Leflair 'doạ' phá sản, gần 500 nhà cung cấp lo mất trắng 60 tỷ đồng

Thị trườngThứ Bảy, 14/03/2020 18:31:00 +07:00
(VTC News) -

Việc đại diện Leflair "úp mở" thông tin nộp đơn xin phá sản khiến gần 500 nhà cung cấp "đứng ngồi không yên" vì sợ mất trắng hơn 60 tỷ đồng tiền công nợ.

Liên quan đến "lùm xùm" của Công ty Cổ phần Leflair sau đóng cửa, hiện gần 500 nhà cung cấp đang "đứng ngồi không yên" vì sợ mất trắng hơn 60 tỷ đồng tiền công nợ.

Cụ thể, theo đại diện của gần 500 nhà cung cấp, số công nợ mà Leflair đang giữ của họ lên tới 60 tỷ đồng. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 30 nhà cung cấp chưa được đơn vị này xác nhận công nợ.

"Thật ra, lấy được giấy xác nhận công nợ cũng chỉ để có bằng chứng, chứ ấy lại tiền từ Leflair giờ rất khó. Sau khi đóng cửa, Leflair hứa giải quyết trước 8/3. Thế nhưng đến 10/3, phía công ty lại tiếp tục hứa hẹn. Đến giờ thì chúng tôi liên hệ nhưng không ai nghe máy, gửi mail không có phản hồi, trụ sở công ty thì đóng cửa", đại diện nhóm nhà cung cấp của Leflair nói.

Cũng theo vị này, hiện trong số công nợ Leflair đang thiếu của các nhà cung cấp, trường hợp thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất lên tới 1 tỷ đồng.

Leflair 'doạ' phá sản, gần 500 nhà cung cấp lo mất trắng 60 tỷ đồng - 1

Việc đại diện Leflair "úp mở" thông tin nộp đơn xin phá sản khiến gần 500 nhà cung cấp "đứng ngồi không yên" vì sợ mất trắng hơn 60 tỷ đồng tiền công nợ.

Trước tình hình này, các nhà cung cấp thống nhất phương án làm đơn tố cáo Leflair ra tòa. Song giữa thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm, việc khởi kiện cũng trở nên khó khăn.

"Nhiều nhà cung cấp với số công nợ khoảng 20 - 30 triệu đồng đang rất mệt mỏi, sau thời gian tìm công bằng nhưng không đi tới đâu, họ muốn bỏ cuộc. Nhưng thử tính, mỗi người 30 triệu đồng, 100 người đã 3 tỷ rồi, không thể dễ dàng để mất trắng như vậy được.

Tuy nhiên, thực tế mà nói, việc khởi kiện giờ cũng rất khó khăn, vì bên Leflair không cho chúng tôi bất kỳ một đầu mối nào để liên hệ yêu cầu cung cấp giấy tờ, sổ sách. Họ chỉ luôn nói là không còn tiền và không có gì để giải thích thêm", đại diện nhóm nhà cung cấp của Leflair bức xúc.

Một thực tế được vị đại diện này tiết lộ, hiện Leflair đang "doạ" phá sản, song nhiều nhà cung cấp cho đơn vị này thì "đã thật sự phá sản".

"Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, trước Tết vay mượn gia đình khoảng 200 triệu đồng, đổ hết vào Leflair. Thế nhưng, bây giờ dính phải vụ việc này, xem như họ mất trắng. Do đó, họ là những người muốn tìm lại công bằng, muốn đưa sai trái ra pháp luật, dù mất tiền vẫn phải làm đến cùng", vị này nói.

Leflair 'doạ' phá sản, gần 500 nhà cung cấp lo mất trắng 60 tỷ đồng - 2

Văn phòng Công ty Cổ phần Leflair (tầng 16, tháp A2, tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) đã đóng cửa.

Ngày 10/3, gần 100 nhà cung cấp có mặt tại văn phòng của Công ty Cổ phần Leflair (tầng 16, tháp A2, tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) để làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này về vấn đề công nợ.

Tại đây, ông Loic Erwan Kevin Gautier - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Leflair thừa nhận, tới thời điểm hiện tại không còn nhà đầu tư nào hứng thú với Leflair, khi nhà đầu tư cũ đã thua lỗ 12 triệu USD.

Đồng thời, ông Loic cũng xác nhận đã ngừng tất cả hoạt động kinh doanh ở các thị trường khác.

"Chúng tôi sẽ thanh lý toàn bộ tài sản để trả lại tiền cho các nhà cung cấp, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Sau đó, có thể chúng tôi sẽ đi tới bước nộp đơn xin phá sản", ông Loic nói.

Trước thông tin của đại diện Leflair, hầu hết các nhà cung cấp đều tỏ thái độ bức xúc và cho rẳng cần có sự can thiệp cấp bách của cơ quan chức năng.

"Có phá sản thì công an cũng vẫn vào cuộc được, vì số tiền mặt thu được từ 11/2019 - 1/2020 rất lớn. Để tuyên bố phá sản, Leflair phải có giải trình đầu ra, đầu vào, thể hiện là lỗ và lỗ ở mức nào chứ không phải nói một câu là hết trách nhiệm được. Do đó, dù có không đòi được tiền cũng phải làm rõ ràng mọi vấn đề", một nhà cung cấp của Leflair nói.

Đầu tháng 2/2020, website chuyên bán hàng hiệu Leflair đột ngột thông báo đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đơn vị này giải thích lý do tạm ngừng kinh doanh do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.

"Do đó, áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển của chúng tôi, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận", thông báo của Leflair viết.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn