Lo mục tiêu GDP năm 2021 quá cao, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại

Đầu TưThứ Tư, 04/11/2020 12:45:00 +07:00
(VTC News) -

Chỉ ra những khó khăn trong phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, việc đặt ra mục tiêu GDP năm 2021 là quá cao.

Sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020-2021.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu vấn đề về mục tiêu GDP dự kiến 6% trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 khó lường, thiên tai xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề. "Đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý", ông Tiến nói.

Ngoài ra, chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 3.700 USD cũng được đánh giá là quá cao. “Bình quân năm 2020 mới đạt 2.750 USD”, đại biểu Quốc hội này viện dẫn lại số liệu cũ và đề nghị xem lại tính khả thi về mục tiêu GDP năm 2021.

Lo mục tiêu GDP năm 2021 quá cao, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại  - 1

Đại biểu Trần Văn Tiến.

Vẫn theo ông Trần Văn Tiến, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, thấp hơn năm 2019 và 2020. “Vì vậy rất cần xem lại bởi Việt Nam đang nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng khoa học công nghệ”, ông Tiến nói.

Cũng trong sáng nay, liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, còn có quá nhiều thách thức, khó khăn. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Bình nhấn mạnh, ước tính ngoài chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo người lao động, nếu muốn thành lập trang trại chăn nuôi ở quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì chi phí gấp 4 đến 5 lần so với mô hình trang trại truyền thống.

Cụ thể, theo ông Tiến, 1 ha nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước phun sương, bón phân được tự động hóa theo công của Israel thì cần ít nhất khoảng từ 5 đến 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước, chiếm khoảng 0,01%. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam luôn thấp.

Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao. Đây là khó khăn tiếp theo, đòi hỏi đội ngũ này phải có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp.

Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn ở nước ta còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập và phát triển. Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học, công nghệ, đặc biệt là ở vùng có kinh tế kém phát triển, nhất là việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lo mục tiêu GDP năm 2021 quá cao, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại  - 2

Đại biểu Thạch Phước Bình.

Khó khăn nữa với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo đại biểu Thạch Phước Bình, đó là thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém trong và ngoài nước chưa tương xứng với chi phí đầu tư.

Trên thị trường quốc tế, phần lớn nông sản Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ ở các tỉnh, thành chưa liên kết chặt chẽ, tại nhiều địa phương việc xây dựng kế hoạch hợp tác giữa cá nhân nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện dự án còn rời rạc, còn nhiều bất cập.

Vấn đề quy tụ đất đai cũng được đại biểu này nhắc đến. Theo đó, việc quy tụ đất đai, tập trung ruộng đất còn chậm. Ở nhiều địa phương, các vị trí thuận lợi thường xây dựng các hệ thống dịch vụ, đặc biệt là các khu công nghiệp. Hơn nữa đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có chính sách quy tụ để mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang cho nông nghiệp công nghệ cao.

Chỉ rõ những “điểm nghẽn” với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn