Lịch trình "khủng khiếp" của Chủ tịch tỉnh vùng rốn lũ

Thời sựThứ Tư, 20/10/2010 01:23:00 +07:00

(VTC News) - Từ 7h sáng đến 8h tối hết ngồi xe, đi xuồng, lội bộ rồi lên trực thăng, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh dường như là người… đi nhiều nhất.

(VTC News) - Từ 7h sáng đến 8h tối hết ngồi xe, đi xuồng, lội bộ rồi lên trực thăng, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự dường như là người… đi nhiều nhất tại địa phương đang ngập chìm trong lũ này.

Chủ tịch (người đang bước xuống thuyền) tất bật với công việc cứu trợ

7h sáng tôi tất tả lội nước lũ lên cơ quan để kịp đi thị sát vùng lũ với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự. Tất tả bởi tôi biết ông là người rất ít khi sai hẹn. Xe chạy phăng phăng qua các vùng bị ngập với một sự quyết liệt và cả sự liều lĩnh đến lạ.

Tuyến quốc lộ 1A từ Cẩm Xuyên ra Hồng Lĩnh vắng tanh vì trước đó chính ông Cự đã đề nghị cho ngừng các hoạt động giao thông để đảm bảo an toàn. Thế nhưng đấy là để an toàn cho mọi người, còn với ông, việc đến với người dân vùng lũ đang là ưu tiên cấp thiết hơn cả.

Xe của Chủ tịch chạy phăng phăng trên các tuyến đường bị ngập

Cứ vài ba phút chuông điện thoại của ông lại đổ một lần. Bạn bè gọi chia sẻ, cấp trên gọi chỉ đạo, rồi thì báo chí xin phỏng vấn, hỏi thăm số liệu… Ông chẳng nề hà với bất cứ một cuộc gọi nào.

8h sáng chúng tôi lên ca nô hướng về vùng hạ Can Lộc, nơi mà các hộ dân đang ngập sâu tới hơn 2 mét. Đã 4 ngày liên tiếp người dân Can Lộc bị lũ bao vây. Cũng đã 4 ngày liên tiếp ông Cự tất tả xuôi ngược Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, những địa bàn tâm lũ. Giờ ông mới đến được với người dân Can Lộc, địa phương vùng hạ du bị ngập sâu nhất. Ông nói rằng đây là một thiếu sót và do vậy việc đến với người dân hạ Can là không thể trì hoãn.

Tại xã Tùng Lộc, địa phương có hơn 1.900 hộ dân bị ngập, Chủ tịch Võ Kim Cự cứ áy náy vì dân ngập sâu quá mà hàng cứu trợ thì đến không kịp.

Chỉ tay vào những người dân đang chấp chới bươn bả trong nước để đón mì tôm nước uống, ông nói với cánh phóng viên: người ta có đói, có khát mới bơi ra giữa dòng nước để tiếp nhận cứu trợ. Tiếc là vì vướng bờ rào dây điện, ca nô không thể vào được tận nhà dân. Nỗ lực của các cấp chính quyền, trong đó có cá nhân ông chỉ là sự chia sẻ phần nào bởi trên thực tế nhu cầu cứu trợ đang quá lớn.

Hay tin anh Nguyễn Duy Vượng ở xóm Tân Hương xã Tùng Lộc, người đã bất chấp nguy hiểm chèo thuyền trong mưa lũ để sơ tán 300 người dân, Chủ tịch Võ Kim Cự nhất quyết yêu cầu chính quyền địa phương được gặp. Ông nói rằng: đây mới là những điển hình thực sự. Trong khi lũ đang lên, mưa đang xối xả thì chỉ có người dân, những người chung lưng đấu cật mới có thể dựa vào nhau.

Rong ruổi bằng thuyền để đến với người dân vùng lũ

Anh Nguyễn Duy Vượng là chủ của một trang trại và trong khi mải miết cứu người thì chính trại cá của anh đã không có ai cứu. Mất tiền trăm tiền triệu nhưng người đàn ông này vẫn thấy thảnh thơi vì anh đã cứu được tới 300 người. Trước khi chào tạm biệt người đàn ông dũng cảm cứu người, Chủ tịch Cự sực nhớ là phải tặng anh này một chiếc áo phao. Ông cười: Tặng anh áo phao là để anh sử dụng vào việc bảo vệ tính mạng mình cho những hành động nghĩa cử sau này.

Đoàn cứu trợ trở về điểm xuất phát lúc 11h. Ông nhảy vội lên xe với một loạt công việc đang cần triển khai mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Văn phòng Chính phủ vừa điện về yêu cầu sắp xếp để ngày tiếp theo đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thăm đồng bào Hà Tĩnh.

Cùng với Tư lệnh QK4 vừa ăn lương khô vừa bàn công việc trên trực thăng

Chạy vội ra Thị xã Hồng Lĩnh để lên trực thăng thị sát tình hình, Chủ tịch Võ Kim Cự bắt đầu chuyến đi lúc 11h30 cùng Trung tướng Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Hữu Cường, vừa làm việc, vừa chống đói ngay trên trực thăng với những bánh lương khô.

Ông và Trung tướng Nguyễn Hữu Cường cân nhắc kỹ lưỡng các phương án đưa đón Thủ tướng đi thị sát sao cho vừa đảm bảo an toàn vừa đến được những địa bàn trọng yếu nhất. Sau 1 giờ bay, Chủ tịch Cự cùng đoàn đã lướt qua tất cả các huyện thị thành phố đang ngập chìm trong nước.

Từ trực thăng trầm ngâm nhìn xuống
...phía dưới là nhà cửa ruộng đồng đang chìm trong biển nước

Sau 30 phút ăn cơm tại Thị xã Hồng Lĩnh, Chủ tịch Võ Kim Cự và đoàn cứu trợ lại ngược đường 8 lên thăm các huyện Hương Sơn, Vũ Quang. Ông nói rằng đây là 2 địa bàn mà gần như ngày nào ông cũng có mặt. Vùng đất đồi núi lắm thác ghềnh này ẩn chứa quá nhiều hiểm họa dưới dòng nước lũ và do vậy rất cần đến sự chỉ đạo quyết liệt.

Chỉ đạo công việc ngay khi vừa xuống trực thăng

Sự góp mặt của ông vừa  đôn đốc việc chuyển hàng cứu trợ, giúp dân sơ tán nhưng mặt khác cũng chính là sự nhắc nhở về tinh thần cảnh giác. Còn nhớ trước đó tại huyện Cẩm Xuyên, nếu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình không kịp thời về chỉ đạo thì chắc chắn công việc cứu trợ còn bị đình đốn. Trên thực tế những chiếc xuồng tăng viện đã bị địa phương xếp xó do… không có nhiên liệu. Đối với ông trong giờ phút cam go này, không có bất cứ điều gì được trì hoãn.

Phải tới 6h chiều ông mới lên xe trở về TP Hà Tĩnh sau khi lên ca nô đi thăm hỏi kiểm tra tình hình tại 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang. Ông nói rằng đời ông đã trải qua nhiều thử thách. Thời còn làm Phó chủ tịch đó là việc chỉ huy di dời gần 3.000 hộ dân Kỳ Anh để nhường mặt bằng cho siêu dự án sắt thép Formosa. Còn bây giờ mới lên Chủ tịch được 3 tháng đã gặp ngay cơn đại hồng thủy mà chưa một đời chủ tịch nào phải đương đầu vì theo nhận định đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng mấy trăm năm qua ở Hà Tĩnh.

Chụp ảnh thân tình với phóng viên VTC News

Chia tay ông lúc 8h tối tại TP Hà Tĩnh trong bì bõm nước lụt, ông nói với theo: "Mai mình đi kiểm tra lúc 6h nếu Long đi cùng thì lên sớm nhé".

Trần Long

Bình luận
vtcnews.vn