Lật tẩy những “ngón nghề” moi tiền của chủ nhà trọ

Kinh tếThứ Năm, 26/08/2010 02:07:00 +07:00

Chủ nhà trọ dùng mọi nghệ thuật, kể cả dùng thủ đoạn ăn cắp điện, nước để có thể thu được nhiều tiền vào hầu bao của mình.

Chủ nhà trọ dùng mọi nghệ thuật, kể cả dùng thủ đoạn ăn cắp điện, nước để có thể thu được nhiều tiền vào hầu bao của mình. Họ nghĩ ra đủ mức phí để áp giá kinh doanh. Còn người thuê nhà chỉ biết nhìn công tơ điện, nước quay mà than trời!



Công tơ điện quay như... chong chóng!

Chủ nhà trọ dễ dàng móc túi người thuê bằng nhiều "ngón ngề" tinh vi.
Chị Hồng (Trung Hoà, Hà Nội) than thở: "Vài ngày tôi lại nhìn công tơ điện, nước xem hết bao nhiêu số. Nhìn đồng hồ quay chóng cả mặt. Chủ nhà lắp riêng mỗi phòng một công tơ điện, nước nhưng tôi cảm thấy bất ổn. Đồng hồ điện, nước đều quay tít. Mặc dù chuyển đến khu trọ này hơn tháng, nhưng số tiền điện chị phải trả đã ngót triệu bạc, tiền nước cũng hơn 400.000 đồng. Chị Hồng còn cho biết, cùng chung dãy nhà trọ, có một người phụ nữ ở độc thân, tiền nước 1 tháng đã ngốn 600.000 đồng (40m3 x15.000 đồng/m3), tiền điện 425.000 đồng. Sau khi phản ánh đến chủ nhà thì nhận được câu trả lời "đồng hồ nhà nước, nhìn số thu tiền, làm gì có chuyện gian dối".

Đem thắc mắc về mức chênh lệch sử dụng điện giữa các hộ gia đình với các khu nhà thuê trọ đến kỹ sư điện Phạm Văn Quang, chúng tôi nhận được sự giải thích khá chi tiết về các ngón nghề móc túi người thuê trọ của các chủ nhà trọ. Ông Quang cho biết: "Thông thường, công tơ điện của từng hộ dân được khóa vào trong các hộp sắt và được kiểm soát chặt chẽ của nhân viên điện lực. Còn việc lắp mỗi công tơ riêng tại các phòng trọ là có sự tác động của chủ nhà, họ có thể điều chỉnh được số điện. Thực chất việc sử dụng hết bao nhiêu số điện thì chỉ có công tơ tổng của Nhà nước là báo con số  thật, còn mức chênh lệch vượt trội thì chủ nhà được hưởng lợi. Đây chỉ là nghệ thuật nâng tiền điện của các chủ nhà trọ”.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội như Phùng Khoang, Mễ Trì, Cầu Giấy... đều thu tiền điện, nước với giá kinh doanh, cao hơn gấp 3-4 lần so với quy định của Nhà nước. Tiền điện cao ngất ngưởng, 3.000- 3.500 đồng/số. Họ đều lắp những công tơ riêng từng phòng để thu tiền hàng tháng. Cũng từ việc chia nhỏ các công tơ điện từ công tơ tổng, chủ nhà đã kiếm được bội tiền. Không những thế, nhiều chủ nhà còn gian lận bằng cách sử dụng thiết bị của Trung Quốc có khả năng làm giảm số đo điện trên công tơ - nói nôm na là  ăn cắp điện. Mẹo đó thông thường là họ lắp vào bộ ổ cắm để khi cắm thiết bị này vào thì nó tách tải này ra.

"Nghệ thuật" giảm hóa đơn của chủ nhà trọ

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Kinh doanh của Điện lực Từ Liêm - cho biết, có rất nhiều mánh "ăn cắp điện" rất tinh vi. Trước đây, đối tượng gian lận sử dụng điện chỉ thao tác thủ công để ăn cắp điện như câu móc trực tiếp vào dây điện trên lưới, không qua công tơ, cắt niêm phong chì, tác động làm cho đĩa công tơ không quay, mổ cáp công tơ... thì nay, hành vi "ăn cắp điện" phổ biến là cách gắn thiết bị máy tạo dòng làm sai lệch dòng điện đi qua công tơ; đảo sơ đồ đấu dây khiến công tơ không đo được lượng điện năng tiêu thụ.

Không những thế, nhiều chủ kinh doanh nhà trọ còn sử dụng một loại thiết bị khác là lắp máy điều khiển từ xa, được điều khiển qua điện thoại, remote. Với lợi thế nhỏ gọn, dạng máy này có thể được âm tường nên rất khó phát hiện. Chỉ cần đứng từ xa, bấm remote, người sử dụng hoàn toàn có thể điều khiển máy cô lập tín hiệu hệ thống đo đếm, làm nhiễu tín hiệu khiến công tơ không đo đếm được. Nhiều người còn tính toán việc ăn cắp điện một cách "bài bản" bằng cách âm tường hệ thống ăn cắp điện ngay khi xây dựng nhà ở, rất khó phát hiện".

Chị Hồng phàn nàn: "Đồng hồ lúc nào cũng thấy quay chóng mặt". 


Theo một chuyên viên của Sở Điện lực Hà Nội, địa bàn có tình trạng ăn cắp điện ít hơn một số địa phương khác: Tuy nhiên các đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện sai phạm từ các chủ nhà trọ. Họ sử dụng điện kế có gắn một thanh đồng đập dẹp, rộng khoảng 1 cm, một đầu của thanh đồng được mài bén và cong hình lưỡi liềm. Đầu thanh đồng này được đút luồn qua hộp nhựa của điện kế, tiếp xúc ngay với dây pha cáp muller tại bọt vào điện kế. Đầu còn lại của thanh đồng là phích cắm, ghim vào ổ cắm điện nằm bên phải điện kế, có tác dụng làm đĩa điện kế quay chậm lại hoặc không quay.

Câu chuyện ăn cắp điện cũng giống như ăn cắp nước. Chủ nhà trọ thuê hẳn người chuyên thiết kế công tơ nước, họ sẽ làm giảm hoá đơn tiền nước bằng việc cắt ngắn bánh răng nhựa phía trong đồng hồ để kim quay chậm lại. Có người thì sử dụng phương pháp thô sơ hơn đó là sử dụng những cục nam châm to bằng nửa viên gạch đặt phía trên đồng hồ để khống chế số nước hàng tháng.                    

 Vô tư áp giá "trên trời"
Theo tìm hiểu của PV, từ 3/2010, Bộ Công Thương đã có quy định ưu đãi giá điện cho người thuê trọ. Người cho thuê trọ được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành. Tuy nhiên, người đi thuê trọ lại không được các chủ nhà áp giá sinh hoạt bậc thang phải chịu giá trên trời. Khi người thuê nhà thắc mắc thì chủ nhà trọ đều lấy lý do là giá điện nhà nước tăng nên họ phải tăng theo.


Theo Đời sống&Pháp luật

Bình luận
vtcnews.vn