Chiêu trò 'móc túi' mới của thợ lắp điều hòa mua siêu thị

Kinh tếThứ Bảy, 01/07/2017 11:00:00 +07:00

Đổi dây điện lõi đồng thành dây điện lõi nhôm, từ đó đút túi tiền chênh lệch giữa hai loại dây này là mánh “vặt tiền” mới mà thợ điều hòa của siêu thị thường dùng khi đi lắp đặt cho khách hàng.

Là người có 17 năm kinh nghiệm trong nghề sửa chữa, lắp đặt và bảo dưỡng điều hòa tại khu vực Hà Đông (Hà Nội), anh Đồng Xuân Toàn cho biết, hôm 27/6 anh sửa 4 máy điều hòa thì có 2 máy không chạy do đứt dây điện ngầm. Lý do đứt dây là vì dây điện lõi nhôm dùng lâu ngày bị oxi hóa.

Anh Toàn chia sẻ, buổi sáng, anh đến nhà một khách hàng ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) để sửa bởi khách báo cứ mở điều hòa lên thì chỉ thấy cục lạnh chạy, còn cục nóng thì không.

Sau khi xem xét và bằng kinh nghiệm, anh chắc chắn dây điện bị đứt ngầm. Dùng đồng hồ để đo nguồn điện chạy từ lốc ra thì đúng là dây điện bị đứt.

manh khoe cua nguoi lap dieu hoa

Khi lắp điều hòa cho khách, một số thợ thường lắp dây điện lõi nhôm nhưng tính tiền giá dây điện lõi đồng. (Ảnh minh họa) 

Thế nhưng, khi báo cho khách hàng nguyên nhân và nói cần phải thay dây điện mới thì họ thắc mắc, cho rằng máy mới chạy mùa thứ 2 làm sao mà dây điện có thể đứt nhanh thế được.

Tỏ thái độ nghi ngờ, vị khách này cho biết, nhà chị mua điều hòa ở siêu thị gần nhà, được thợ của siêu thị đến lắp đặt sau hai ngày đặt mua. Lúc lắp đặt, thợ có tính tiền dây dẫn ống đồng giá 150.000 đồng/mét, dây điện hãng T. 2x2.5 giá 17.000 đồng/mét.

Khoảng cách từ cục nóng đến cục lạnh là 12 mét thợ tính hết 12 mét ống đồng (hết 1,8 triệu đồng). Dây điện thì họ nói phải chạy hai đường nên sử dụng hết 25 mét dây điện (hết 425.000 đồng). Đó là chưa tính mấy khoản tiền lặt vặt khác như giá đỡ cục nóng, tiền automat, đường ống nước thải,...

“Khi nghe chị khách nói như vậy, tôi bảo ngay là thợ lắp dây điện lõi nhôm cho nhà chị và tính giá dây lõi đồng để đút túi tiền chênh lệch. Không tin, tôi sẽ tháo đường ống, cắt thử dây điện ra cho chị kiểm tra”. Nói xong, anh tháo đường ống, cắt đôi dây điện, để hở ra phần lõi dây kim loại bên trong cho chị khách tận mắt thấy phần dây điện nối giữa cục nóng và cục lạnh của chị là dây điện lõi nhôm.

Anh cho hay, loại dây điện lõi đồng hiệu T. 2x2.5 khá bền nên giá thường đắt, ở mức 17.000 đồng/mét. Trong khi đó, dây điện lõi nhôm giá trên thị trường chỉ 4.000 đồng/mét nhưng không bền, dùng một thời gian lõi nhôm sẽ dễ bị oxi hóa dẫn đến hay bị đứt ngầm bên trong.

“Một số thợ điều hòa của các siêu thị thường lợi dụng mức giá chênh khá lớn này (tới 4 lần) để đánh tráo, sử dụng dây lõi nhôm để lắp đặt cho khách, đến khi tính tiền lại tính mức giá của dây điện lõi đồng”, anh nói. Chiêu làm ăn gian dối này là do thợ chứ không phải do siêu thị.

danh trao day dien

 Nhờ chiêu đánh tráo dây điện, thợ điều hòa có thể ăn chênh hơn chục ngàn đồng cho mỗi mét dây

Ở các siêu thị, khi thợ đi lắp đặt điều hòa cho khách, họ sẽ xuất kho máy điều hòa, vật tư (dây ống đồng, dây diện, vải bọc bảo ôn, giá đỡ cục nóng,... ) kèm theo.

Tuy nhiên, để kiếm lợi, trên đường từ kho tới nhà khách hàng, thợ thường tráo dây điện từ loại lõi đồng sang lõi nhôm. Dây lõi đồng sẽ bán luôn cho các đại lý và nhập dây lõi nhôm giá rẻ, ăn chênh lệch khoảng 13.000 đồng/mét.

Khi mua điều hòa ở các siêu thị hay cửa hàng điện máy, khách hàng không được bảo hành dây dẫn và phụ kiện, đây chính là lý do để thợ ráp máy lợi dụng đánh tráo dây ăn tiền chênh lệch. 

Video: Nắng nóng đỉnh điểm, đừng thử dùng điều hòa tự chế bằng thùng xốp

“Tôi gặp và sửa rất nhiều máy điều hòa bị đứt dây điện do dùng loại dây lõi nhôm. Mà hỏi thì khách nào cũng khăng khăng nói được lắp dây lõi đồng”, anh chia sẻ.

Anh Toàn khuyên, để tránh bị thợ lắp đặt đánh tráo, dùng dây lõi nhôm tính giá dây lõi đồng, trước khi lắp đặt khách có thể cắt một đoạn dây điện ngắn vài cm ra kiểm tra. Nếu dây lõi bên trong có màu trắng thì là dây lõi nhôm.

Khi phát hiện ra dây lõi nhôm, yêu cầu ngay thợ thay dây lõi đồng vì dây lõi đồng dùng bền, rất khó bị đứt ngầm. Còn dây lõi nhôm dùng một thời gian sẽ bị oxi hóa dẫn đến đứt ngầm bên trong. Lúc đó, sẽ phải thay toàn bộ đường dây, vừa tốn tiền công trả cho thợ vừa tốn tiền thay dây điện mới.

(Nguồn: Vietnamnet)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn