Libya được gì khi mất Gaddafi?

Thế giớiThứ Bảy, 22/10/2011 06:09:00 +07:00

(VTC News) - Cái chết của Gaddafi là hệ quả trực tiếp của sự chênh lệch quá lớn trong tương quan lực lượng 2 bên, cùng với sự phát triển của tình hình chiến sự.

(VTC News) – Ngày 20/10, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) Mahmud Jibril tuyên bố Gaddafi đã chết. Sự kiện này đánh dấu vận mệnh chính trị của Gaddafi và gia tộc chấm dứt, cũng đánh dấu tình hình Libya bước vào một giai đoạn mới.

Theo giới phân tích, cái chết của Gaddafi có ảnh hưởng mang tính thực chất đến sự phát triển của Libya trong tương lai và quan hệ giữa cộng đồng quốc tế với Libya. Tuy nhiên, đối với Chính phủ lâm thời Libya và cộng đồng quốc tế, cái chết này không đồng nghĩa với tương lai Libya sẽ là một màu hồng. Ngược lại, rất nhiều thách thức đã bày ra trước mắt các bên có liên quan, đặc biệt là Chính phủ lâm thời Libya.

Tại sao Gaddafi chết?

Cái chết của Gaddafi là kết quả trực tiếp của sự chênh lệch quá lớn trong tương quan lực lượng 2 bên, cùng với sự phát triển của tình hình chiến sự. Trong hoàn cảnh đại bộ phận lãnh thổ Libya đã bị quân đội NTC chiếm đóng, lực lượng ủng hộ Gaddafi sớm đã bị đồn đến chân tường, không có lối thoát. Thêm vào đó, gần đây NATO tiếp tục tăng cường đánh bom vào số ít địa điểm do lực lượng ủng hộ Gaddafi kiểm soát. Họ bị đánh bại là chuyện đã được dự tính.

Ngoài ra, dưới sức ép to lớn của NTC và các quốc gia phương Tây, một số nước láng giềng của Libya, đặc biệt là Algeria đều tuyên bố không chấp nhận Gaddafi lưu vong đến các nước này - tức là đã cắt đường rút của Gaddafi. Gaddafi chỉ có thể lẩn trốn khắp nơi hoặc liều chết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 20/10, quê hương Sirte bị quân đội NTC công chiếm. Sau khi cứ điểm cuối cùng thất thủ, Gaddafi đã không còn nơi nào để lẩn trốn, không còn sức mạnh để chiến đấu.


 Thi thể của Gaddafi bị đem ra giày vò

Người ta có thể chất vấn tại sao Gaddafi không đầu hàng?

Thứ nhất, đầu hàng không phù hợp với tính cách con người Gaddafi. Trên thực tế, Gaddafi rất kiêu ngạo. Ngay từ khi chiến sự mới bắt đầu, ông đã tuyên bố chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; thậm chí gần đây vẫn chìm trong giấc mộng chuyển bại thành thắng.

Tuy nhiên, chiến tranh không tin vào lời nói, sức mạnh mới là nhân tố quyết định.


Thứ hai, đầu hàng cũng chưa chắc có kết cục tốt đẹp. Với cáo buộc chịu trách nhiệm về số người chết trong chiến tranh, nếu Gaddafi đầu hàng, NTC hoặc xét xử ông tại Libya hoặc đưa Gaddafi đến Tòa án quốc tế. Bất luận bị xét xử tại đâu thì Gaddafi đều dữ nhiều lành ít.

Cái chết của Gaddafi có ảnh hưởng như thế nào?

Nhìn từ góc độ quân sự, cái chết của Gaddafi đánh dấu chấm hết cho chiến sự kéo dài tại Libya. Tuy sau này, số ít người trung thành với Gaddafi còn sót lại có thể gây nên những sự kiện bạo lực nhỏ lẻ, nhưng xét một cách toàn diện thì chiến tranh đã kết thúc.

Sự kiện này đánh dấu NTC đã giành quyền kiểm soát toàn bộ Libya về quân sự, cũng có lợi cho NTC đẩy mạnh cải thiện tình hình an ninh trong nước.

