Lễ hội với những hành vi man rợ, vô nhân tính đang tồn tại đầu xuân

Thời sựThứ Hai, 22/02/2016 07:55:00 +07:00

(VTC News) – Không thể tưởng tượng nổi, con người ta sẵn sàng lao vào tranh cướp, giẫm đạp, đánh đấm dã man đến mức như muốn hủy diệt lẫn nhau.

(VTC News) – Không thể tưởng tượng nổi, con người ta sẵn sàng lao vào tranh cướp, giẫm đạp, đánh đấm dã man đến mức như muốn hủy diệt lẫn nhau, để nuôi một niềm tin mãnh liệt vào thứ gọi là cầu may.

Hủy diệt văn hóa và nhân văn

Chưa bao giờ ý nghĩa tốt đẹp của những lễ hội đầu xuân lại bị biến tướng đến mức khủng khiếp như hiện nay. Người ta lao vào một cuộc hỗn chiến hủy diệt tất cả văn hóa và nhân văn, để nuôi một niềm tin mãnh liệt vào cái gọi là cầu may.

Sau sự giẫm đạp, đánh đấm hung bạo tại lễ hội cướp phết lấy may ở Bản Giản (Vĩnh Phúc) cách đây vài ngày, cuộc hỗn chiến kinh hoàng hơn tiếp tục diễn ra ở Hiền Quan (Phú Thọ).
Phải gọi đây là cuộc hỗn chiến mới đúng
Phải gọi đây là cuộc hỗn chiến man rợ mới đúng. Ảnh: Tuổi trẻ
Người đã ngất xỉu ngã xuống, máu đã đổ, con người đang hành xử với con người bằng những hành động bạo lực nhất, dã man nhất, như thể, trước nắm đấm ấy, trước gậy gộc ấy, là hờn căm kẻ thù, chứ không phải đồng hương ruột thịt.

Tâm tính hiền hòa, hướng thiện của người Việt đã mất đi tự lúc nào? Chúng ta đã và đang làm gì với lễ hội đầy ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa lịch sử mà để ghi nhớ nó, phải đánh đổi bằng tầng tầng lớp lớp những thế hệ cha ông.

Hãy nhìn cảnh hàng nghìn thanh niên trai tráng cởi trần dàn trận, gương mặt dữ dằn hùng hổ như sắp bước vào cuộc tàn sát đến cạn kiệt, họ lao vào nhau, đánh đấm nhau, dùng gậy quật ngã nhau đến khi đối phương không còn ngóc đầu dậy được.

Và nhất là cái gương mặt hả hê của đám người cướp được “phết” kia, trong khi đồng loại nằm gục lại, với thương tích, và đổ máu, mới thấy con người đã lạnh lùng tàn ác đến nhường nào.


Có phải, chúng ta đang tiếp tay cho việc khơi gợi những bản tính dã man nhất của con người bằng việc ngày càng hoành tráng hóa lễ hội, thần thánh hóa lễ hội? Và chính con người cũng ngày càng mông muội tụt lùi khi mù quáng tin rằng, cướp được cái “phết” đó về nhà thì may mắn cả năm, nhanh chóng giàu có, thậm chí đẻ con trai?

Nhìn xem, có phải con đường ngắn nhất dồn văn hóa đến ngày “mạt vận” đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta?

Video cảnh ẩu đả, hỗn loạn kinh hoàng tại Hiền Quan. Nguồn: Zing


Tất cả đã đi quá giới hạn

GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT đã phải thốt lên:

“Tôi cho rằng không thể chấp nhận để tiếp diễn những cảnh lễ hội như thế này nữa, quá sức chịu đựng rồi. Tôi đề nghị phải nhanh chóng có biện pháp mạnh để chấm dứt ngay.

Giáo dục + xử phạt nghiêm, xử phạt nghiêm + giáo dục, nhẹ tay với kẻ ác sẽ làm khốn khổ, làm mất mạng những người thiện.

Giành giật may mắn bất chấp cả tính mạng người khác? Vì đâu nên nông nỗi này? Thật đau xót và hổ thẹn, hổ thẹn và đau xót! Chúng ta bất lực ư? Trên thế giới còn có những nơi nào khác xảy ra như thế này nữa không?”

 

Ông đã không giấu được kinh ngạc trước sự dã man và tàn ác, thiếu nhân văn nhất của con người khi xem đoạn clip ghi lại những hình ảnh tại lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ). Giống như giọt nước tràn ly, GS Trần Văn Nhung cho rằng, tất cả đã quá sức chịu đựng.

Nếu để ý sẽ thấy, tất cả những người lao vào cuộc hỗn chiến khát khao đánh đấm ấy hầu hết là thanh niên. Những người mà lẽ ra phải tỉnh táo nhất, nhìn thấy rõ nhất, cuộc vui ấy là lễ hội, là ý nghĩa mang tính biểu tượng, tượng trưng cho ước vọng cầu bình an, may mắn trong những ngày đầu năm mới.

Rõ ràng, không thể che giấu đi sự tồn tại của một thế hệ người trẻ hung hăng, hiếu thắng, thiếu nhận thức đang khiến xã hội hỗn loạn dần lên.

Khoảng cách từ cú đấm như trời giáng vào người đối diện, cú vung gậy thẳng đối phương nơi triền đê, bờ sông Hiền Quan nhằm cướp “phết” lấy may đến việc kết liễu một mạng người vì nóng nảy, thiếu kiểm soát sau đó là bao xa?

Lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh mẫu Đại vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn