Liên Xô từng chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân mạnh ngang ngửa USS Carl Vinson

Thế giớiThứ Sáu, 09/03/2018 07:15:00 +07:00

Tàu sân bay Ulyanovsk là sản phẩm của đề án chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân của Liên Xô, nhằm nâng tầm Hải quân Liên Xô thành lực lượng hải quân quốc tế đủ khả năng để tác chiến xa bờ.

Tiền đề của Đề án 1143.7, đề án chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk là Đề án 1153 Orel (Đại bàng) được khởi động từ năm 1975, đây là đề án nhằm trang bị cho Hải quân Liên Xô tàu sân bay đầu tiên có khả năng hoạt động ở vùng biển xa bờ.

Dù bị ngừng vào tháng 10/1978 nhưng Đề án 1153 Orel tạo tiền đề phát triển cho đề án chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk vào những năm 1980.

Năm 1986, tàu sân bay Ulyanovsk chính thức được bắt đầu khởi đóng, ban đầu tàu sân bay này có tên gọi Kremlin, nhưng sau đó được đổi tên thành Ulyanovsk – tên thành phố quê hương của Vladimir Lenin.

Thành phố này có tên cũ là Simbirsk, đến năm 1924 được đổi thành Ulyanovsk, lấy theo họ Ulyanov của Lenin. Đến tháng 11/1988, tàu sân bay Ulyanovsk được đặt lườn ở nhà máy đóng tàu Nikolayev 444 tại Ukraine.

3.1

Đồ họa tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk. (Ảnh: DB)

Tàu sân bay Ulyanovsk có kích thước nhỏ hơn so với tàu sân bay lớp Nitmitz của Mỹ, nhưng lớn hơn so với tàu sân bay lớp Forrestal của nước này – các tàu sân bay lớp Forrestal là siêu tàu sân bay đầu tiên do Mỹ chế tạo. Tương tự như tàu sân bay lớp Nitmitz, tàu sân bay Ulyanovsk của Liên Xô được trang bị lò phản ứng hạt nhân và có tầm hoạt động không giới hạn về mặt lý thuyết.

Chiều dài của tàu sân bay Ulyanovsk là 321 m, sườn ngang khoảng 89 m và trọng tải choán nước khoảng 75.000 tấn. Để so sánh, tàu sân bay lớp Nitmitz, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam từ ngày 5/3 đến ngày 9/3, có chiều dài 332 m, sườn ngang 76,8 m và trọng tải choán nước khoảng 104.000 tấn.

Tàu sân bay Ulyanovsk cũng chịu ảnh hưởng của học thuyết quân sự Liên Xô lúc bấy giờ, tàu sân bay này được vũ trang rất mạnh và được đánh giá là có khả năng tác chiến độc lập cao hơn tàu sân bay thuộc Nitmitz của Mỹ.

11437_02

Tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk được chế tạo. (Ảnh: BK)

Giống tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa có điều khiển Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk mang theo 12 tên lửa chống hạm P-700 Granit, với trọng lượng 7 tấn và đầu đạn nặng 750 kg. Loại tên lửa này được đánh giá là hoàn toàn đủ khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay lớp Nitmitz của Mỹ và cũng đủ sức đánh chìm các chiến hạm kích thước nhỏ hơn.

Người ta dự kiến lắp đặt trên tàu sân bay Ulyanovsk 8 tổ hợp phòng thủ tầm gần Kortik (tên xuất khẩu là Kashtan), đây là tổ hợp phòng thủ tầm gần bao gồm 2 pháo 30 mm 6 nòng AO-18K với tốc độ bắn tối đa lên đến 6.000 viên/phút và tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal (tổng số tên lửa này là 192).

Ngoài ra theo thiết kế, tàu sân bay Ulyanovsk còn được trang bị 8 tổ hợp phòng thủ tầm gần AK-630 và 2 tổ hợp phản lực chống ngầm Udav-1 với tổng cộng 120 đạn phóng. Thiết kế của tàu sân bay Ulyanovsk khá đặc biệt: Tàu sân bay này được trang bị boong phóng kiểu nhảy cầu với mũi hướng lên trên tương tự tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov, nhưng lại có 2 hệ thống phóng hơi nước Mayak do Liên Xô chế tạo.

Video: Chiến cơ cất cánh và hạ cánh trên tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov

Phi đội chiến cơ theo dự kiến của tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk bao gồm 44 tiêm kích gồm Sukhoi Su-33 (Su-27K) và Mikoyan MiG-29K, 6 máy bay cảnh báo sớm Yakovlev Yak-44, 16 trực thăng săn ngầm Kamov Ka-27 và 2 trực thăng cứu hộ biển Kamov Ka-27PS.

Tháng 1/1991, tàu sân bay Ulyanovsk mới được hoàn thành khoảng 20%, tuy nhiên những biến động rất lớn tại Liên Xô lúc bấy giờ gây ra ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới dự án đầy tham vọng này của Liên Xô. Dự án bị ngừng lại do thiếu kinh phí, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine không đủ năng lực để hoàn thành dự án này, tháng 2/1992 tiến trình phá dỡ được bắt đầu và kết thúc vào tháng 10/1992.

Chính người Mỹ phải thừa nhận rằng một khi được hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động, tàu sân bay Ulyanovsk của Liên Xô chắc chắn sẽ trở thành chiến hạm rất mạnh của Hải quân Liên Xô và đủ khả năng trở thành địch thủ tương xứng của tàu sân bay lớp Nitmitz.

av-ulyanovsk4 3

 Phần mũi tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk. (Ảnh: BK)

James Holmes, giáo sư bộ môn chiến lược học của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định rằng Liên Xô chế tạo tàu sân bay Ulyanovsk không phải để triển khai lực lượng tác chiến khắp thế giới như Mỹ, mà nhằm mục đích phòng vệ là chủ yếu để tạo điều kiện cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân tấn công của Liên Xô có thể âm thầm di chuyển tới vị trí triển khai tác chiến.

Dù rằng siêu tàu sân bay hạt nhân Ulyanovsk vĩnh viễn không bao giờ trở thành hiện thực và những người Nga coi đó là niềm tự hào bị đánh cắp bởi những biến động lịch sử, nhưng bản thân đề án chế tạo tàu sân bay này lại để lại di sản quý báu của riêng mình.

Trong những năm gần đây, truyền thông Nga nhiều lần đề cập đến dự án chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân đúng nghĩa của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Đề án chế tạo tàu sân bay Ulyanovsk cùng tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov đóng góp rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc phát triển siêu tàu sân bay hạt nhân mới này.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn