Liên hợp quốc kêu gọi thiết lập Hiệp ước INF mới sau vụ thử tên lửa của Mỹ

Thế giớiThứ Sáu, 13/12/2019 12:28:00 +07:00

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các quốc gia nên tránh gây mất ổn định tình hình.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định cần thiết phải ký kết thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới càng sớm càng tốt. Tuyên bố trên được ông Guterres đưa ra trong bối cảnh Washington vừa tiến hành thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo bị cấm theo Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF).

Hiệp ước này hết hạn vào ngày 2/8 vừa qua, và cả Nga và Mỹ đều từ chối gia hạn.

Liên quan đến việc kết thúc Hiệp ước INF, Tổng thư ký nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các quốc gia nên tránh gây mất ổn định tình hình và khẩn trương tìm kiếm một thỏa thuận cho con đường chung mới để kiểm soát vũ khí quốc tế” - phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Farhan Haq cho biết.

11

 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. (Ảnh: TASS)

Ngày 12/12, Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất. Trong quá trình thử nghiệm, tên lửa bay hơn 500 km. Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper đăng tải đoạn video phóng tên lửa trên Twitter.

Đây không phải lần đầu tiên Washington phóng loại tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF sau khi rút khỏi hiệp ước này. Hồi tháng 8, Mỹ phóng tên lửa Tomahawk có tầm bắn cũng vượt quá 500 km.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó chỉ thị đáp trả đối xứng với các hành động của Mỹ. Trong cùng tháng đó, 2 tàu ngầm của Nga tiến hành bắn tên lửa đạn đạo ở các khu vực Arkhangelsk và Kamchatka.

Video: Mỹ phóng tử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày 12/12.

Theo hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết vào năm 1987, các nước thành viên bị cấm phát triển các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km.

Đáng lưu ý, vụ phóng tên lửa đạn đạo từ căn cứ không quân của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Washington và thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo về khả năng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START).

Về phần mình, Tổng thống Trump từng nhiều lần nhắc tới một thỏa thuận hạt nhân mới có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác. Tuy nhiên, cho tới nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra một đề xuất cụ thể nào để các bên tiến tới đàm phán.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn