Leo tường, đội mưa thi công chức: Thử vận may?

Thời sựThứ Năm, 14/08/2014 11:50:00 +07:00

Vẫn biết thi công chức có thể có tiêu cực, chạy chọt từ trước, nhưng ai cũng muốn thử vận may vào cơ quan nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho rằng, vẫn biết thi công chức có thể có tiêu cực, chạy chọt từ trước, nhưng ai cũng muốn thử vận may vào cơ quan nhà nước.

Từ ngày 11 – 15/8, Tổng Cục thuế nhận hồ sơ thi tuyển công chức. Giữa trời nắng nóng, địa điểm tiếp nhận hồ sơ dự tuyển tại Cục thuế Hà Nội ngày 12/8 quá tải với hàng nghìn thí sinh chen lấn, thậm chí trèo cả lên tường... Sang ngày 13/8, mặc dù trời Hà Nội mưa to, hàng trăm người vẫn đến xếp hàng từ sáng sớm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Quốc Thuận, người từng 14 năm làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội (từ năm 1994 – 2008), đã có cuộc trao đổi với phóng viên về câu chuyện thi công chức hiện nay.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội. 

- Thưa ông, dường như những tiêu cực trong chuyện thi cử không làm cho “sức nóng” của thi công chức giảm sút?

Tôi thấy bây giờ người ta nói tuyển người trước nhất là hậu duệ, tiếp đến tiền tệ, quan hệ, đến thứ tư mới là trí tuệ. Có lần, tại cuộc họp HĐND Hà Nội cuối năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội từng dẫn chứng rằng, để chạy vào công chức Thủ đô phải bỏ ra không dưới 100 triệu đồng.

Mới đây, do tiêu cực trong thi cử, Bộ Công thương hủy kết quả thi công chức, kỷ luật Cục Phó Cục Quản lý thị trường (có cháu trúng tuyển), hủy hết các danh hiệu thi đua khen thưởng đạt được năm 2013 đối với Chủ tịch hội đồng thi đối với ông Trương Quang Hoài Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - người vừa được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Lời của một quan chức về kiểm tra nói như vậy không phải chuyện đùa. Trong dân chúng ai cũng biết, ai cũng đồng tình nhưng khi điều tra lại không có gì hết.

Vừa qua lại có chuyện lộ đề trong cuộc thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, và đề lộ cho người thân quen và con cháu cán bộ biết, để rồi họ trúng tuyển.

Trở lại với chuyện chen chúc nhau nộp hồ sơ thi vừa qua, có thể thấy, thí sinh đi thi nghĩa là họ có niềm tin thi đỗ vào cơ quan đó. Mặc dù mới đây có chuyện tiêu cực lộ đề, người dân vẫn biết rằng thi công chức có thể có tiêu cực nhưng vẫn cứ nộp “có mất gì đâu, biết đâu lại đỗ”. Đấy là lối suy nghĩ của người dân Việt mình.

Bên cạnh đó, thí sinh có niềm tin là vào cơ quan nhà nước sẽ: có thu nhập cao, có tương lai, béo bở... nên ai cũng muốn chen vào. Nếu pháp luật nghiêm minh, cơ quan nào cũng như nhau, đều là phục vụ đàng hoàng sẽ không có chuyện thi tuyển công chức thu hút như vậy.

- Theo ông, có giải pháp nào để hạn chế tiêu cực trong việc thi công chức không?


Bình thường, khi tuyển người, cơ quan, doanh nghiệp ở nước ngoài thường chọn người tài để làm việc, còn nhiều cơ quan của ta lại chọn người trung thành, xây dựng một tổ chức đông người trung thành.

Bởi nếu chọn người tài thì sẽ loại con cháu mình ra hết, có khi tuyển người tài vào lại loại cả mình ra.

Các quy trình tuyển người có hết, vấn đề có làm nghiêm túc hay không thôi. Nếu làm đến nơi đến chốn, có sự cạnh tranh, tự nhiên những người tài sẽ xuất hiện. Nhưng hiện nay, nhiều nơi thi cử như làm “động tác giả”.

Thưa ông, hiện nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn công ty lớn trả lương cao, nhưng dường như nơi thu hút lao động nhất vẫn là cơ quan nhà nước, cho dù mức lương ở cơ quan nhà nước “không đủ sống”?

Người ta vào cơ quan nhà nước có nhiều động cơ khác nhau. Cơ bản nhất là đảm bảo sự ổn định công việc, thu nhập. Vào cơ quan nhà nước có thể thực thi quyền lực trên nhiều mặt, có quan hệ, thu nhập. Có nhiều người từ bình thường vào nhà nước mà giàu lên. Đôi khi đó là sức hấp dẫn.

Nói như thế không phải ai làm nhà nước cũng giàu đâu nhưng nhiều người giàu không giải thích được. Ở nước ta không có luật buộc họ giải thích.

Nhiều lần người ta nói vào cơ quan nhà nước lương thấp nhất nhưng tôi thấy hiếm có ai làm nhà nước mà xin nghỉ. Vì ngoài lương, người ta còn có thu nhập khác, thu nhập vô hình. Thu nhập đó ai cũng biết nhưng khó nói ra được, nói ra không khéo thành nói xấu, chứng cứ đâu.

- Trong khi đó, các doanh nghiệp bấp bênh, có thể bị giải thể, có thể cho nghỉ việc bất cứ lúc nào... đó là suy nghĩ thông thường.

- Những thu nhập khác, thu nhập vô hình của người công chức từ đâu mà có, thưa ông?


Bây giờ tôi thấy nhà nước có chế độ đăng ký làm việc trên mạng. Điều này rất hay, cán bộ và người dân không phải gặp trực tiếp, bởi gặp trực tiếp cùng với thủ tục lờ mờ sẽ sinh nhũng nhiễu.

“Nhũng” là gây khó khăn, phiền nhiễu, nhiều thủ tục phiền hà, không công khai các thủ tục đó hòng kiếm lợi. Nếu mọi thủ tục hành chính công khai minh bạch, làm theo trách nhiệm hết thì khó kiếm chác lắm.

Mấu chốt là ở pháp luật khập khiễng. Cán bộ được giao quyền nhưng không có luật kiểm soát quyền đó. Ngay cả đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chỉ có quyền chất vấn – tức là hỏi – trả lời các thành viên Chính phủ, UBND. Khi có quyền sẽ sinh ra kéo bè kéo cánh, đưa con cháu vào, bọc lót dự án cho người nhà...

- Tại cơ quan công quyền ở các nước tiên tiến, họ có tuyển công chức giống của mình không? Và ở những nước đó có xảy ra tình trạng người không giỏi nhưng lại được ngồi vào cơ quan nhà nước không?


Một thời gian tôi ở bên Úc mấy tháng, tôi cũng có quan tâm đến việc tuyển người của họ.

Họ không tuyển người theo hợp đồng suốt đời mà chỉ có hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng đầu tiên là hợp đồng 3 tháng, hợp đồng 6 tháng rồi hợp đồng 18 tháng. Hợp đồng dài nhất là 3 năm chứ không có biên chế suốt đời.

Khi vào cơ quan làm việc, nhân viên luôn dồn sức phấn đấu liên tục, nếu làm tốt mới kéo hợp đồng dài ra. Làm không tốt sẽ bị thải loại. Nếu lãnh đạo đưa người nhà vào, làm việc không tốt cũng sẽ bị cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được cũng bị thải loại ngay.

Còn ở nước ta, có biên chế nên tạo cho công chức sự yên tâm, không phải lo mất việc, giảm sự phấn đấu, sáng tạo.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Khampha.vn
Bình luận
vtcnews.vn