Lo ngại giáo viên địa phương chấm thi tốt nghiệp THPT nới tay cho điểm cao

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 19/04/2021 07:43:00 +07:00

Nhiều người lo ngại, khi chấm môn thi tự luận, giáo viên địa phương có tâm lý nới tay cho điểm cao học sinh của mình.

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các địa phương tiếp tục được giao trách nhiệm tổ chức thi, coi thi, chấm thi. 

Chấm không đều tay, học sinh thiệt

Cô L.H.T., giáo viên một trường THPT ở Hà Nội nhiều năm tham gia chấm thi kỳ thi THPT quốc gia cho rằng, với những môn trắc nghiệm, chấm bằng máy có thể đảm bảo khách quan; riêng với môn Ngữ văn, khả năng có sự vênh nhau giữa giáo viên các địa phương.

Những năm gần đây, đề thi Ngữ văn theo hướng mở, đáp án khá chung chung, trong khi thí sinh có thể mở rộng ra nhiều ý khác. Đặc biệt, những thí sinh giỏi Văn có thể sáng tạo, diễn đạt theo cách rất riêng, nhưng điều này có thể đi ngược với quan điểm của giám khảo.

Cô H.T. nói: “Trong những lần đi chấm trước, một số bài vênh nhiều điểm giữa hai cán bộ chấm thi. Hay như, Hà Nội là địa phương ít khi có điểm cao tới mức 9,75 hay điểm 10 môn Ngữ văn, nhưng những năm trước, các địa phương đều cho thí sinh mức điểm này”.

Kết quả chấm thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho thấy, trong số 830.764 thí sinh dự thi, có 2 điểm 10, có 41 điểm 9,75 và có 624 điểm 9.

Năm ngoái cũng là năm môn Ngữ văn có tới 2 bài thi điểm 10 (thuộc về học sinh trường THPT Mỹ Tho ở Nam Định và trường THPT Chu Văn An ở An Giang). Tuy nhiên, thời điểm đó, một số giáo viên dạy Ngữ văn cho rằng, điểm 10 môn Ngữ văn trước đây không có tiền lệ, sẽ thiệt thòi cho học sinh ở nơi chấm “chặt tay”, trong khi có thể có nơi, giáo viên chấm “lỏng tay” hơn.

Lo ngại giáo viên địa phương chấm thi tốt nghiệp THPT nới tay cho điểm cao - 1

Cán bộ coi thi bốc thăm phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Cô Đào Thị Thanh, giáo viên bộ môn Ngữ văn, trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hoá), cho rằng, quy chế thi quy định khá chặt khi bài thi chuyển đến tay giám khảo chấm đã được cắt phách hoàn toàn, chấm các vòng độc lập nhau, nên khó có thể biết bài học sinh nào để nâng điểm. Có thể có chuyện ưu ái chỗ này, chỗ kia nhưng không nhiều và không lộ liễu như cho hàng loạt điểm 9, điểm 10.

Cô Thanh kể rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cô phải chấm lại một bài vì điểm chấm giữa hai giám khảo quá vênh nhau. Giám khảo 1 cho 9 điểm, giám khảo 2 cho 6 điểm, nhưng khi cô là giám khảo 3 chấm lại, chắt chiu hết ý học sinh, cô cho 8,5 điểm, cộng 3 điểm chia ra, kết quả thí sinh đó được 8,17 điểm.

“Nhưng, số bài chấm vênh nhau quá nhiều như vậy là rất ít, lỗi có thể do giám khảo chấm sót ý. Hay như bài văn điểm 10 của học sinh An Giang năm ngoái cũng gây tranh cãi, sau này nhiều giáo viên dạy Văn nói có thể giáo viên cho điểm sáng tạo chăng”, cô Thanh nói.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, nói rằng, riêng môn thi Ngữ văn, ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng chủ quan của người chấm. Tuy nhiên, quy chế thi chặt chẽ, nếu các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc theo quy định, dù câu hỏi mở, kết quả chấm thi sẽ phản ánh đúng năng lực học sinh.

Quy định về chấm thi

Theo quy chế thi, hướng dẫn thi quy định bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm khác nhau.

Trước khi chấm, trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt quy chế thi, thảo luận đáp án, hướng dẫn chấm cho toàn bộ tổ trưởng tổ chấm và cán bộ chấm thi. Sau đó, tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để thống nhất cách chấm, khi đó mới tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt.

Mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm thi độc lập, trong đó, lần chấm thứ nhất, cán bộ chỉ ghi điểm chấm trên phiếu chấm cá nhân. Cán bộ thứ 2 chấm điểm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng và tổng từng câu bên lề của tờ giấy thi.

Sau khi chấm sẽ có phần chấm kiểm tra khoảng 5% số bài thi, bằng hình thức chọn ngẫu nhiên hoặc chọn cả túi. Hướng dẫn chấm thi cũng quy định, liên quan bài thi thí sinh, ai đảm nhận nhiệm vụ nào chỉ được thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ đó.

Về chấm thi, Bộ GD&ĐT quy định số lượng, vị trí camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng quản lý bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận phải đảm bảo bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng.

Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ dữ liệu của camera được niêm phong và giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn