Chính trị

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam

Thứ Ba, 20/12/2022 12:15:00 +07:00

(VTC News) - Đối với Không quân Việt Nam, Phi đội bay đêm nhỏ về số lượng, nhưng lại trở thành đơn vị đặc biệt.

Video: Những cựu phi công bay đêm về thăm Trung đoàn xưa

Nói về những chiến thắng của Không quân Việt Nam, người ta biết nhiều về những chiến công vang dội với các tên tuổi phi công nổi bật qua các trận đánh thắng ban ngày: Đào Đình Luyện, Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân...

Còn với phi đội bay đêm, cũng lặng lẽ như bầu trời đêm họ giấu mình rất kỹ, kiên trì bền bỉ luyện tập để khi xuất hiện là chói sáng với chiến công bắn rơi 2 máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Cùng những đồng đội trong giai đoạn 1968 - 1975, ông Nguyễn Văn Quang - người có mặt ngay từ ngày đầu thành lập Phi đội, đã ghi lại những sự kiện đáng nhớ của đơn vị.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 1

 

 

Ngày 12/4/1966, đế quốc Mỹ bắt đầu cho máy bay B-52 đánh phá miền Bắc bằng việc ném bom ở đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Bác Hồ chỉ thị cho bộ đội Phòng không - Không quân “phải tìm cách đánh bằng được B-52”. Các binh chủng đều tập trung tìm giải pháp thực hiện mệnh lệnh của Bác.

Với không quân, việc đánh B-52, đặc biệt là đánh vào ban đêm, là cực kỳ quan trọng. “Năm 1966, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam máy bay chiến đấu MiG-21 thì tháng 2/1967 đã có tổ bay đêm 3 người gồm: Hoàng Biểu, Hà Văn Chúc, Nguyễn Văn Thuận” - cựu phi công Hoàng Biểu nhớ lại.

Ngày 23/7/1968, Đại đội 3 (sau này - ngày 15/9/1969 đổi  phiên hiệu thành Đại đội 5/Phi đội 5) được thành lập. Lúc ấy, đơn vị có 16 phi công được tuyển chọn và 2 chính trị viên, biên chế Trung đoàn Không quân đầu tiên của Việt Nam - E321.

Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính, Trung đội trưởng Hoàng Biểu, các phi công Vũ Đình Rạng, Vũ Xuân Thiều… sau này là những ngôi sao đêm sáng nhất trong 16 ngôi sao ban đầu đó.

Ngay ngày hôm sau, Đại đội đã tổ chức trực ban chiến đấu ban ngày lần đầu tiên tại sân bay Đa Phúc (sau chiến tranh là Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội).

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 2

Một số học viên Trường phi công quân sự Liên Xô sau này trở thành phi công của Phi đội bay đêm, Trung đoàn 321.

Và cũng chỉ mấy ngày sau (1/8/1968), những phi công của đơn vị đã đánh thắng trận đầu tại chiến trường Quân khu IV. Biên đội Nguyễn Đăng Kính - Phạm Văn Mạo - Nguyễn Hồng Nhị xuất kích từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã không chiến với một biên đội máy bay F-8 của Mỹ ở Đô Lương, Nam Đàn (Nghệ An). Chủ nhiệm bay Trung đoàn Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi 1 máy bay địch.

Nhưng, những trận chiến giữa thanh thiên bạch nhật không phải là nhiệm vụ chính của họ. Phi đội giữ nhiệm vụ mật quan trọng hơn là chuẩn bị cho những trận không chiến giữa trời đêm và xa hơn nữa là tìm ra cách đánh loại máy bay ném bom được Mỹ khuyếch trương là "hiện đại nhất thế giới, B-52".

Ngay từ ngày 5/8/1968, Phi đội bắt tay ngay vào huấn luyện bay đêm, bắt đầu từ các phi công của Trung đội 1. Giáo viên bay, ngoài các chuyên gia Liên Xô, còn có 2 giáo viên Việt Nam là: Trung đoàn phó Phạm Ngọc Lan và Trung đội trưởng Trung đội 1 Hoàng Biểu.

Chỉ gần 2 tháng sau, ngày 23/9/1968, Phi đội bay đêm đã tổ chức được trực ban chiến đấu ban đêm tại sân bay Đa Phúc với phi công trực chiến đầu tiên là Thiếu úy Đặng Xây. Từ ngày đó, bầu trời đêm nước Việt có những cánh bay sẵn sàng chiến đấu.

Cứ thế, cùng với số ít những trận chiến đấu ban ngày cả phi đội cứ “gan không núng, chí không mòn” âm thầm luyện tập rất nhiều giáo án bay đêm, đưa ra phương án đánh đêm, kể cả đánh B-52 với các điều kiện thời tiết, ánh sáng… khác nhau.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 3

Cựu phi công Hoàng Biểu kể lại những ngày huấn luyện, trực ban chiến đấu ban đêm của Phi đội bay đêm.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 4

 

Tháng 8/1970, Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Hoàng Biểu, các phi công Đặng Xây, Vũ Đình Rạng đã tham gia đoàn nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 ở chiến trường Quân khu IV do đồng chí Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh chủ trì.

Khu Bốn thời kỳ đó B-52 hoạt động nhiều, uy hiếp tuyến đường huyết mạch - đường mòn Hồ Chí Minh. Tuyến đường này đưa bộ đội, vận chuyển vũ khí, đạn dược, hậu cần cho chiến trường miền Nam.

Chính vì thế, phải làm rụt vòi sự hung hãn của Không quân Mỹ, bảo vệ tuyến đường hậu cần chiến lược, đúc rút kinh nghiệm đánh B-52 cho mục tiêu lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là trách nhiệm nặng nề cho bộ đội tên lửa, không quân.

Việc chuẩn bị cho đánh B-52 bắt đầu ráo riết từ năm 1970. MiG-21 được đưa vào các sân bay dã chiến với 2 phi công đầu tiên là Đinh Tôn, Hoàng Biểu. Sang năm 1971, thêm 2 phi công nữa là Đặng Xây, Vũ Đình Rạng.

“Ngày đó, chúng tôi đi ô tô vào Lệ Thủy (Quảng Bình) quan sát thực địa, vạch đường bay, bay thử, rồi bàn bạc tìm phương án bay, chặn đánh hay tấn công địch. Cứ thực hiện theo phương án đã vạch, rồi lại về bàn. Vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại, ai cũng thuộc lòng, bay cũng nhuần nhuyễn” - cựu phi công Hoàng Biểu kể.

Còn theo cuốn sách Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 - 1975) nhìn từ hai phía, lúc 19h30 ngày 4/10/1971, Đại đội trưởng Đinh Tôn xuất kích từ sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) bay vào khu vực nhiều khả năng sẽ có B-52. Đây là trận đánh B-52 vào ban đêm đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 5

Cựu phi công Vũ Đình Rạng luôn nhớ về trận đánh thắng B-52 đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Trong trận này, nhiễu quá dày nên radar mặt đất không bắt được mục tiêu. Đại đội trưởng Đinh Tôn tùy cơ ứng biến bằng cách sử dụng radar của máy bay kết hợp mắt thường để cơ động tìm mục tiêu. Lúc đầu, anh phát hiện B-52 qua vệt đèn nhấp nháy.

Khi vòng lại để chuẩn bị bắn thì dường như địch cũng phát hiện ra MiG-21 nên B-52 tắt hết đèn, cùng lúc nhiều máy bay tiêm kích bảo vệ của địch xuất hiện. Sở chỉ huy thấy đánh không chắc thắng nên hạ lệnh cho anh quay về sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) hạ cánh.

Thế là, lần đầu tiên máy bay của không quân Việt Nam nhìn thấy B-52 trên tầng không, cách vận hành của chúng cũng như việc bảo vệ cho chúng, mang lại kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Về phía Mỹ, sau khi thấy có MiG-21 săn B-52 nên tăng cường bảo vệ Pháo đài bay nhiều hơn bằng nhiễu và máy bay tiêm kích.

Một dấu mốc lịch sử nữa đã ra đời trong lịch sử đánh B-52 của Không quân Việt Nam. Đó là ngày 20/11/1971, 2 chiếc MiG-21 bí mật được điều động vào sân bay Vinh và Anh Sơn (đều thuộc tỉnh Nghệ An), chuẩn bị làm điều bất ngờ.

Ngay tối hôm đó, lúc 19h30, Sở Chỉ huy tiền phương phát hiện tín hiệu nhiễu của máy bay B-52 từ Thái Lan bay sang. Phi công Hoàng Biểu được lệnh xuất kích nghi binh. Phía Mỹ lệnh cho B-52 quay về. Phi công Hoàng Biểu cũng được dẫn về sân bay Đa Phúc hạ cánh.

Những tưởng chúng ta chỉ có 1 MiG-21 ở khu vực Khu Bốn, chỉ 1 tiếng sau, địch lại cho B-52 bay vào chuẩn bị ném bom. Từ đường băng khá ngắn (chỉ 1.800 m) được lát bằng ghi sắt trên địa bàn hiểm trở ở Anh Sơn, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh.

Trong trận chiến đấu không cân sức này, anh đã phóng tên lửa bắn hỏng một động cơ của chiếc B-52, khiến nó phải trở về hạ cánh trên đất Thái Lan.

Cũng từ đó, một thời gian dài B-52 vắng bóng tại khu vực này để tập trung tìm cách đối phó với MiG-21 của ta. Đường mòn Hồ Chí Minh có một giai đoạn an toàn hơn để gấp rút làm tốt công tác vận chuyển nhân lực và khí tài quân sự vào chiến trường miền Nam.

Trận không kích trong đêm đã trở thành kinh nghiệm quý báu để Không quân Việt Nam hoàn thiện phương án đánh B-52, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 6

 

Sau cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với phiên họp đầu tiên ngày 13/5/1968, tại Paris (Pháp). Từ đó, cùng chiến thắng của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, cuộc tranh đấu trên mặt trận ngoại giao có khi gấp rút, có lúc chững lại.

Cho tới năm 1972, đế quốc Mỹ đã thấm đòn trong cuộc chiến ở miền Nam, nhưng vẫn cố gắng tấn công miền Bắc bằng không quân, hải quân. Tuy vậy, nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có thể bước sang giai đoạn bước ngoặt, có lợi cho ta.

Và như vậy, lời tiên đoán thần kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có khả năng cao trở thành hiện thực. Bác nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Vì vậy, trong tháng 2 và 3/1972, Trung đoàn 321 cơ động vào sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đóng quân và làm nhiệm vụ tác chiến trên vùng trời Quân khu IV. Tuy nhiên, Phi đội bay đêm vẫn được lệnh bám trụ tại sân bay Đa Phúc để tiếp tục huấn luyện và trực chiến cả ban đêm lẫn ban ngày.

Ngày 9/4/1972, Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ. Phi đội 5 cùng Trung đoàn 321 khẩn trương chuẩn bị chiến đấu.

Bảy ngày sau (16/4/1972), đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân vào miền Bắc. Phi đội 5 kiên cường tham gia bảo vệ các mục tiêu trọng yếu cả ngày lẫn đêm.

Đến tháng 10 và 11/1971, Phi đội nhận được mật lệnh chuẩn bị tham gia đánh máy bay B-52 trong đội hình hiệp đồng binh chủng. Và, ngày Bác Hồ tiên đoán đã đến. Đế quốc Mỹ dùng máy bay chiến lược B-52 rải thảm bom vào Hà Nội, Hải Phòng… để “đưa miền Bắc vào thời kỳ đồ đá”.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 7

 

Đêm mở đầu chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, 3 chiếc MiG-21 lần lượt được lệnh xuất kích.

Phi công Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Đa Phúc lên chặn đánh B-52 ở Mộc Châu, nhưng không phát hiện được địch do radar bị nhiễu nặng và thời tiết xấu. Trở về, anh xuyên mây hạ cánh 4 lần không được vì không nhìn thấy đường băng, mây quá thấp, tầm nhìn cực kỳ hạn chế. Sở Chỉ huy buộc phải dẫn đến khu vực sân bay Hòa Lạc (Hà Nội, Hà Tây cũ), nhưng đường băng cũng bị đánh hư hỏng nặng. Anh được lệnh nhảy dù.

Phi công Trần Cung nhận lệnh bay lên bảo vệ vùng trời Hà Nội từ sân bay Hòa Lạc trong điều kiện đường băng ghi bị địch ném bom hư hỏng nặng. Anh không thể phát hiện được B-52 vì địch gây nhiễu nặng. Máy bay của anh bị tiêm kích địch bao vây, bắn tên lửa. Phi công này được Sở Chỉ huy dẫn đường về 3 sân bay Đa Phúc, Kép (Bắc Giang), Gia Lâm (Hà Nội) nhưng dều không thể hạ cánh vì vừa bị địch đánh phá. Anh quay lại sân bay Đa Phúc và hạ cánh thành công trên đường băng lổn nhổn hố bom.

Phi công Phạm Tuân xuất kích từ sân bay Đa Phúc với nhiệm vụ đánh chặn B-52 trên vùng trời Hòa Bình, Mộc Châu (Sơn La), cũng bị tiêm kích địch chặn đánh và bắn tên lửa. Anh buộc phải quay về Đa Phúc dù sân bay vừa bị đánh phá. Tận dụng ánh trăng và ánh sáng của chiếc B-52 bị tên lửa ta bắn cháy cộng với đèn pha máy bay, Phạm Tuân đã vượt qua các hố bom và hạ cánh thành công. Tuy nhiên, máy bay bị lật và hư hỏng nặng.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 8

Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân kể về trận đánh thắng B-52.

Trong suốt giai đoạn một của chiến dịch (18 - 24/12/1972), các phi công của Phi đội bay đêm vẫn được lệnh xuất kích nhưng chưa hề có tin thắng trận báo về. Điều đó cho thấy, Không quân Mỹ đã rất quyết liệt hạn chế sức mạnh của MiG-21 và tính chất cuộc chiến rất khốc liệt.

Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân kể lại với phóng viên VTC News, vào tháng 12/2022, bộ đội Không quân gấp rút rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp mới để bước vào giai đoạn 2 như: Thứ nhất, chuyển máy bay ra các sân bay phụ ngoài Hà Nội, chuyển đại đội radar từ Mỹ Đình (Hà Nội) vào Thanh Hóa và lập Sở Chỉ huy ở đó. Đưa sĩ quan dẫn đường và đơn vị thông tin lên Lai Châu và lập Sở Chỉ huy thứ hai.

Thứ hai, bí mật chuyển máy bay tới các sân bay dã chiến bên ngoài Thủ đô như: Yên Bái, Cẩm Thủy, dù cho các sân bay này vừa bị đánh hư hỏng nặng, khiến địch bị bất ngờ.

Thứ ba, rút kinh nghiệm về cách đánh để tránh radar, hạn chế nhiễu, khôn khéo tránh F-4 hộ tống B-52, hạn chế sử dụng radar của mình mà tìm địch bằng mắt thường…

Áp dụng sáng tạo những điều đó, 22h20 ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân tự tin xuất kích từ sân bay Yên Bái. Đến vùng trời Sơn La, anh phát hiện đội hình B-52 của địch. Vượt qua các tốp tiêm kích F-4, anh phóng liền 2 quả tên lửa lên một chiếc B-52 và trở thành phi công đầu tiên trên thế giới bắn rơi máy bay mà Không quân Mỹ cho là “bất khả xâm phạm”.

Tối hôm sau, phi công Vũ Xuân Thiều cũng bám sát B-52, phóng tên lửa ở cự ly gần khiến một B-52 tan xác, nhưng anh cũng anh dũng hy sinh. Việc hy sinh của anh khiến đồng đội vô cùng thương xót, nhưng cũng rất đỗi tự hào về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của phi công Việt Nam.

Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Phi đội bay đêm đã lập nên kỳ tích trong lịch sử không chiến trên thế giới bằng chiến công lừng lẫy: Bắn rơi 2 Pháo đài bay B-52 của Không quân Mỹ.

Lính bay đêm - thanh gươm sắc của Không quân Việt Nam - 9

 

Bình luận
vtcnews.vn