Lê Quốc Vinh: Khoe có gì là xấu?

Tổng hợpThứ Hai, 25/07/2011 11:54:00 +07:00

... Người ta chỉ nói ra, nếu điều đó là có lợi cho người nghe, hoặc người nghe muốn biết...

Tôi thích xem Nói ra đừng sợ và thích Lê Quốc Vinh vì cách anh dẫn dắt chương trình làm tôi có cảm giác như mình cũng đang có mặt bên bàn rượu, vừa nhấp vang vừa “bồ hóng” như thật vậy. Một hôm, nhân nói về cái sự “Khoe”, tôi đùa, nếu có ai đó làm một show “Khoe ra đừng sợ” và mời anh tham gia dẫn, anh có làm không. Ai dè Lê Quốc Vinh thủng thẳng,“Vâng, tại sao không nhỉ? Tôi tin rằng sẽ có nhiều người tự tin tham gia chương trình hơn là “Nói ra đừng sợ” đấy”.

 

Là người chịu trách nhiệm sản xuất cho chương trình Nói ra đừng sợ, có khi nào anh bị người ta hỏi ngược lại về những điều anh không dám nói, ngại nói hoặc muốn giữ kín chưa?

Có thể khách mời cho rằng tôi ở vị trí “host” - người dẫn chương trình, nên không hỏi tôi chăng? Hoặc là, họ tin rằng tôi chẳng có gì để giữ kín nên không buồn hỏi cũng nên.

Thực tế cuộc sống, không phải điều gì nói ra cũng là có lợi. Vì vậy, chắc chắn rằng, người ta sẽ chỉ muốn nói về những điều có lợi cho mình thôi. Phải chăng, người ta vẫn nên biết sợ khi nói?

Ai cũng có những bí mật, những điều chôn giấu trong lòng, thường thì nói ra chẳng bao giờ có lợi cho mình cả. Người ta chỉ nói ra, nếu điều đó là có lợi cho người nghe, hoặc người nghe muốn biết. Hoặc cái chuyện tưởng là bí mật ấy đã không còn là của riêng nữa rồi.

Nhưng đa phần là những điều người ta che đậy hóa ra chẳng có gì nghiêm trọng cả, không đáng được gọi là bí mật theo đúng nghĩa của nó. Nhiều người, nhất là trong giới giải trí, thường mượn tấm màn bí ẩn để tô vẽ thêm cho hình ảnh của mình. Càng làm cho công chúng tò mò bao nhiêu thì càng tạo dựng hình ảnh quan trọng cho mình bấy nhiêu.

Tôi cho rằng nếu nói ra sự thật thì chẳng bao giờ phải sợ cả. Người ta chỉ nên sợ nói ra những điều không có thật.

Nói ra đừng sợ khuyến khích người ta nói ra những điều họ ngại nói, không dám nói. Nhưng cũng có thể là nơi để người ta có cơ hội để “khoe” đấy. Anh có ngại không, nếu (có thể) nó là nơi để người ta phô trương, đánh bóng mình? Và những điều người ta nói ra sẽ giúp ích gì cho khán giả?

Tôi khuyến khích người ta vứt bỏ cái tấm màn bí ẩn mà người ta tự tạo ra, hoặc vì vị trí cá nhân mà người đời khoác cho họ. Thường thì con người đều cảm thấy vui vẻ hơn, nhẹ lòng hơn, thanh thản hơn, nếu được chia sẻ những suy nghĩ, những ẩn chứa trong lòng. Tôi khuyến khích người ta tìm đến những phút giây hạnh phúc khi được sẻ chia tâm sự của mình.

Nếu trong lúc nói thật, họ có khoe một chút thì có sao đâu. Chỉ sợ những gì họ mang khoe lại không thật, thì người xem truyền hình, bạn đọc sẽ đánh giá họ, sẽ bình phẩm về họ. Nếu thế, họ lại cần phải lên sóng một lần nữa để nói lại đấy.

Còn những điều họ chia sẻ có giúp gì cho khán giả không? Tôi nghĩ là có. Ít nhất thì khán giả có cơ hội hiểu hơn về thần tượng hoặc những nhân vật mà họ quan sát hoặc ngưỡng mộ. Khách mời của tôi có dịp trở về đời sống bình thường, gần gũi với công chúng hơn.

 Lê Quốc Vinh và con trai
Nói về chuyện khoe. Khoe theo anh có xấu không?

Khoe thì có gì là xấu. Nếu tôi ra một album mới, tôi tự hào về nó, thì vì sao không khoe với fan hâm mộ? Cũng như tôi có đứa con xinh xắn, lẽ nào không khoe với bạn bè?

Quan trọng là cái mà tôi mang khoe có phải là cái mà các bạn muốn nghe không? Nhạc sỹ Hà Dũng nói một câu rất hay khi nhận lời lên “Nói ra đừng sợ”: Hãy nói chuyện về những gì khán giả thích nghe, chứ đừng nói gì về cái chỉ có tôi mới thích. Cái ranh giới giữa khoe khéo và khoe lố, vì thế, rất mong manh.

Anh thử lý giải xem nguồn gốc vì sao con người thích khoe, khoe bằng cấp, khoe chữ, khoe giàu...

Tôi cho rằng, con người ta, ai cũng muốn hơn người bên cạnh một chút. Người kín đáo thì tự phụ trong lòng, kẻ thiếu kín đáo thì phô bày cho thiên hạ biết cái hơn của mình. Chẳng ai dại gì đi khoe chữ với ông tiến sỹ, cũng không khoe giàu với ông tỷ phú. Kẻ khoe khoang dốt nát thì làm ngược lại, hoặc khoe khắp thiên hạ, gom chung tất cả đối tượng.

Có câu “tốt khoe xấu che”, “khoe” phải chăng là để là ngụy trang cho sự tự ti và sợ hãi hay ngược lại, bởi vì người ta tự tin?

“Khoe” là khi tôi tự hào về cái mà tôi có. Tất nhiên, cũng là để che đi cái mà tôi không có, hoặc tôi rất tệ. Tất nhiên, cũng còn tùy từng trường hợp. Có người tự tin thái quá. Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng?, nên nói chuyện với ai cũng vội vã khoe cái hay, cái đẹp của mình mà không để ý xem đối phương có thích nghe không, có gì để nói không. Cũng có người tranh khoe mình đẹp trai trước, để đối phương không kịp phát hiện mình đầu rỗng không.

Vậy trong trường hợp nào, anh khuyên người ta nên “khoe đi đừng sợ?”

Khi cái mà họ có để khoe chẳng làm hỏng đi hình ảnh của họ, hoặc là chẳng làm hại ai cả. Nhiều người nổi tiếng hay giấu giếm bạn trai, bạn gái của mình đi. Tôi chẳng biết vì sao nữa. Có lẽ họ đang ủ mưu thay đổi bạn trai, bạn gái hay sao.

Anh làm truyền thông có lẽ anh hiểu hơn ai hết, những chiêu thức PR của giới showbiz. Hình như bây giờ, trong cách thức PR, đánh bóng tên tuổi, cố tình “khoe” vòng 1, vòng 2, vòng 3 thậm chí khoe cả ba vòng, rồi khoe hàng hiệu... để rồi bị chê, bị vùi dập để nhanh nổi tiếng nhanh hơn. Ngày xưa chúng ta được dạy biết khiêm tốn, nhưng rõ ràng khiêm tốn thì có lẽ lâu nổi tiếng lắm?

A, “khoe” kiểu đó không phải là PR nhé. Chúng ta nên tìm một khái niệm khác để chỉ các chiêu thức kiểu này. Thói thường, tin xấu đi nhanh hơn tin tốt, nên việc lợi dụng scandal để nổi tiếng không phải là chuyện hiếm, và phải biết kiểm soát, phải có bài bản đàng hoàng. Nhưng nếu để scandal đi quá đà, biến mình thành hình ảnh xấu xí thì không còn là bài bản nữa rồi.

Thế còn anh, anh có ngại “khoe” không? Anh nghĩ, điều gì cản trở người ta muốn mà không dám khoe nhỉ?

Tôi hay khoe lắm. Cũng may, chưa ai mắng tôi khoe khoang cả, ít ra là chưa mắng vào mặt. Nếu có điều hay, cái đẹp mà không dám khoe, có lẽ là bởi vì người ta chưa tìm được người muốn nghe cái sự khoe đó chăng? Nhưng tôi tin rằng, đó là vì con người ta chưa vượt qua được cái rào cản của dư luận, kém tự tin vào bản thân mình.

“Khoe” mà người ta thấy chấp nhận được, thậm chí ngưỡng mộ thì đáng để chúng ta học tập lắm chứ. Anh đã từng gặp ai là “nghệ sĩ” trong lĩnh vực này chưa?

Vâng, khoe mà người nghe chấp nhận được, hưởng ứng với mình thì không phải là việc dễ làm. Nói là “nghệ thuật” thì cũng không quá. Có nhiều người giỏi trong lĩnh vực khoe lắm chứ. Như đạo diễn Lê Hoàng đó, lúc nào anh ấy cũng khoe mình đẹp trai, thực ra kín đáo khoe rằng anh ấy thông minh. Đó là kỹ xảo đấy.

Theo anh, khoe như thế nào được gọi là có nghệ thuật?

Khi khoe cái này mà người ta hiểu ra cái khác, ngưỡng mộ cái khác mà anh không trực tiếp nói ra.

Tôi xem báo chí gần đây, nhiều bộ ảnh nuy, bán nuy cá nhân tôi thấy đẹp, nghệ thuật. Nhưng rất nhiều title báo dùng từ “khoe thân”. Tôi nghĩ khoe thân mà nghệ thuật thì có gì đáng lên án nhỉ. Anh nghĩ sao? Tại sao công chúng phản ứng dữ dội như vậy?

Khỏa thân là để khoe đường nét cơ thể. Cũng là một kiểu khoe thôi, nhưng nếu khoe nghệ thuật như bạn nói, tức là người xem chỉ thấy một chữ “mỹ” thì sao lại lên án. Có điều, như tôi đã nói, khoe thì phải đúng cách, đúng lúc, và đúng chỗ, đúng đối tượng. Bạn chọn sai, nhất là sai cách làm thì bị phản ứng thôi.

Rất nhiều người muốn khoe nhưng lại sợ mình phô trương, sợ mình lố bịch. Nếu có một chương trình “Khoe ra đừng sợ”, ở đó người ta dám thể hiện những gì thuộc về mình mà họ tự tin nhất. Nếu được mời, anh có tham gia sản xuất và kiêm MC luôn không?

Vâng, tại sao không nhỉ? Tôi tin rằng sẽ có nhiều người tự tin tham gia chương trình hơn là “Nói ra đừng sợ” đấy.

Thế còn anh, điều gì thuộc về bản thân mà anh cảm thấy hãnh diện và tự tin nhất? Điều gì anh sẵn sàng khoe mà không cảm thấy ngại?

Tôi có nhiều thứ để khoe chứ. Nhưng còn tùy với mỗi đối tượng tôi sẽ mang khoe những gì phù hợp. Còn có một điều tôi không bao giờ ngại khoe, đó là tôi có một đội ngũ cộng sự tuyệt vời. Họ cho tôi thời gian để ngồi trả lời phỏng vấn của bạn.

Trong giáo dục con cái, anh có bao giờ khuyến khích con mình hãy biết “khoe” không? Rằng con hãy thể hiện cho mọi người biết con có thể làm gì... Tôi nghĩ, trẻ em Việt Nam hình như ngại, hoặc kỹ năng “khoe bản thân” mình bị hạn chế quá. Không biết, tôi nghĩ vậy có phải là tự ti quá chăng?

Có chứ. Tôi có một con trai lớn, và tôi luôn khuyến khích anh chàng thể hiện khả năng của mình, để hòa nhập và phát triển năng lực cá nhân. Còn với cậu con trai nhỏ, tôi khuyến khích nói ra những gì cháu làm được, và khen ngợi mọi thứ, dù là nhỏ nhất. Nhưng tôi sẽ nghiêm khắc với những gì không có thật. Đó là cách mà tôi tin rằng sẽ giúp trẻ em biết cách tự tin khi bước vào cuộc sống.

Với nhân viên công ty cũng vậy, tôi khuyến khích họ khoe ra các khả năng của mình, những gì họ làm tốt. Nếu không, làm sao tôi biết giao cho họ việc gì thì phù hợp.

Người Á đông, có thể là do tự ti, cũng có thể là do quan niệm về khiêm tốn, rất hiếm khi dám thể hiện bản thân. Người phương Tây thì không coi đó là đức tính khiêm tốn, họ dám dấn thân và chịu trách nhiệm.

Vâng, cảm ơn anh đã chia sẻ!

Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn