Lấy hội đồng làm lá chắn, sẽ còn nhiều dự án đầu tư công thất thoát mà không ai chịu trách nhiệm

Thời sựThứ Sáu, 16/11/2018 16:10:00 +07:00

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ra thực tế hiện nay có việc khi quyết định các dự án đầu tư công lại lấy bình phong là hội đồng, để khi có hậu quả xảy ra, không ai phải chịu trách nhiệm.

Trong phiên thảo luận chiều nay tại Quốc hội về Luật đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm  về việc cần phải minh bạch hoá các quyết định đầu tư công.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết trong quy trình hiện hành, khi phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư, có 1 bước là thành lập hội đồng thẩm định. Dựa trên ý kiến hội đồng, các cấp thẩm quyền sẽ ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên bản chất quyết định đầu tư là quyết định hành chính Nhà nước, không phải quyết định chuyên môn. Vì vậy, ông Cường cho rằng chỉ có quyết định chuyên môn mới dựa vào hội đồng chuyên môn.

hoang-van-cuong-tp.-

 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại Quốc hội.

"Có ý kiến cho rằng, việc thành lập hội đồng thẩm định chỉ là hình thức hoá, hợp pháp hoá ý kiến, ý trí của người có thẩm quyền. Quyết định bằng bình phong là hội đồng, để khi có hậu quả xảy ra, không ai phải chịu trách nhiệm. Nếu duy trì cơ chế lấy hội đồng làm lá chắn, trong tương lai, sẽ có nhiều dự án đầu tư công thất thoát mà không có ai phải chịu trách nhiệm.

Tôi đề nghị cần phải quy định lại quy trình, đơn vị đề xuất đầu tư phải lập và chịu trách nhiệm về thông tin hồ sơ dự án, đơn vị, cơ quan quản lý đầu tư có trách nhiệm thẩm định dự án.

Nếu cơ quan thẩm định hoặc người có quyền quyết định chưa đủ tự tin, cần tham khảo thêm thì thuê chuyên gia, thành lập hội đồng tư vấn song không phải là căn cứ để ra quyết định đầu tư. Được như thế thì vừa rút gọn, đơn giản hoá quy trình, tiết kiệm thời gian, vừa làm rõ quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu trong đầu tư công", đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Vị Phó hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân cũng nhận định rằng tiêu chí lựa chọn sắp xếp phân bổ vốn cho hoạt động đầu tư công mới chỉ đề cập nguyên tắc chung, chưa đưa ra tiêu chí lựa chọn và phân bổ.

Ông Cường cho rằng phải đưa ra tiêu chí cụ thể như cơ sở phân bổ vốn đầu tư, tiêu chí tác động lan toả, thu hút đầu tư xã hội, thay đổi chỉ số xã hội, thúc đẩy hoạt động kinh tế,…

Nếu những tiêu chí này công khai thì đó sẽ là căn cứ để các địa phương, đơn vị cơ quan đề xuất dự án sẽ tự đánh giá là dự án của mình có được vào nhóm đầu tư công hay không.

Đó cũng sẽ là cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả dự án sau này như là kết quả, hiệu quả đầu ra của đầu tư công.

"Đầu tư công là dự án sử dụng tiền công, nên phải công khai cho người dân được biết chi tiết đầu tư như thế nào, yếu tố đầu tư ra sao, giải pháp, quy trình kỹ thuật được thi công. Trong quy định hiện hành của Luật Đầu tư công có điều 14 về công khai minh bạch các dự án đầu tư công song chỉ quy định chung còn những vấn đề người dân cần quan tâm thì không có.

Tôi đề nghị phải công khai chi tiết hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết trừ dự án mang bí mật Nhà nước, an ninh quốc phòng quan trọng. Nếu công khai đầy đủ, quy trình, quá trình triển khai công khai biết rõ, sẽ không có khuất tất, cắt xén, gian dối trong quá trình thi công dự án", đại biểu Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, đại biểu Cường cũng đề xuất cần phân loại rất rõ các loại nguồn vốn đầu tư khác nhau có quy trình quản lý khác nhau riêng với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Quy định rõ nguồn vốn của các đơn vị này được coi như nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, không nên đưa vào quy định quản lý đầu tư công.

Về hiệu quả đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề xuất bổ sung tiêu chí đánh giá dự án gắn với hiệu quả đầu ra, từ đó không phân bổ vốn giai đoạn sau nếu không có đánh giá ở giai đoạn trước.

Đại biểu Lưu Mai kiến nghị chỉ cho phép kéo dài dự án lên tối đa 2 năm để ngăn chặn việc các dự án chậm triển khai, không phù hợp với luật ngân sách Nhà nước, từ đó sớm thu hồi dự án không hiệu quả.

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn