Lộ hàng loạt sai phạm mới tại chung cư Nam Đô?

Kinh tếThứ Hai, 31/03/2014 08:22:00 +07:00

Ngoài "lùm xùm" về việc để cho hơn 1.000 dân phải dùng nước thạch tín thì chủ đầu tư chung cư Nam Đô còn bị "tố" nhiều sai phạm khác.


Ngoài "lùm xùm" về việc để cho hơn 1.000 dân phải dùng nước thạch tín thì chủ đầu tư chung cư Nam Đô còn bị "tố" nhiều sai phạm khác.

"Lùm xùm" về nguồn nước: Giải quyết dứt điểm trong tháng 4

Liên quan đến vụ 1.200 dân tòa nhà Nam Đô phải dùng nước thạch tín, sau gần hai tuần chờ câu trả lời chính thức của Công ty CP đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GPI) - đơn vị thi công khu chung cư Nam Đô (Trương Định, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đến ngày 30/3 Kiến Thức đã nhận được công văn của doanh nghiệp này. Theo đó, GPI khẳng định: Ngay khi có khuyến cáo của các hộ dân, GP.INVEST đã tiến hành làm việc với Xí nghiệp nước sạch Quận Hoàng Mai, làm việc với nhà thầu thi công đường ống từ bể chứa dẫn tới các căn hộ.

 
Theo GPI thì sẽ có ba phương án xử lý nước nhiễm Asen. Cụ thể: Nếu kết quả xét nghiệm là do lỗi của đơn vị cung cấp nước sạch, GP.INVEST sẽ cùng cư dân Nam Đô yêu cầu và kiến nghị đơn vị cung cấp nước cung cấp nước sạch theo đúng quy định của nhà nước.


Trường hợp thứ hai: Nếu kết quả xét nghiệm tại đường ống tổng chảy vào bể chứa nước chung cư Nam Đô của Xí nghiệp nước sạch Hoàng Mai đủ điều kiện nhưng xét nghiệm tại bể chứa và tại vòi nước của các hộ dân vẫn có hàm lượng Asen vượt mức cho phép, chủ đâu tư sẽ làm việc với đơn vị thi công đường ống đề nghị xem xét và kiểm tra lại toàn bộ, nếu xét nghiệm lại vẫn không đủ tiêu chuẩn cho phép thì sẽ tiến hành phương án 3.
Phương án cuối cùng, theo GP.INVEST là đã lấy chào giá của 3 đơn vị cung cấp thiết bị lọc nước và dự kiến sẽ mua 2 hệ thống lọc nước cho 2 tòa nhà, kinh phí theo chào giá là gần 4 tỷ đồng sẽ do chủ đầu tư chịu toàn bộ.

"Tuy nhiên, sau đợt thau rửa bể, làm sạch đường ống dẫn và lấy nước tiếp tục xét nghiệm thì hôm nay chúng tôi đã đạt được kết quả ban đầu từ Viện Pasteur cho kết quả xét nghiệm nồng độ Asen dưới 0,01, đạt chuẩn nước sạch sinh hoạt của Bộ Y tế", công văn của GPI nhấn mạnh.

Nói về giá nước cao hơn giá nước sinh hoạt, đại diện chủ đầu tư cho rằng, không thu thêm bất kỳ một khoản nào vượt mức giá mà Xí nghiệp nước sạch đã đưa ra.

"Chúng tôi cũng đã làm việc với Xí nghiệp nước sạch Quận Hoàng Mai về việc các hộ dân đã chuyển đến sinh sống khá đông và đề nghị Xí nghiệp nước sạch áp giá nước với giá nước sinh hoạt cho các hộ dân và đã được sự đồng ý của Xí nghiệp. Chúng tôi đã thông báo rộng rãi và yêu cầu các hộ dân chuẩn bị đủ hồ sơ nộp cho Xí nghiệp để được hưởng mức giá nước sinh hoạt theo quy định.


Đồng thời, chủ đầu tư của chung cư Nam Đô cũng cam kết sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại trên trong tháng 4 để đảm bảo cư dân được dùng nước sạch theo đúng quy định và giá đúng bằng giá do Nhà nước ban hành.

Lộ thêm loạt sai phạm mới?


Tuy nhiên, không chỉ "lùm xùm" trong việc sử dụng nguồn nước không sạch, tòa nhà Nam Đô còn bị người dân tố hàng loạt sai phạm khác. Cụ thể như nhà gas trung tâm (nơi cấp gas cho các cư dân ở tòa nhà - PV) không được thực hiện để cung cấp cho cư dân như trong hợp đồng, nhưng chủ đầu tư lại không hoàn tiền lại cho người dân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Tú – Trưởng ban Pháp chế GPI, cho biết: “Lý do không thực hiện nhà gas trung tâm để cung cấp cho người dân là do hiện nay Nhà nước khuyến cáo không nên sử dụng gas trung tâm, vì nó rất nguy hiểm. Khi chủ đầu tư thay đổi về mặt thiết kế, đã gửi văn bản thông báo tới người dân việc này, họ cũng đã đến lấy toàn bộ số tiền ngay sau khi nhận được quyết định không thi công gas trung tâm nữa”.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng ban liên lạc tòa nhà CT2 – Khu chung cư Nam Đô, bản thân ông và rất nhiều hộ dân khác vẫn chưa lấy được số tiền hoàn lại từ chủ đầu tư. Ông Sơn thắc mắc: "Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc GPI - có trả lời báo chí rằng chủ đầu tư đã trả cho các hộ dân 10 tỷ đồng về tiền nhà gas trung tâm rồi. Nhưng hiện vẫn rất nhiều hộ dân chưa nhận được tiền. Vậy, 10 tỉ đồng như ông Dũng nói chạy đi đâu?”.

Không chỉ có vậy, người dân ở tòa nhà Nam Đô còn phản ánh, theo bản thiết kế tòa nhà Nam Đô, quán cà phê Thanh Thủy là đất để xây dựng hồ tiểu cảnh. Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư hoàn thành dự án nhà thì ở đó lại mọc lên quán cafe, làm cho người dân ở đây không khỏi băn khoăn, thắc mắc.

Giải thích vấn đề này, ông Tú cho biết: “Mục đích lớn nhất khi làm quán cà phê ở đây là để người dân có chỗ ngồi chơi, thư giãn vì view rất đẹp, Điều này khhông phải là ảnh hưởng thái quá. Hơn nữa, Sở Xây dựng cũng đã xem xét vấn đề này rồi và đã phạt chủ đầu tư để cho nó tồn tại”.

Tuy nhiên, ông Tú cùng thừa nhận: "Xây dựng quán cà phê cũng là sai phạm của chúng tôi"...

Cũng theo tố cáo của cư dân Nam Đô, thang máy khu chung cư bị biến thành vực kinh doanh phục vụ khách từ tầng 1-3. Giải thích về điều này, ông Tú khẳng định, thang máy từ tầng 1 đến tầng 3 là thang máy chung, chủ đầu tư muốn xây dựng hướng đến mục đích phục vụ người dân sống ở khu chung cư chứ không phải vì mục đích lợi nhuận.

Mặc dù đã lý giải khá nhiều về những sai phạm nhưng đại diện của chủ đầu tư vẫn chưa có câu trả lời chính thức với cư dân. Chính điều này khiến những căng thẳng tại khu chung cư Nam Đô vẫn chưa thế giải tỏa hết.

Theo kienthuc
Bình luận
vtcnews.vn