Lao dốc thảm hại, Halico của ông chủ Johnnie Walker vẫn đặt kế hoạch thua lỗ

Kinh tếChủ Nhật, 10/06/2018 07:05:00 +07:00

Lao dốc thảm hại về mọi mặt trong kinh doanh, “cá bé” Halico của Tập đoàn Diaego – ông chủ thương hiệu rượu nổi tiếng Johnnie Walker - vẫn đặt kỳ vọng… thua lỗ.

Trong vài năm trở lại đây, Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) bỗng chốc nổi tiếng vì chuỗi ngày thua lỗ triền miên. Tính tới 31/12/2017, lỗ lũy kế của công ty này lên tới 255 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu chỉ là 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Halico còn lên mặt báo nhiều vì những thông tin tiêu cực về dàn lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ “bi kịch” của Halico, doanh nghiệp này còn phải chứng kiến các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng khác đồng loạt thụt lùi so với…. 11 năm trước.

Điều đáng nói, Halico thụt lùi sau khi trở thành “cá bé” của “cá lớn” là Tập đoàn Diaego. Ở Việt Nam, Diaego là cái tên xa lạ nhưng nó sẽ trở thành quen thuộc khi gắn với thương hiệu rượu Johnnie Walker. Dieago là ông chủ của Johnnie Walker.

Thụt lùi so với 11 năm trước

Giới đầu tư đã quá quen thuộc với tình trạng thua lỗ của Halico. Vì vậy, con số lỗ lũy kế 255 tỷ đồng không khiến họ giật mình. Tuy nhiên, không ít người vẫn cảm thấy sốc khi biết ngoài lợi nhuận, các chỉ tiêu quan trọng khác của Halico đều giảm mạnh so với 11 năm trước.

vodka_vkne

Halico thụt lùi sau khi trở thành “cá bé” của “cá lớn”  là Tập đoàn Diaego.  

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của ông lớn ngành cồn rượu chỉ là 658 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng, tương ứng 2,2% so với năm 2007. Hàng tồn kho là chỉ tiêu giảm sâu nhất khi giảm từ 248 tỷ đồng xuống 193 tỷ đồng.

Trước đây, những thương hiệu của Halico như Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội, Vina Vodka, Vodka 94 Lò Đúc, Ba Kích Sealion... rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng hiện nay, “cơn lốc” rượu ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đã khiến thị phần của những sản phẩm kể trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính vì vậy, sau 11 năm, doanh thu của Halico lao dốc trầm trọng. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Halico năm 2017 chỉ còn 126 tỷ đồng, giảm 415 tỷ đồng, tương đương 76,7% so với năm 2007. Doanh thu giảm nhưng các chi phí lại tăng mạnh nên Halico thua lỗ là kết quả tất yếu có thể nhìn ra.

Vẫn kỳ vọng thua lỗ

Nhìn vào các số liệu kinh doanh của Halico, bất cứ cổ đông nào cũng không khỏi lo lắng và không nhìn ra điểm sáng cho hoạt động của công ty này. Với dàn lãnh đạo, có lẽ họ cũng có…. viễn cảnh như vậy nên trong năm 2018 và 2019, Halico vẫn đặt kế hoạch thua lỗ dù công ty nỗ lực đẩy mạnh đà tăng trưởng doanh thu.

hobiendatvangcongnghiep94loducthanhcaooc1520248032_1

Halico cho biết công ty sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số lượng các nhà phân phối, từng bước tăng thị phần tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Cụ thể, trong thời gian tới đây, Halico cho biết công ty sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số lượng các nhà phân phối, từng bước tăng thị phần tiêu thụ trên thị trường nội địa. Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ bán hàng.

Ngoài ra, Halico sẽ đầu tư thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng để thỏa mãn tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Halico kỳ vọng đối tác Diaego sẽ góp phần không nhỏ giúp Halico bứt phá. Theo Halico, trong năm 2019, Công ty sẽ tiếp tục sản xuất, xuất khẩu một số sản phẩm rượu cho Diaego với doanh thu xuất khẩu đạt 100 tỷ đồng, mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu các năm tiếp theo là 30%.

Những nỗ lực kể trên sẽ giúp Halico tăng tốc. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 191 tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng 52,34%) và 228 tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng 19,42 tỷ đồng).

Có thể thấy, Halico đang chờ “chiếc phao cứu sinh” từ xuất khẩu khi mà thị trường trong nước ngày càng trở nên khó cạnh tranh. Con số kế hoạch trong năm 2019 cho thấy rõ điều đó.

Nếu thực tế diễn ra theo đúng kế hoạch, doanh thu từ xuất khẩu năm 2019 của Halico sẽ chiếm tới 43,9% tổng doanh thu.

Đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng rất mạnh trong bối cảnh chỉ tiêu này đang lao dốc, Halico khiến nhà đầu tư lo lắng. Và nhà đầu tư lo lắng hơn khi biết ngay cả khi doanh thu bứt phá, Halico vẫn chìm trong vòng xoáy thua lỗ.

Theo kế hoạch, trong năm 2018 và 2019, Halico tiếp tục lỗ 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng. Nếu điều này xảy ra, tới cuối năm 2019, lỗ lũy kế của Halico đã lên tới 366 tỷ đồng, cao hơn 166 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu.

Ngày 8/6, lần đầu tiên Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội - Halico (chủ sở hữu thương hiệu Vodka Hà Nội) giao dịch 20 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã HNR. Giá tham chiếu ngày đầu tiên ở mức 31.900 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch không phát sinh đột biến, chỉ có duy nhất 1 lệnh đặt mua trong sáng nay.

Video: Bộ Công thương lên tiếng về kết quả kiểm toán của Sabeco 

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn