Liệu taxi có "thừa cơ" tăng giá khi giá xăng tăng?

Kinh tếThứ Ba, 23/02/2010 09:08:00 +07:00

Các hãng taxi, đối tượng chịu tác động chủ yếu của việc xăng tăng giá, vẫn đang nghe ngóng, hầu hết chưa có kế hoạch tăng giá cước.

Sau hai lần điều chỉnh, giá xăng đã tăng khoảng 8% tính từ đầu năm đến nay. Các hãng taxi, đối tượng chịu tác động chủ yếu của việc xăng tăng giá, vẫn đang nghe ngóng, hầu hết chưa có kế hoạch tăng giá cước.  

Kiên nhẫn chịu đựng

Theo tính toán của Hiệp hội Kinh doanh Vận tải Việt Nam, giá thành vận tải (các phương tiện sử dụng xăng) bị đội thêm khoảng 3%. Cơ quan này khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên nỗ lực tiết kiệm chi phí thay vì điều chỉnh giá. 

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc hãng taxi Nguyễn Minh (Hà Nội), cho biết dù chi phí giá thành tăng đáng kể theo giá xăng, song doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước. Ông Minh tính toán, xăng đắt hơn khoảng 1.000 đồng mỗi lít tính từ đầu năm tới nay nên mỗi đầu xe của công ty phải chi thêm từ 15.000 đến 20.000 đồng một ngày. Công ty có hơn 100 đầu xe, tổng chi phí tăng thêm vào khoảng 50 - 60 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty đã có kế hoạch đối phó với phần tăng thêm này, các lái xe chỉ phải san sẻ một phần nhỏ để kích thích tiết kiệm chi phí, nâng doanh thu nhằm bù đắp.

“Mỗi biến động về giá xăng, dù nhỏ cũng đều ảnh hưởng ngay lập tức đến giá thành dịch vụ vận tải. Nhưng chi phí đầu ra, chúng tôi phải tính toán rất thận trọng, hợp lý, đảm bảo cạnh tranh. Tăng giá chỉ là phương án cuối cùng”, ông Minh nói.

Xăng tăng giá nhưng các hãng taxi hầu hết chưa tăng cước dịch vụ. Ảnh: Thảo Nguyên.

Những doanh nghiệp có lượng xe nhiều, nhất là loại có dung tích lớn, ngốn nhiều xăng, chi phí càng bị đội lên cao. Như Công ty CP dịch vụ taxi ABC với 300 đầu xe (gồm cả loại 4 chỗ và 7 chỗ), khoản chi thêm cho giá xăng lên tới 150 - 180 triệu đồng một tháng. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc điều hành taxi ABC, cũng cho biết, công ty sẽ chịu 80% phần chi phí tăng thêm này và “vẫn kiên nhẫn chịu đựng, chưa tăng giá cước”. 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, xác nhận, đến chiều 22/2, Sở chưa nhận được văn bản đăng ký tăng giá của hãng taxi nào trên địa bàn. Ông Linh nhấn mạnh: “Cơ quản quản lý vẫn kêu gọi doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, chia sẻ với người tiêu dùng. Nhưng nếu chi phí tăng quá sức chịu đựng, doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá cước”.

Cước taxi tăng trên 3% là trục lợi

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nhận định, trong lần xăng dầu tăng giá gần đây nhất (14/1), khoảng 30 - 40% doanh nghiệp kinh doanh taxi đã tăng giá cước. Nhiều khả năng, lần tăng giá xăng này, những doanh nghiệp khác cũng sẽ tính toán việc điều chỉnh cước 5 - 15%. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vận tải Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tính từ đầu năm đến nay, giá thành vận tải (chủ yếu phương tiện sử dụng xăng là taxi) tăng khoảng 3% thì các doanh nghiệp cũng chỉ tăng giá cước ở mức tương đương. Nếu cước taxi tăng tới 5 - 10% là đã lạm dụng việc tăng giá xăng để trục lợi.

“Các doanh nghiệp chưa nên vội vã tăng giá cước. Tại Hà Nội và TP HCM, mỗi nơi có khoảng 10 ngàn đầu xe taxi, mức độ cạnh tranh đã rất khốc liệt”, ông Hùng lưu ý. Đó là chưa kể, theo ông Hùng, mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp đều phải chịu không ít tốn phí cả về thời gian, công sức và tiền bạc như kiểm định lại đồng hồ đo cước, đăng ký giá, thông báo đến các lái xe và khách hàng… Trong khi giá xăng dầu thời gian qua biến động khá thất thường, việc tăng, giảm có thể sẽ thường xuyên hơn.

Bởi vậy, Hiệp hội Kinh doanh Vận tải Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, chỉ khi xăng, dầu tăng giá từ 10% trở lên mới nên tính phương án tăng giá cước. “Thay vào đó, các doanh nghiệp nên quy hoạch tốt hơn điểm dừng, đón khách, tránh để xe phải chạy lòng vòng đón khách; quản lý tốt người lao động, phương tiện nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Đó cũng là biện pháp tích cực nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động, lợi nhuận và cũng là để chia sẻ với người tiêu dùng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Giá cả không có cớ để tăng theo

Chuyên gia giá cả Ngô Trí Long cho rằng, việc xăng tăng giá lần này tác động không đáng kể đến giá cả hàng hóa nói chung. Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu chỉ nhích lên chút ít, giá cước vận tải hàng hóa cơ bản vẫn ổn định, do vậy, các hàng hóa khác không có cớ gì để tăng giá. Hơn thế, sau Tết, trừ rau xanh, thủy hải sản, các mặt hàng khác thường có xu hướng giảm nên nhìn chung, mặt bằng giá cả sẽ ổn định.


Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn