Lê Văn Luyện đụng độ sát thủ Na uy?

Pháp luậtChủ Nhật, 05/02/2012 01:26:00 +07:00

Thủ phạm vụ giết 93 người tại Na Uy Anders Behring Breivik nếu tòa chứng minh y không hề mắc bệnh tâm thần, có thể lĩnh án cao nhất 21 năm tù.

Thủ phạm vụ giết 93 người tại Na Uy Anders Behring Breivik nếu tòa chứng minh y không hề mắc bệnh tâm thần, có thể lĩnh án cao nhất 21 năm tù tại phiên xét xử tháng 4 tới. Liệu có cuộc gặp giữa hai kẻ gây phẫn nộ châu Âu và châu Á sau 20 năm nữa?

Sát thủ Lê Văn Luyện và thủ phạm giết người hàng loạt tại Na Uy. 
1. Thủ phạm vụ giết người hàng loạt tại Na Uy Anders Behring Breivik chưa bị tuyên án tù do cơ quan luật pháp nước này còn đụng bẫy "gã điên" trong phiên xử trước. Nếu tòa có đủ bằng chứng bác bỏ chuyện tâm thần, Anders Behring Breivik có thể sẽ lĩnh mức án 21 năm tù giam trong phiên xử dự kiến ngày 16-4-2012.

Với vụ thảm sát chấn động châu Âu xảy ra ở đất nước được coi là xứ sở của thanh bình, nhưng theo luật pháp Na Uy, Anders Behring Breivik không thể bị tử hình. Bản án cao nhất mà y chỉ phải chịu chỉ có thể là 21 năm tù. Giết 93 mạng nhưng kẻ sát nhân vẫn không thể đền mạng, điều này đã làm đau đầu các nhà luật học nhưng ngay tại Na Uy đến nay vẫn chưa có sự chỉnh lý nào về mặt luật pháp sau vụ thảm sát lịch sử.

Lê Văn Luyện, kẻ chủ ý giết chết 4 người trong một gia đình, trong đó hậu quả 3 người chết, 1 bị thương (ngoài suy nghĩ chủ quan của Luyện) gây rúng động dư luận, nhưng căn cứ quy định BLHS, bản án 18 năm tù là không thể khác.

Dư luận đòi hỏi xử tử Luyện, cũng như dư luận quốc tế đòi xử tử Anders Behring Breivik, đó là điều hoàn toàn hiểu được về mặt tâm lý, thậm chí đã rộ lên xu hướng cải sửa luật. Tuy nhiên, việc sửa hay không còn là chuyện dài kỳ và không dễ vì một vụ án rất cá biệt lại buộc các nhà lập pháp sửa khung luật có tính ổn định lâu dài.

Nếu không có điều kiện được hưởng đặc xá, giảm án, Luyện sẽ mãn hạn tù năm 2029, khi đó y tròn 36 tuổi. Ba năm sau (2032), Anders Behring Breivik cũng mãn hạn tù (nếu là bản án 21 năm), gã này khi đó 53 tuổi. Một cuộc gặp giữa hai kẻ thảm sát gây rúng động châu lục?

Khi đó, hẳn luật pháp hình sự vẫn không có nhiều thay đổi so thời điểm hiện tại. Có nhiều điều để nói trong cuộc đụng độ hai kẻ sát nhân, nhưng tôi nghĩ theo quan điểm của nhiều người: Dù luật pháp tha chết, thì cuộc sống xã hội thực tế đã tẩy chay chúng, coi như đã chết từ lâu. Dù có thay tên đổi họ, những kẻ như vậy không thể được dung thứ ở bất kỳ đâu.

Thảm sát 3 người nhưng bị cáo Lê Ngọc Chung chỉ bị phạt 12 năm tù giam vì khi gây án chưa đủ 16 tuổi. 
2. Trước vụ án Lê Văn Luyện, tại Hà Nội từng xảy ra vụ thảm sát 5 người trong một gia đình, hậu quả làm 3 người chết, 2 người còn lại thoát chết nhờ may mắn. Đó là vụ án thợ rửa xe Lê Ngọc Chung xảy ra năm 2007, vì mâu thuẫn với gia chủ đã dùng dao tấn công cả gia đình anh Đỗ Quốc Hùng khiến anh Hùng, mẹ và con anh Hùng thiệt mạng.

Phiên tòa xét xử Lê Ngọc Chung, Hội đồng xét xử khẳng định: Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, cùng một lúc y giết chết nhiều người, trong đó có cả trẻ em, hành vi tội phạm hết sức man rợ nên cần thiết phải bị xử phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm gây án, Chung mới 15 tuổi, 11 tháng, 2 ngày. Áp dụng quy định tại Điều 74, khoản 2-BLHS (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù), bị cáo Lê Ngọc Chung bị tuyên phạt 12 năm tù.

Pháp luật hình sự nước ta quy định về chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội, chính sách này được xây dựng dựa trên đặc điểm đặc thù của người chưa thành niên là sự hạn chế về nhận thức, do vậy việc xét xử họ chủ yếu nhằm giáo dục.

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội thì không quá 12 năm tù. Như vậy, trong mọi trường hợp, BLHS không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Trong vụ án Lê Văn Luyện, các giấy tờ ghi Luyện sinh ngày 18/10/1993. Như vậy, tính tới thời điểm phạm tội (24-8-2011), Luyện mới 17 tuổi, 10 tháng, 6 ngày. Từ sự phẫn nộ, có 3 luồng ý kiến "kiến nghị" cách xử lý vụ án. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, luật pháp quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm thông thường, còn đối với hành vi man rợ, mất hết nhân tính như Luyện thì phải áp dụng trường hợp đặc biệt, xử tử hình.

Luồng ý kiến thứ hai lại đề xuất mở: Nếu hung thủ chưa đủ 18 tuổi thì cơ quan pháp luật đợi khi đủ 18 tuổi hãy xử, lúc đó không còn ràng buộc giới hạn tuổi vị thành niên! Luồng ý kiến thứ ba đề xuất tầm vĩ mô: Cần xem xét sửa Bộ luật hình sự, quy định xử tử hình cả người chưa thành niên nếu phạm tội một cách man rợ.

Chúng tôi chia sẻ các nhóm ý kiến nói trên, tất cả đều xuất phát từ sự căm phẫn tột độ tội ác Lê Văn Luyện gây ra, mong muốn hung thủ phải bị trừng trị đích đáng trước pháp luật. Bởi thế, các luồng ý kiến là hoàn toàn hiểu được về mặt tâm lý. Tuy nhiên, về pháp luật, xem ra cả 3 luồng ý kiến trên đều không có điểm tựa. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần xử tử với việc áp dụng pháp luật trong trường hợp đặc biệt, trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, BLHS không có quy định ngoại lệ hay trường hợp đặc biệt.

Chẳng hạn như vụ Lê Ngọc Chung, với hành vi man rợ, khi gây án còn chưa đầy 1 tháng mới tròn 16 tuổi. Nghĩa là nếu hành vi xảy ra khi đủ 16 tuổi, tất yếu Chung bị xử phạt 18 năm tù, còn nếu khi đã đủ 18 tuổi, chắc chắn y sẽ lĩnh án tử hình.

Tuy nhiên, với quy định pháp luật, toà không thể tuyên bản án hơn 12 năm tù cho người dưới 16 tuổi. Luồng ý kiến đề nghị "đợi đủ 18 tuổi rồi xử lý" cũng là cách suy nghĩ cảm tính bởi việc tính độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật là tính đến thời điểm thủ phạm gây án chứ không phải thời điểm pháp luật xử phạt.

Còn "kiến nghị" sửa luật để làm hành lang pháp lý cho việc xử lý Luyện lại càng không "thẩm thấu" bởi hiệu lực của BLHS về thời gian quy định "điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.

Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới… không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành".

3. Một thực tế rõ ràng là tội phạm ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ phạm pháp nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Công an, nếu như năm 2001 có 11.376 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó 48,9% là trộm cắp, 4,29% tội cướp, 0,76% giết người, 11,4% cố ý gây thương tích thì đến năm 2008, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã tăng lên thành 17.138, trong đó có 1,52% số tội phạm do vị thành niên gây ra là giết người, tức tăng 2 lần.

Điều 1, Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989 ghi: "Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn".

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến pháp năm 1992, BLHS năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, tất cả đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi. Như vậy, trong xu thế tiến bộ và các quyền trẻ em đã được khẳng định trong Công ước quốc tế, việc Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình, tù chung thân đối với người chưa thành niên là phù hợp và điều này tiếp tục được duy trì.

Vấn đề là, nên lấy mốc 18 tuổi làm ranh giới để xác định tội phạm thành niên và chưa thành niên trong BLHS hay có thể áp dụng một khung tuổi thấp hơn. Hiện, pháp luật các nước quy định độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự khác nhau, nếu như ở Việt Nam là từ đủ 14 tuổi thì tại Na Uy là đủ 15, trong khi ở Anh và xứ Wales là 10.

Xã hội phát triển, ngày nay nhiều người dù chưa đủ 18 tuổi nhưng tính chất, thủ đoạn gây án không hề kém người đã thành niên. Vậy, có nên điều chỉnh giới hạn độ tuổi chịu trách nhiệm mức án cao nhất, chỉ cần đủ 16 tuổi thay cho 18 tuổi như hiện hành, đó là việc cần nghiên cứu.

Mỹ cũng đã bỏ án tử hình với tội phạm dưới 18 tuổi

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không áp dụng hình phạt tù chung thân hay tử hình đối với trẻ em, người chưa thành niên dù họ có phạm tội nghiêm trọng như thế nào. Tuy vậy, tại một số ít nước trên thế giới vẫn còn áp dụng tù chung thân cho người chưa thành niên là Israel, Cộng hoà Nam Phi, Tanzania, đặc biệt Mỹ là quốc gia duy nhất có nhiều năm áp dụng hình phạt tử hình người dưới 18 tuổi. Mới đây, Tòa án Tối cao Mỹ (nước xảy ra nhiều vụ giết người nguy hiểm), sau nhiều tranh cãi, đã bỏ phiếu thống nhất hủy bỏ án tử hình đối với những kẻ giết người chưa đủ 18 tuổi.

Theo Đăng Trường (Cảnh sát toàn cầu)
Bình luận
vtcnews.vn