Lộ diện đại gia chi tiền khủng mua cổ phần Vinaconex

Kinh tếThứ Ba, 13/11/2018 10:09:00 +07:00

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố danh tính hai nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đấu giá mua trọn lô 94 triệu cổ phần Vinaconex do doanh nghiệp này sở hữu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,28%.

Với giá khởi điểm mỗi cổ phần là 21.300 đồng, để sở hữu trọn lô cổ phần từ Viettel, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất hơn 2.000 tỷ đồng.

Hai nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham giá đấu giá mua cổ phần của Viettel tại Vinaconex là Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.

Công ty Phát triển nhà và đô thị Thăng Long có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú - Phường Văn Quán - Quận Hà Đông - Hà Nội. Đại diện pháp luật là ông Trịnh Cần Chính, trú tại số 34 đường Hoàng Diệu - Quận Ba Đình - Hà Nội.

Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, người từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng vào năm 1945.

04_ulvx

9 tháng đầu năm, Vinaconex đạt lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 447,7 tỷ đồng và 367,8 tỷ đồng, giảm tương ứng 33% và 41% so cùng kỳ 2017. (Ảnh: Baodauthau) 

Còn công ty Bất động sản Cường Vũ có trụ sở tại 64 đường 85, phường Tân Quy - quận 7 - TP.HCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật.

Phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào 15h ngày 22/11.

Ngoài Viettel, một cổ đông lớn khác của Vinaconex là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng thông báo bán toàn bộ gần 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 57,7% vốn.

Năm 2017, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 9/11, Vinaconex đã có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex về 0%.

Theo công văn, chiểu theo đăng ký kinh doanh của Vinaconex, có tới 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, theo qui định tại Nghị định số 60 năm 2015 của Chính phủ, Phụ lục 4 trong Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.

5 ngành nghề đó bao gồm: Xuất khẩu lao động, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, kinh doanh điện thương phẩm, mua bán rượu bia thuốc lá, kinh doanh xăng dầu.

Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 11% cổ phần Vinaconex, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu. Trong đó, Pyn Elite Fund là cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu VCG (7,1%), ngoài ra, VNM ETF cũng nắm giữ khoảng 7,5 triệu cổ phiếu VCG.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn