Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2018 có gì đặc biệt?

Thời sựChủ Nhật, 22/04/2018 17:26:00 +07:00

Hơn 20.000 khán giả từ khắp mọi miền đất nước đã về quảng trường ở bãi biển Sầm Sơn để tham dự Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2018 với rất nhiều điểm đặc biệt.

Video: Màn trình diễn bikini tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2018

1Q7A9618

Hơn 20.000 khán giả có mặt tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2018.

Đây là năm đầu tiên Sầm Sơn tổ chức lễ hội du lịch biển sau khi Sầm Sơn trở thành thành phố. Chính vì vậy, Lễ hội du lịch biển 2018 mang chủ đề “Khát vọng thành phố trẻ”, đưa đến khán giả, du khách một thông điệp về một thành phố biển trẻ đầy khát vọng và sôi động.

Nữ đạo diễn sân khấu Lê Hải Yến cho biết đã tìm hiểu kỹ lưỡng về Sầm Sơn và cô mong muốn thể hiện ở lễ hội một hình ảnh Sầm Sơn tràn đầy sức trẻ cùng với sự phát triển nhanh, mạnh mẽ như vũ bão nhưng vẫn thấm đẫm giá trị lịch sử ngàn đời cùng những huyền tích linh thiêng.

Cả hai điều đó tạo nên một giá trị đặc biệt cho Sầm Sơn. Và, Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn thực sự khắc hoạ rõ nét thông điệp đó.

Ngay mở đầu chương trình khiến hàng ngàn khán giả phải giơ điện thoại lên không ngừng quay chụp với màn múa tương tác với công nghệ 3d mapping huyền ảo có tên “Đại dương xanh”.

Nữ đạo diễn Lê Hải Yến lần đầu tiên táo bạo sử dụng công nghệ 3D mapping chuyển động ở sân khấu ngoài trời, giữa điều kiện gió khá mạnh trên bãi biển Sầm Sơn nhưng đã tạo được hiệu ứng tối ưu không thua kém trong không gian nhà hát khiến khán giả vô cùng phấn khích.

fsg

Đạo diễn Lê Hải Yến đang chỉ đạo tiết mục biểu diễn.

Trong vai nữ hoàng đại dương, diễn viên múa khoác lên mình chiếc váy khổng lồ và ánh sáng của công nghệ mapping chiếu lên chiếc váy hình ảnh đại dương xanh kỳ ảo với muôn loài sinh vật biển đẹp lộng lẫy.

Dường như cả đại dương đã hiện lên trong mắt khán giả đẹp mắt khi dàn diễn viên múa trong hình ảnh những con sứa khổng lồ lấp lánh sáng xuất hiện trên sân khấu.

Đạo diễn Hải Yến tiết lộ hoàn thành tiết mục này rất khó khăn vì nhân vật nữ hoàng phải trồi lên từ lòng sân khấu với bàn nâng cao 4m. Ê kip đã phải tập dượt tại thực địa rất nhiều ngày nhằm cố định được váy của diễn viên, gió có thể làm hỏng tiết mục bất cứ lúc nào nếu kỹ thuật không chuẩn xác.

Cuối cùng, khán giả đã được mãn nhãn với “Đại dương xanh” kỳ ảo qua tiết mục này.

1Q7A9671 (1) 3

Nam ca sĩ Tùng Dương biểu diễn ca khúc "Tiếng vọng Sầm Sơn". 

Từ hình ảnh của biển cả bao la ấy, Chương I của chương trình được bắt đầu từ câu chuyện về “huyền thoại biển” để kể về một Sầm Sơn trong lịch sử.

Lịch sử ấy đã hiện lên đầy hào sảng, oai linh qua giọng hát của nam ca sĩ Tùng Dương với sáng tác “Tiếng vọng Sầm Sơn” ( sáng tác Phạm Khánh Băng), một sáng tác mới dành riêng cho Lễ hội.

Từ ca khúc, khán giả như bắt đầu hành trình du lịch tìm hiểu đất Sầm Sơn với truyền thống ngàn đời, thừa hưởng những giá trị của mảnh đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh.

Và, trong niềm tự hào ấy, lần lượt những huyền thoại của Sầm Sơn đã hiện lên uy linh, thiêng liêng với những câu chuyện được người dân truyền từ đời này sang đời khác.

Trong tiếng hát của nữ ca sĩ Tân Nhàn với ca khúc về huyền thoại hòn trống mái, một sự kết hợp giữa vũ đạo và nghệ thuật xiếc đu dây giữa không trung khiến khán giả ngẩn ngơ.

Giữa hình ảnh đại dương bao la, đôi uyên ương biểu tượng của hòn trống mái bay lên như một giấc mơ, kể cho khán giả nghe về tình yêu, về sự thuỷ chung đời đời.

Liên tiếp với câu chuyện về hòn trống mái, điểm đến nổi tiếng của Sầm Sơn, hoạt cảnh nhạc kịch “Huyền thoại thần Độc Cước” lại đưa người xem chảy trôi tiếp theo dòng lịch sử tìm hiểu câu chuyện về thần Độc Cước nổi tiếng.

Với sự tương tác giữa đồ hoạ 3D và vũ kịch, hoạt cảnh nhạc kịch dựng lại câu chuyện về thần Độc Cước đã bảo vệ những người con của biển trước loài thuỷ quái, giúp người dân Sầm Sơn sống an lành, bình yên trong mỗi chuyến ra khơi từ bao đời nay. Đó cũng là lý do mà đền Độc Cước là điểm dừng chân của du khách khi đến với Sầm Sơn.

s 6

Đức Tuấn với ca khúc "Muốn nghe tiếng sóng".

Không chỉ là thành phố biển với bản sắc văn hoá, truyền thống ngàn đời, biển Sầm Sơn còn mang vẻ đẹp trữ tình, êm đềm như những con sóng dịu dàng.

Chương 2 của chương trình “Chuyện tình của biển” đã khắc hoạ trọn vẹn sự nên thơ, êm đềm đó qua những bản tình ca về biển, có dữ dội có dịu dàng, và có những xanh mát của hạnh phúc qua “Chuyện tình của biển” do Tùng Dương thể hiện, “Khát vọng biển” với giọng hát của Nguyễn Ngọc Anh hay “Muốn nghe tiếng sóng” do Đức Tuấn biểu diễn, “Ru em tiếng sóng” với nhóm MTV….

Những ca khúc này đã làm khán giả thích thú bởi màn múa minh hoạ hoàng tránh, được đầu tư công phu tạo nên một hình ảnh lãng mạn, ngọt ngào và cũng hết sức lộng lẫy, tràn đầy sắc màu hạnh phúc của biển xanh.

Sức trẻ của một thành phố trẻ bắt đầu bùng nổ với sự xuất hiện của màn trình diễn bikini đón hè từ NTK Việt Hùng.

Hơn 30 người đẹp đến từ mọi miền đất nước diện bikini đủ sắc màu đã làm nóng rực không khí của Sầm Sơn trong đêm lễ hội khiến ai cũng thấy một mùa hè với nắng vàng, biển xanh đã đến thật gần.

Những gương mặt nổi tiếng như Hoa hậu Phan Thu Quyên, Á hậu Lê Huỳnh Thuý Ngân, người mẫu Nguyễn Lệ Nam Anh cùng những bước đi uyển chuyển đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Một không khí trẻ trung, sôi động trên toàn bộ hình ảnh sân khấu mang thông điệp về khát vọng thành phố trẻ đã thực sự hấp dẫn người xem.

Nữ đạo diễn Lê Hải Yến cũng đã không ngần ngại đưa cả xe điện lên trên sân khấu rộng gần 2.000m2 trình diễn cùng phần trình diễn sôi động của ca sĩ Phúc Bồ, Hà Lê và nhóm Pb Nation với những bản nhạc về mùa hè, biển và tình yêu của tuổi trẻ.

Những giai điệu trẻ, sức trẻ, và những hình ảnh tươi trẻ ngập tràn sân khấu khiến các khán giả nhí cực kỳ thích thú. 

d 4

Hoàng Hải với ca khúc Ra khơi.

Sự sôi động được đẩy thêm khi nam ca sĩ Hoàng Hải cùng vũ đoàn tiếp thêm cho “chảo lửa” bằng ca khúc “Ra khơi” theo phong cách rock.

Và trong bối cảnh đó, một giấc mơ Sầm Sơn sẽ có bóng dáng của thiên đường biển Hawaii đã không ngần ngại được đưa lên sân khấu qua liên khúc “Chuyện nhỏ- yêu đời” do MTV thể hiện.

Một thành phố biển trẻ, một giấc mơ rộn ràng tươi tắn như Hawaii khiến khán giả thấy rộn rang. Sự sôi động này đã giữ chân khán giả trẻ đặc biệt là các khán giả nhí, say mê với từng tiết mục trình diễn và ở lại xem chương trình đến phút cuối cùng.

sf 5

 Lê Huỳnh Thúy Ngân.

Đạo diễn Lê Hải Yến muốn thực hiện một chương trình lễ hội thu hút được cả khán giả trẻ và những người lớn tuổi để họ cùng sống chung trong một không gian âm nhạc.

Nữ đạo diễn cho biết xem nhiều chương trình lễ hội nhưng phần lớn đều khó tìm được “tiếng nói chung” cho cả hai đối tượng khiến các lễ hội dễ rơi vào buồn tẻ. Vì vậy, cô đã làm mọi cách để thay đổi điều đó.

Đêm nghệ thuật của lễ hội kết thúc bằng màn pháo hoa tầm thấp mãn nhãn kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ.

Vừa kết thúc chương trình, hàng ngàn khán giả ào lên sân khấu xin chụp ảnh cùng các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình. Những khán giả trẻ cũng đổ về khu vực sân khấu cùng nhún nhẩy theo tiếng nhạc, khiến quảng trường Sầm Sơn nhanh chóng thành một vũ hội khổng lồ. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn