Liều chết ở con hẻm nguy hiểm nhất Sài Gòn

Thời sựThứ Tư, 26/02/2014 11:29:00 +07:00

(VTC News) - Cho dù có biển cấm to đùng ngay đầu hẻm, người dân vẫn vô tư giỡn mặt với tử thần.

Đi ngược chiều, leo xe lên lề để đi… là những hành động xảy ra thường ngày trên mỗi con đường ở TP.HCM. Điều này khiến người dân đặt vấn đề: Phải chăng người Sài Gòn đang quá thờ ơ với văn hóa giao thông?

Biển cấm to đùng, vẫn vô tư đi ngược chiều

Con hẻm 153 đường Quốc lộ 13 (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nối bến xe miền Đông ra đường Đinh Bộ Lĩnh được nhận định là một trong những con hẻm có đường giao cắt nguy hiểm nhất ở TP.HCM, gây ra quá nhiều tai nạn đau lòng.
Bắt đầu từ giữa tháng 3/2013,Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã quyết định con hẻm này chỉ được phép lưu thông một chiều.
ngược chiều, hẻm, giao thông.
Cho dù có biển cấm to đùng ngay đầu hẻm, người dân vẫn vô tư đi vào đường một chiều (Ảnh: N.D)
Tuy nhiên, cho dù lệnh cấm đã có hiệu lực được gần 1 năm, nhưng người dân TP.HCM vẫn phớt lờ với quy định trên.

Vào một buổi chiều cuối tháng 2, chúng tôi có mặt tại con hẻm trên khi chưa đến giờ cao điểm kẹt xe. Nhưng thật ngạc nhiên khi quá nhiều người dân vô tư đi ngược chiều vào con hẻm này như chưa từng có lệnh cấm.

ngược chiều, giao thông, văn hóa.
Không chỉ xe gắn máy, việc người đi bộ cố tình đi ngược chiều rất dễ xảy ra va chạm giao thông (ảnh: N.D)
Anh Nguyễn Trung Nguyên – một tài xế chạy xe ôm ở cạnh con hẻm này chia sẻ: “Tôi chạy xe ở đây đã gần 10 năm rồi. Kể từ khi đặt biển cấm ngược chiều vào năm ngoái, người dân vẫn phớt lờ. Nếu không có CSGT, người dân cứ đi ầm ầm, coi như biển cấm không có tác dụng”.

Không chỉ có xe máy mà cả người đi xe đạp, xe ba bánh tự chế, người đi bộ cũng cố tình đi ngược chiều, dù rằng ai cũng biết đây là con hẻm chỉ được phép lưu thông một chiều (chiều đi vào).

văn hóa, giao thông, ngược chiều.
Ngay cả những người mặc áo xanh, lực lượng dân quân cũng cố tình đi ngược chiều làm xấu hình ảnh của ngành trong mắt người dân (ảnh: N.D)
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (nhà ở phường 15 – quận Bình Thạnh), một người dân thường xuyên đi qua khu vực này cho rằng: Sở dĩ người dân biết có biển cấm một chiều nhưng vẫn vi phạm là do tâm lý chung "người ta đi được, mình cũng đi được":

“Có nhiều khi tôi đi ngang qua đây, thấy người đi trước đi được thì tôi cũng đi vào thôi, chứ cũng chẳng để ý lắm tới biển báo giao thông”.

ngược chiều, văn hóa, giao thông.
Không chỉ xe gắn máy mà xe ba bánh cũng đi ngược chiều, gây bất bình trong người dân địa phương (ảnh: N.D)
Theo nhiều người dân địa phương, chỉ khi nào có sự xuất hiện của lực lượng CSGT, lượng người đi ngược chiều qua đây mới giảm đáng kể. Còn khi lực lượng thi hành nhiệm vụ rút đi, mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Mỗi ngày, ước chừng đã có khoảng vài ngàn người dân vi phạm giao thông ở khu vực này. Một số người dân đánh giá đây là khu vực có lượng người đi ngược chiều nhiều nhất trong số các tuyến đường tại TP.HCM.

Kẹt xe, hồn nhiên đi lên vỉa hè

Một cảnh tượng dễ bắt gặp tại các con đường ở TP.HCM là cứ xảy ra nạn kẹt xe, người dân sẽ tranh giành nhau đi lên vỉa hè, lề đường, mà không biết rằng mình đang làm xấu đi hình ảnh văn hóa giao thông của người dân Sài thành.

17h vào một chiều giữa tháng 2, lượng người và xe lưu thông qua ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng (Q.3) ken chặt, đặc biệt là xe theo hướng từ đường Lý Chính Thắng tỏa ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

văn hóa, giao thông, ngược chiều.
Hình ảnh mạnh ai nấy leo lên vỉa vè vào giờ cao điểm trên đường Lý Chính Thắng (ảnh: N.D)
Càng đến giờ tan tầm, lượng người và xe nuối đuôi nhau, nhích từng chút một qua con đường này.
văn hóa, giao thông, ngược chiều.
Một người dân ngán ngẩm khi gặp cảnh kẹt xe, leo lên lề cũng không có lối đi nên đành tắt máy đứng chờ (ảnh: N.D)
Thấy lề đường Lý Chính Thắng còn trống, không ai bảo ai, tất cả đều cho xe leo lên lề đường để di chuyển. Cứ như vậy, cùng với kẹt xe dưới lòng đường, trên vỉa hè cũng bị ùn tắc nghiêm trọng.

Lúc này, mọi người nhanh chóng tìm mọi cách để thoát khỏi dòng xe ùn ứ.

Trong một lần trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, vô văn hóa giao thông là thực trạng không thể chối cãi trong bối cảnh áp lực giao thông, cơ sở hạ tầng dành cho lĩnh vực này ngày càng quá tải như hiện nay tại TP.HCM.
Tuy nhiên, dù với kỳ lý do gì, việc người dân vô tư vi phạm luật giao thông là hành động đáng lên án. Rất mong các cơ quan chức năng TP.HCM vào cuộc, ngăn chặn tình trạng vi phạm luật rất ngang nhiên này để giảm đi những vụ tai nạn đau lòng có thể xảy ra.
Bình luận
vtcnews.vn