Lễ hội bây giờ có "mùi" gì?

Thời sựChủ Nhật, 07/03/2010 02:04:00 +07:00

(VTC News) - Có những du khách đi hội “đánh đố” nhau: Lễ hội bây giờ thường có “mùi” gì? Tưởng chừng câu trả lời rất dễ: mùi khói hương. Nhưng không phải!

(VTC News) - Có những du khách đi hội “đánh đố” nhau: Lễ hội bây giờ thường có “mùi” gì? Tưởng chừng câu trả lời rất dễ: đó là mùi khói hương, mùi của trời đất thanh tịnh… Nhưng thực tế bây giờ ở nhiều lễ hội, đậm nhất là mùi... thức ăn: mực, cá nướng, bỏng ngô, bánh trái và mùi của cơm phở.

Ngay khi đặt chân đến cửa hội, du khách đã bị hút vào “trận địa” hàng quán la liệt những món ăn, bị xoay vòng, trở thành những con mồi trong những vụ mặc cả, mua bán. Đầu năm, đi lễ hội để du xuân, cầu may, lễ Phật. Thế nhưng, với nhiều người thì tham gia lễ hội dường như là để… ăn.

Hội Lim mới đây là một minh chứng. Việc các quán ăn mọc lên tràn lan, nhếch nhác, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh trở thành nỗi bức xúc của nhiều du khách khi đi trẩy hội. 

Mặc dù có biển "cấm bán hàng" nhưng không ngăn được hàng quán vẫn ngang nhiên mọc giữa lối điở lễ hội đền Và (Sơn Tây, Hà Nội).

Ngay từ 6 giờ sáng, khi chưa khai hội, đã thấy hàng quán la liệt trên các lối đi với đủ mọi thành phần, đủ mọi chủng loại. Chỉ riêng khoảng đất nhỏ phía sau ngôi chùa đã có 400 chiếu hàng. Tất cả bày ra trước mắt một cảnh tượng nhốn nháo, lộn xộn. Người ta cứ thản nhiên ăn, mặc cho bụi đất cuốn mù mịt và xung quanh bừa bãi rác thải.

Theo qui định của Ban tổ chức thì khu vực này cấm tất cả các hình thức kinh doanh để đảm bảo an ninh, thông thoáng, sạch sẽ cho người tham quan. Nhưng ngay từ buổi sáng, các lực lượng an ninh đã phải rất vất vả để xử lý những người vi phạm. Nhiều hộ gia đình vẫn ôm chiếu “rình”, chỉ chờ khuất bóng công an lại trải ra, bắt đầu “chiến dịch” làm ăn.

Khung cảnh các quán ăn “dã chiến” phủ kín khu đồi Lim, xâm lấn vào cả khu vực những lán quan họ biểu diễn. Chỉ với một mảnh chiếu mỏng manh nhưng hàng trăm mặt hàng được bày bán trên đó: nào là dăm quả cóc, mấy quả xoài, vài con cá mực được rao bán với giá cắt cổ. Một bát nước canh trong veo, lèo tèo vài sợi bún, dăm ba miếng thịt bò mỏng như tờ giấy cũng được bán với giá 40.000 đồng.

 Chiếu hàng la liệt tại Hội Lim năm 2010 (Ảnh: Hà Thành)

Cảnh ăn uống nhếch nhác không chỉ diễn ra trong khuôn viên khu vực trong đồi, nhu cầu ẩm thực còn đắt hàng, xôm tụ hơn với những gánh hàng rong chặn ngay lối vào hội Lim. Cứ từng tốp, từng tốp bắp rang bơ, từng đoàn xe bò bía, kem bông nhộn nhịp qua lại. Tiếng rao vặt rộn vang cả một góc trời.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) thất vọng chia sẻ cảm xúc của mình: “Đây là lần đầu tiên tôi đi trẩy hội chùa Lim nhưng lên đây, chứng kiến cảnh khu đồi Lim chẳng khác nào một cái chợ cóc xô bồ, nhem nhuốc, tôi cảm thấy ngao ngán vô cùng. Chủ quán chào mời, chèo kéo tranh giành khách như bãi tàu, bến xe – thật không còn gì để nói!”.

Ngay cả như lễ hội Huyền Trân (Thừa Thiên Huế) nổi tiếng linh thiêng cũng trở thành bức tranh bi hài, nhốn nháo. Lễ hội diễn ra từ ngày 21 đến ngày 22/2 (ngày 8, 9 âm lịch) vừa qua, nhiều gánh hàng rong được bày bán dọc tuyến đường đi bộ vào điện chính tạo nên cảnh tượng khó coi ngay trước cổng di tích. Những chồng bát đũa được vất ngổn ngang ngay trên vệ cỏ. Thậm chí, nhiều người ăn xong lại ngang nhiên tiện thể “bỏ quên” xoong, chậu, phích nước, vật dụng ăn uống cá nhân ngay trên lối qua lại. Vỏ lá chuối, lá dong được vứt bừa bãi khiến các con đường đi chẳng khác nào những “thùng rác di động”.

Tại chùa Hương những ngày đầu năm, bất kể thời gian, từ tờ mờ sáng cho tới lúc chiều muộn, nhà hàng, quán nhậu nào cũng chật cứng khách. Quanh chùa, đâu đâu cũng có thể biến thành nhà ăn. Khắp chùa, đâu đâu cũng nhếch nhác người nhai kẻ uống.

Thật buồn khi ở chốn tâm linh, người ta tìm đến để cầu mong sự bình yên, giữ cho tâm hồn thanh tịnh thì nơi đây lại trở thành… chợ ẩm thực. Hệ thống biển quảng cáo của những cửa hàng ăn, cửa hàng giải khát và bán đồ lưu niệm ven đường được chăng ngang ra giữa đường từ đầu Bến Trò cho đến giữa sân Thiên Trù, khiến lễ hội Chùa Hương giống như cuộc đua, cuộc triển lãm của những biển quảng cáo dịch vụ ăn uống.

Biển quảng cáo quán ăn xuất hiện ở khắp nơi tại lễ hội Chùa Hương
(Ảnh: Trọng Tuyến - Vietimes)

Ngoài những quán hàng quen thuộc, năm nay đông nhất là bánh mì Sài Gòn và xúc xích Đức Việt. Gần như vài mét là thấy một quầy hàng bánh mì, và cũng vài mét lại thấy những chiếc xúc xích bóng mỡ đang quay tròn.

Mặc dù, giá cả hàng hóa chùa Hương đắt đỏ nhưng do đa số khách tham quan đều đói mệt nên chỉ còn biết “cắn răng” để mà tìm cách “lót dạ dày”. Người người chen lấn nhau để dành lấy phần ăn trước, ăn sau. Rồi cá nướng, mực nướng la liệt khiến không gian lễ hội vốn mang nhiều ý nghĩa văn hóa và tâm linh, giờ thành ra đậm màu sắc phồn thực…

Thậm chí có người còn nói: Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt họ là những xâu, móc thịt thú rừng treo lủng lẳng, thịt da ngồn ngộn, ngay từ đầu làng Hương Sơn, bến Đục cho đến tận chân chùa Thiên Trù. Thú đã bị phanh thây có, thú còn tươi sống, nguyên lông nguyên da cũng có.

Nhiều quán ăn treo biển bán thịt cầy, thịt lợn đông nghịt khách ra vào. Những nồi hầm, luộc thịt nghi ngút khói, dậy mùi thơm cuốn hút. Tiếng rô hò “zô – uống” đôi khi còn át đi cả tiếng trống chiêng của lễ hội.

Tại lễ hội chùa Bà ở Bình Dương, các hàng quán, dịch vụ ăn uống dọc các tuyến đường dẫn vào chùa cũng mọc lên như nấm, số lượng gấp nhiều lần so với ngày thường. Có quán, nơi chế biến rửa ly chén nằm sát lề đường, thậm chí đặt ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng…

Tại Yên Tử, các lễ hội khác như Phủ Giày (Nam Định), đền thờ Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. 

Kết quả màn ăn uống xô bồ chốn lễ hội là những đống rác thải có mặt khắp nơi.

Một trong những vấn đề gây phản cảm nhất tại Yên Tử đó là rác. Mặc dù năm nay, Yên Tử đã được Ban tổ chức bố trí nhiều thùng rác, nhà vệ sinh công cộng và tổ chức xử lý rác thải nhưng “cung” vẫn chưa đáp ứng được “cầu”. Dù cứ vài chục mét lại có một thùng rác dọc đường lên Yên Tử nhưng rác vẫn xuất hiện khắp mọi nơi, từ chân núi lên tới tận chùa Đồng. Trên đường hành hương mặc dù có nhiều nhân viên môi trường thu gom, quét dọn vệ sinh công cộng nhưng không xuể do có khối lượng khổng lồ người hành hương vừa đi vừa... ăn uống.

Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn