Lao động nữ được nghỉ trước và sau sinh 6 tháng

Thời sựThứ Ba, 19/06/2012 02:07:00 +07:00

(VTC News) - Theo Bộ luật lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua thì lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng.

(VTC News) – Theo Bộ luật lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua thì lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng.

Chiều 18/6, Bộ luật lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Một trong những nội dung quy định trong Bộ luật được đông đảo cử tri quan tâm là quy định về tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, Bộ luật giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

Theo Bộ luật lao động (sửa đổi) thì lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng, tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu không "tăng" lên 60 mà vẫn "dừng" ở 55 tuổi (Ảnh: Internet). 
Tuy nhiên, Bộ luật quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu thành 3 nhóm: nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể rút ngắn tuổi nghỉ hưu sớm hơn; nhóm lao động lao động làm công việc quản lý, nhóm khoa học có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu và Chính phủ sẽ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của 2 nhóm này.

Trước đó, thảo luận về quy định này tại Quốc hội, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, nam giới và nữ giới cần được làm việc như nhau, đánh giá thành quả lao động như nhau, quy hoạch như nhau, trừ trường hợp làm công việc trong môi trường độc hại, đặc thù thì mới nên cho nghỉ sớm. Theo đó, ĐB An đề nghị cả nam lẫn nữ đều quy định 60 tuổi nghỉ hưu.

Một nội dung khác quy định trong Bộ luật mới được thông qua này là thời gian nghỉ sinh của lao động nữ, theo đó, Bộ luật quy định: “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng”.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, sẽ linh hoạt là nghỉ 4 tháng đối với một số lao động làm việc ở lĩnh vực văn phòng, hành chính, tài chính, ngân hàng (có điều kiện chăm sóc con tốt và điều kiện làm việc không quá xa so với nơi ở - PV).

“Nghỉ xong 4 tháng họ (lao động nữ) và chủ DN thỏa thuận với nhau thì họ sẽ đi làm vào thời điểm sau 4 tháng. Còn nếu không thích đi làm sớm thì quyền của người phụ nữ là nghỉ 6 tháng, chính sách phải thực hiện đầy đủ cho họ. Với người đi làm sau 4 tháng, tức là sớm hơn 2 tháng thì chính sách DN phải trả cho họ cao hơn so với mức trả cho người nghỉ sinh không đi làm” – bà Mai nói.

Về giờ làm thêm, Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định: bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.

Cũng theo Bộ luật này, người lao động được nghỉ 10 ngày lễ, tết trong năm gồm: Tết Nguyên đán (5 ngày), Tết Dương lịch, Giải phóng miền Nam, Quốc tế lao động, Quốc khánh, Giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày). Ngoài ra, người lao động có thêm các ngày nghỉ không hưởng lương như đám hiếu hỉ của cá nhân và bố mẹ, anh chị...

Bộ Luật lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.Theo dự kiến, Chính phủ sẽ phải ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động (sửa đổi).

Cùng với Bộ luật lao động (sửa đổi), cũng trong chiều 18/6, Quốc hội cũng thông qua 4 dự án luật khác gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Kiều Minh

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn