội dụng thỏa thuận về phần lợi nhuận Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam được hưởng từ lợi thế thương mại của khu đất 5.619 m2.

Ngoài ra, cũng theo kết luận này, liên quan đến các dự án đầu tư, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng đã để xảy ra nhiều sai phạm khác.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM, đơn vị này không trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, chấp thuận để 2 công ty con góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, không tiến hành đánh giá lại tài sản vi phạm quy định.

Việc góp vốn, xác định tỷ lệ phân chia lợi nhuận, xác định giá thành cho thuê không rõ căn cứ, thủ tục lòng vòng, thiếu minh bạch; có nhiều vi phạm trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Cùng với thiếu sót, sai phạm nêu trên, Công ty Đầu tư tài chính Thiên Hóa (Công ty Thiên Hóa) được thành lập năm 2009, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng (vốn góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là hơn 68,7 tỷ đồng), đến năm 2011 có nghị quyết giải thể.

Tuy nhiên, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn đầu tư hơn 13,7 tỷ đồng vào để mua cổ phần của các cá nhân. Ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thiên Hóa đồng thời lại là đại diện Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam ký nhiều hợp đồng vay vốn với chính Công ty Thiên Hóa, số tiền hơn 136,3 tỷ đồng, lãi suất trung bình 15%/năm.

Ngoài ra, theo nghị quyết của Hội đồng quản trị, ngày 9/1/2010, ông Mạc Văn Thiện đã ký quyết định cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền vay 14 tỷ đồng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khách sạn số 38 Hoàng Diệu, Thành phố Đà Nẵng.

Nhưng sau đó, chính ông Thiện lại phê duyệt cho bà Hiền mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không thông qua Hội đồng quản trị) dẫn đến việc không thu hồi được khoản vay của bà Hiền hơn 15,5 tỷ đồng (cả gốc và lãi).

Thanh tra Bộ kiến nghị Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam khắc phục hậu quả, rà soát lại toàn bộ những vấn đề sai phạm trên, đồng thời chấn chỉnh quản lý chấm dứt việc thực hiện các công việc trong quản lý, điều hành trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền. Thanh tra yêu cầu đơn vị này xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong quản lý sử dụng vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định.

>>> Đọc thêm: 'Đất vàng' 8-12 Lê Duẩn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng sẽ được xử lý thế nào? 

Khánh An
Bình luận
vtcnews.vn