Ngược lại, nếu Gaddafi vẫn còn thì vai trò và ảnh hưởng của Gaddafi với tư cách là lãnh đạo Libya sẽ không bị xóa bỏ, người ủng hộ Gaddafi sẽ tiếp tục đối đầu dưới lời kêu gọi của lãnh tụ tinh thần này.


Quân đội NTC mừng chiến thắng 

Nhìn từ góc độ chính trị, cái chết của Gaddafi là lời tuyên cáo chính thức thời đại Gaddafi tại Libya hoàn toàn chấm dứt; đồng nghĩa với nhân tố ảnh hưởng và trở ngại một số quốc gia công nhận NTC đã được xóa bỏ. Hiện nay đã có vài chục quốc gia công nhận tính hợp pháp của NTC. Cái chết của Gaddafi sẽ giúp NTC có được càng nhiều sự ủng hộ.

Ngoài ra, trên lý thuyết, cái chết của Gaddafi cũng giúp NTC có thể dốc toàn lực vào việc xây dựng chính trị, kinh tế và xã hội.

Tất cả đã kết thúc?

Đối với NTC, cái chết của Gaddafi tuy đã xóa bỏ một trở ngại lớn, nhưng không có nghĩa là con đường của họ từ đây hoàn toàn bằng phẳng. Đối với Libya, cái chết này cũng không báo hiệu từ đây tương lai của quốc gia này sẽ là một màu hồng.

Thứ nhất, xã hội Libya trở nên hỗn loạn sau chiến sự, an ninh cơ bản chưa được hoàn toàn kiểm soát. Tuy Gaddafi đã chết, nhưng những người ủng hộ ông vẫn rải rác trong nhân dân, trở thành tai họa rình rập đối với an ninh. Một số phần tử khủng bố và phần tử cực đoan cũng đang âm mưu gây loạn.

Ngoài ra, mâu thuẫn giữa các phe phái, bộ lạc cũng có thể dẫn đến xung đột, khiến xã hội bất ổn. Do đó, làm thế nào để nhanh chóng khôi phục an ninh quốc gia là thách thức nghiêm trọng nhất NTC phải đối mặt.

Nội bộ NTC rất khó đoàn kết 

Thứ hai, làm thế nào để nhanh chóng đóng vai trò cầm quyền cũng là khảo nghiệm lớn mà NTC phải đối mặt. Do địa vị chưa vững, kinh nghiệm chưa đủ, NTC khi nắm quyền không thể tránh khỏi rơi vào thế khó khăn. Xây dựng chính đảng, thành lập chính phủ, công bố Hiến pháp, tổ chức bầu cử..., hoàn thành chừng ấy nhiệm vụ để hoàn tất chuyển giao chính trị rõ ràng không phải điều đơn giản.

Thứ ba, nội bộ thành phần NTC vốn đã phức tạp, nguy cơ "loạn 12 sứ quân" vẫn luôn tiềm tàng. Riêng trong vấn đề xây dựng chính phủ mới, nội bộ NTC đã có rất nhiều mâu thuẫn.

Giải quyết những mâu thuẫn tồn tại trong nội bộ chính quyền mới có ý nghĩa quyết định công cuộc tái thiết quốc gia này có thể tiến hành ổn định hay không. Nếu chính phủ mới không xử lí đúng đắn vấn đề phân chia quyền lực và lợi ích có thể dẫn đến mâu thuẫn leo thang. Ngoài ra, hiện nay Libya có ít nhất 150 bộ lạc, họ sẽ đưa ra những đòi hỏi chính trị riêng của mình trong quá trính tái thiết quốc gia.


Cuối cùng, làm thế nào sắp xếp thỏa đáng cho quan chức chính phủ cũ cũng là vấn đề NTC phải thận trọng xử lí. Nếu kiên quyết loại bỏ họ, những người này không còn lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh, biến Libya thành một "Iraq phiên bản 2" với bất ổn và bạo lực kéo dài suốt hàng chục năm trời.

Sáng Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn