Lão nông và đàn rùa bạc tỉ

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 07/02/2012 01:00:00 +07:00

Với giá thành gần 30triệu/kg, đàn rùa nước 50 con trong nhà sẽ biến lão nông này thành tỉ phú.

Nói đàn rùa nước trong nhà ông Hoàng có giá bạc tỉ là không ngoa vì với giá thành gần 30triệu/kg, đàn rùa 50 con trong nhà sẽ biến lão nông này thành tỉ phú. Thế nhưng kiên quyết không bán đi con nào kiếm tiền sắm sửa, lão nông ôm mộng “cao xa” hơn: “Tui muốn chúng sinh sản nhân tạo thì mới kiếm bộn tiền”.

Tỷ phú không tiền


Ông Phạm Ngọc Hoàng (62 tuổi, ngụ khu phố 4, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) trước kia làm nghề buôn sái vàng khắp xứ từ Khánh Hòa, Ninh Thuận đến tận các tỉnh miền Nam xa xôi rồi chuyển sang nghề thu mua bán cá chình. Hai cái nghề gian truân không đem lại cho ông kết cục giàu có mà chỉ được đi nhiều đến phát mệt. Một lần vào miền Nam gặp một hộ nuôi nhiều giống rùa, trong đó có loài rùa nước đẹp mã nên ông nảy ý định nuôi rùa chơi.

Nói về cơ duyên này, ông Hoàng nhớ lại: “Những năm đó, tỉnh Phú Yên có phong trào nuôi ba ba, cá chình nên tui nghĩ bụng mình phải nuôi loại nào… khác người”. Ngày đó dù cũng rất hiếm gặp nhưng giá rùa nước rẻ rề, ông mua với giá chỉ vài chục ngàn một con. Ý định ban đầu là nuôi làm cảnh nhưng sau thấy dễ nuôi nên ông giữ đàn rùa đến tận bây giờ.

Suốt 15 năm thích ngắm rùa nước, nhiều người trong xóm cứ bảo “ông này bị hâm, khéo nuôi chi cái con vừa chậm chạp, vừa dơ bẩn, lại xui xẻo ấy”. Mặc thiên hạ “khen nắng chê mưa”, ông Hoàng “hâm” vẫn cứ “hâm”. Ai ngờ đến nay cái “hâm” của ông đã được không ít người gần xa thán phục khi chẳng hiểu vì lý do quái quỷ gì mà giá rùa nước lên đến gần 30 triệu đồng/kg, mỗi con rùa của ông đổi được đến cả hơn lượng vàng. Giờ người ta mới trầm trồ khen ngợi, bàn tán: “Cha này trúng mánh, có thời trồng lau ra lúa”.

Ảnh minh họa.

Đàn rùa của ông Hoàng hiện có hơn 50 con lớn nhỏ, trong đó có hơn 30 con đã trưởng thành, mỗi con có trọng lượng trung bình từ 1-1,5kg. Căn cứ theo giá thị trường ở thời điểm này (khoảng 27 triệu đồng/kg), ông cũng đã có cả tỉ đồng. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ lại số rùa trên để nuôi và bảo tồn, ông Hoàng mặc nhiên trở thành “tỉ phú… không tiền”.

Đã có của lại còn phải cố công giữ, ông Hoàng tâm sự: “Quân săn bắt rùa dạo này biết nhà tôi có nhiều rùa nên thường đi ngang đi ngửa dòm ngó, tôi sợ chúng nó bắt trộm nên buổi tối phải ôm rùa vào tận trong buồng ngủ rồi ngồi canh giữ suốt đêm”. Bữa khách đến thăm nhà, đàn rùa vẫn “án binh bất động” trong phòng. Đưa chúng tôi vào xem đàn rùa, ông Hoàng phải dùng đèn pin bật sáng rồi chỉ cho khách xem từng con.


Trước tình hình đó, ông Hoàng đã vay mượn tiền đầu tư cả trăm triệu đồng làm chuồng điện kiên cố để bảo vệ các “cậu cưng” của mình.

Ông cho biết: “Những cái chuồng này được tôi thiết kế theo một mô hình vừa rộng rãi vừa chắc chắn, thông thoáng. Bên trong chuồng đảm bảo hợp môi trường tự nhiên của loài rùa như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, chỗ ăn, sân chơi, hệ thống thoát nước đặc biệt… Bên ngoài được bao bọc cốt sắt và các thanh sắt chắn. Chuồng nuôi chỉ có một cánh cổng cỡ vừa và một ổ khóa lớn sẽ chỉ mình tôi có chìa”.

Tính theo giá trị đàn rùa, ông Hoàng được mọi người phong là tỉ phú. Nhưng trên thực tế “tỉ” đâu chẳng thấy, ngược lại ông còn phải mang nợ vì nuôi dưỡng và bảo vệ đàn rùa. “Đã tốn tiền, còn phải mang tâm lý nơm nớp phòng kẻ gian”, lão nông này ca thán.

Thà chơi ngông còn hơn tham “ăn xổi”


Lão nông này có điều kiện kinh tế khá bình thường. Nếu bán cả đàn rùa thì ông có thể đổi đời, xây nhà lầu, mua xe hơi, chơi sang như những “đại gia” ở phố huyện này nhưng nói đến chuyện buôn bán, ông một mực quả quyết: “Đã giữ được gần 15 năm, nay sao lại bán”.

Lão nông lập luận: “Nếu loài rùa này thực sự quý thì nó sẽ không dễ mất giá. Tôi sẽ đầu tư nuôi, khi nào đã chủ động được nguồn giống mới tính chuyện bán. Còn nếu nó mất giá thì coi như mình lại thêm một chuyến… chơi ngông”.

Nghe chuyện ông Hoàng quyết nuôi rùa, đã có người cho rằng ông có tham vọng lớn, dèm pha “chim đậu không bắt lại bắt chim bay”. Thế nhưng theo ông, trước hết là loại vật này rất dễ nuôi, từ năm 2007 đàn rùa của ông có khoảng 30 con nhưng sau đó chúng đã “phập phù” sinh sản tự nhiên. Lúc đó loài rùa này chưa có giá trị kinh tế nên ông ít quan tâm, con nào sống được thì lớn, sống không được thì… chết.

Mãi về sau ông mới biết đây là một loại động vật quý hiếm, lại bị người ta săn lùng từ lâu nên có nguy cơ tiệt chủng. “Không ngờ giá rùa lại lên cao, thế là tôi nảy ý định cố tạo được đàn rùa giống nhiều hơn với hy vọng chúng sẽ sinh sản tự nhiên”, ông Hoàng “thuyết minh”.

Một “cộng sự đắc lực” tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho ông là cô con gái cưng. “Thấy tôi thích nuôi rùa nên nó đã tìm kiếm nhiều tài liệu cho tôi tham khảo, nghiên cứu”, ông nói. Hiện lão nông này đã sưu tầm được nhiều tài liệu về cách nuôi rùa nước và đầu tư chuồng nuôi chắc chắn, thoáng mát vừa bảo vệ vừa tạo điều kiện cho việc theo dõi rùa sinh sản, sinh trưởng.

Chưa biết hiệu quả của mô hình nuôi rùa nước sinh sản rồi hướng đến nuôi thương phẩm của ông Hoàng mang lại lợi nhuận thế nào, nhưng câu chuyện “có tiền tỉ mà vẫn nghèo” khiến nhiều người bật cười trước lý lẽ rất… ngông của ông nông dân Phạm Ngọc Hoàng.

Đào Tấn Trực - PLVN


Bình luận
vtcnews.vn