Liên tiếp xuất hiện lừa đảo qua điện thoại ở Đà Nẵng

Pháp luậtThứ Bảy, 15/11/2014 07:50:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù cơ quan công an Đà Nẵng đã lật tẩy, phá nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại, nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tiếp tục nổi lên.

(VTC News) - Mặc dù cơ quan công an Đà Nẵng đã lật tẩy, phá nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại, nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tiếp tục nổi lên.

Một trong số những nạn nhân của trò lừa đảo này là chị Võ Thị Như Nguyệt (SN 1984, trú phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng). Chỉ với những cuộc gọi giả danh cơ quan công an, an ninh điều tra khiến nạn nhân mắc bẫy.

Đà Nẵng, lừa đảo, quan điện thoại, công an, nạn nhân, hù dọa
Chị Võ Thị Như Nguyệt, nạn nhân của tình trạng lừa đảo qua điện thoại 

Chị Nguyệt kể lại: “Vào ngày 5/11, cá nhân tôi có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bàn với thông tin thuê bao của nhà đang nợ tổng đài VNPT số tiền 8,93 triệu đồng. Theo hướng dẫn, nếu muốn nghe lại và kiểm tra thông tin thì bấm phím 0.

Tin lời, tôi bấm tiếp thì nghe lại thông tin thuê bao của tôi đang nợ VNPT với số tiền như trên. Trong điện thoại, một giọng nữ hướng dẫn tôi là nếu có thắc mắc thì gọi điện cho tổng đài 081080. Sau đó, nhân viên này tự kết nối để tôi gặp nhân viên tổng đài tìm hiểu rõ thông tin. Nhân viên tổng đài cho biết vụ việc của tôi đang chuyển cơ quan công an TP.HCM”.

“Chưa hết ngỡ ngàng vì "cục nợ" trên trời rơi xuống thì tôi lại nhận được điện thoại từ một giọng nam tự xưng là cán bộ công an. Người này nói đang vào cuộc để tìm giúp và yêu cầu tôi phải thành thật khai báo số tài khoản, số tiền mặt đang giữ".

Đà Nẵng, lừa đảo, quan điện thoại, công an, nạn nhân, hù dọa
Phiếu chuyển tiền của chị Nguyệt đến tài khoản của các đối tượng lừa đảo 

Để uy hiếp tinh thần tôi, người tự xưng cán bộ công an nói nếu tiết lộ cho người khác biết thì chính tôi và người thân trong gia đình sẽ gặp nguy hiểm, tài khoản sẽ bị đóng băng”, chị Nguyệt nói.

Tiếp đó, ngày 6/11, chị Nguyệt được "nam công an"  giới thiệu cho một người tên Phong, tự xưng Trung tá công an, chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng và đang điều tra đường dây làm giả chứng minh nhân dân trong đó chị Nguyệt là nạn nhân.

Trong thời gian qua, PC 46 đã tiếp nhận gần 10 trường hợp bị lừa đảo thuộc hình thức “công nghệ cao” như: Lập trang web mua bán trực tuyến rồi dụ dỗ người nhẹ dạ vào nộp tiền mua sản phẩm, sau không đưa sản phẩm cho người mua mà bỏ trốn, đóng cửa trang web; Lợi dụng thông tin bán hàng trúng thưởng; các đối tượng tung tin trúng thưởng và yêu cầu nạn nhân nộp phí nhưng sau khi nạn nhân nộp phí, các đối tượng xóa trang. Hình thức giả danh nhân viên VNPT, công an… gọi điện đến nạn nhân để hù dọa.
Sau khi biết chị Nguyệt đã hoàn toàn “dính đòn”, người này yêu cầu chị Nguyệt nộp tiền 50 triệu đồng vào số tài khoản 19028552599015 của ông Mai Văn Cường tại ngân hàng Techcombank Cầu Giấy (Hà Nội). Hoang mang, chị Nguyệt đã làm theo hướng dẫn và nộp số tiền 20 triệu đồng vào số tài khoản trên.

Đến chiều cùng ngày, các đối tượng trên tiếp tục yêu cầu chị Nguyệt nộp tiếp số tiền 30 triệu đồng để thuận tiện trong việc điều tra và hy vọng mình sẽ được minh oan.

“Trong quá trình liên lạc với tôi, các đối tượng dùng số điện thoại +838387344, họ liên tục gọi và yêu cầu máy di động của tôi phải luôn để trong chế độ kết nối với số máy này để bảo vệ cho tôi khỏi sự nguy hiểm.

Tuy nhiên, sau khi tôi chuyển tiền vào số tài khoản trên thì mọi liên lạc bị chấm dứt. Trước sự việc, tôi đã làm đơn trình báo đến cơ quan công an để điều tra vụ việc. Trong suốt thời gian đó, tôi rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng người thân, nên khi nói có cơ quan công an vào cuộc giúp là tôi đã tin tưởng mà không hề nghi ngờ", chị Nguyệt cho biết.


Liên quan đến sự việc, Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46), Công an Đà Nẵng cho biết: “Hiện phòng PC 46 tiếp tục điều tra làm rõ các vụ việc. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng nên người dân hết sức cảnh giác, nếu không sẽ bị mất tiền oan.

Về quy chế làm việc của cơ quan Công an là không làm việc qua điện thoại. Nếu cơ quan công an muốn làm việc với người dân thì cơ quan công an phải có giấy mời gửi đến người dân để mời đến làm việc.

Đà Nẵng, lừa đảo, quan điện thoại, công an, nạn nhân, hù dọa
Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46), Công an Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần cảnh giác 

Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản của người dân đều phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hoàn toàn không có chuyện bắt người dân gởi vào tài khoản ngân hàng của một cá nhân nào nên người dân cần tỉnh táo với những lời hù dọa tương tự trên”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn khuyến cáo.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn