Lãnh đạo VFF có dám uống 'rượu tự trọng'

Thể thaoThứ Ba, 04/12/2012 03:12:00 +07:00

Năm ngoái, sau thất bại của ĐT Việt Nam ở SEA Games 26 , CĐV Việt Nam đã gửi qua đường bưu điện kính biếu 19 thành viên Ban chấp hành VFF 19 chai rượu.


Năm ngoái, sau thất bại của ĐT Việt Nam ở SEA Games 26 , CĐV Việt Nam tại Cần Thơ, Bình Dương và TP.HCM đã gửi qua đường bưu điện kính biếu 19 thành viên Ban chấp hành VFF 19 chai rượu.

Các chai rượu vang này được gắn lại mác và có tên mới “Rượu tự trọng”. Đi kèm “tặng phẩm”, các CĐV còn nhắn gửi: “"Các vị đã vinh dự được người hâm mộ bầu chọn để lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam, chúng tôi xin biếu các vị 19 chai rượu tự trọng với lòng thành kính mong mỏi các vị nêu cao sự công tâm, tin thần fair-play để dẫn dắt nền bóng đá Việt Nam đến những đỉnh cao mới, tránh tụt hậu".

Có sếp VFF nào dám uống rượu tự trọng?

Tất nhiên 19 chai rượu gửi đi và không ai ở VFF đủ dũng cảm (và có thể cả tự trọng) để nhận nó.

Cho đến nay 19 chai “rượu quý” ấy được bảo quản cất giữ cẩn thận ở một hầm rượu vang Úc nổi tiếng tại TP.HCM.

Hôm qua, lại vẫn những CĐV ấy nhắn rằng sẽ lại gửi rượu đi nhưng thay vì 19 chai cho 19 vị trong BCH VFF như năm ngoái thì lần này họ chỉ gửi đi có 3 chai.

*Chai rượu tự trọng thứ nhất: gửi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Ông Nguyễn Trọng Hỷ là người tốt, tất nhiên. Nếu không tốt thì chắc chắn không thể ngồi ghế chủ tịch VFF mấy nhiệm kỳ, cụ thể tính đến nay đã là năm thứ 7 rồi.

Thế nhưng việc ông Hỷ có tầm nhìn mang tính chiến lược hay không thì có thể nhìn vào những quyết định mang tính thời vụ của ông chủ tịch.
 Ông Nguyến Trọng Hỷ ngồi "hơi cao và hơi xa"

Một người mang trọng trách định hướng cho nền bóng đá đã để V.League mất phương hướng. Tầm nhìn xa nhất của ông Hỷ chính là tầm nhìn về bản quyền truyền hình V.League ký kết với AVG tới 20 năm. Tuy nhiên sau một hồi tranh cãi giữa VPF và AVG thì cái tầm nhìn ấy trở thành tầm thường khi AVG “đột ngột” trả quyền khai thác cho VPF một cách không thể bất ngờ hơn. Tầm nhìn 20 năm thành tầm nhìn 2 năm.

 
Nếu nhận khuyết điểm rồi bỏ đó, nhận trách nhiệm để tồn tại thì tôi nhận cả đời cũng được

HLV Lê Thụy Hải
 
Riêng việc quản lý đội tuyển, chuyện HLV nội hay ngoại dẫn dắt cũng luôn là bài toán nhất thời. HLV trưởng nội, lúc không cho kiêm nhiệm, lúc không rồi lại đồng ý để HLV kiêm cả ĐTQG lẫn CLB.

Chủ tịch một Liên đoàn bóng đá không quyết định được việc có dung cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam hay không.

Và đến thất bại ở AFF Cup, vai trò và trách nhiệm của ông Chủ tịch VFF cũng “cao tít” như vị trí ông chọn ngồi trên khán đài trong trận thua Philippines.

Trước khi ĐTVN lên đường, ông Chủ tịch VFF nói với báo chí rằng “Chỉ tiêu mà chúng tôi đặt ra cho đội tuyển là vào chung kết, sau đó phấn đấu vô địch” và “Sẽ có mức thưởng khủng khiếp cho đội tuyển nếu thi đấu tốt. Tôi nghĩ các cầu thủ cũng biết chuyện này, nhưng đây không phải là lúc để chúng tôi tiện công bố”.

Có hai vấn đề ở đây, việc giao chỉ tiêu cho một đội tuyển dễ dàng như là đi mua con gà ở chợ, không hề có một căn cứ cơ sở nào. Có thể ông Chủ tịch không được cấp dưới tư vấn nên không biết ĐT Việt Nam gặp đối thủ nào cũng thấy lạ, cũng bị họ bắt bài và ghi bàn đều đặn. Không biết mình yếu ở đâu, không biết các đối thủ mạnh chỗ nào, vậy mà vẫn đặt ra chỉ tiêu bán kết, rồi phấn đấu vô địch.

Nếu ông Hỷ cho rằng ĐT Việt Nam chịu nhiều sức ép từ người hâm mộ (vì người hâm mộViệt Nam yêu bóng đá quá) thì cái chỉ tiêu kia, với lời hứa “Sẽ có thưởng khủng khiếp nếu thi đấu tốt”, (ăn thua là ở chữ “nếu”) liệu có phải chính là sức ép đối với cầu thủ hay không?

Cái kiểu “thích thì thưởng- không thích thì thôi” rất tùy hứng là thái độ làm việc rất kém chuyên nghiệp. Thưởng hay không thưởng phải đều có lý do. SEA Games trước, nổi hứng lên thì tuyên bố thưởng 1 triệu USD. Năm nay mất hứng thì tuyên bố thưởng…0 đồng (hoặc nói là khủng nhưng chẳng ai biết khủng bao nhiêu, cỡ nào).

 Ông Hỷ xin lỗi đã thành thói quen?

Và đơn giản với cương vị đứng đầu, sau mỗi thất bại, người ta lại thấy ông Chủ tịch xin lỗi, như đã xin lỗi sau thất bại ở SEA Games 2009, sau thất bại ở AFF Cup 2010, thất bại ở SEA Games 2011 và bây giờ là AFF Cup 2012.

Bài ca xin lỗi như thể bản nhạc chỉ có một nốt, nhai đi nhai lại tới mức nhàm chán.

Trên báo Lao động, cựu HLV Lê Thụy Hải nhận xét “Tôi thấy Chủ tịch VFF đã mau mắn nhận trách nhiệm về thất bại của ĐTVN trên báo chí. Nhưng nếu nhận khuyết điểm rồi bỏ đó, nhận trách nhiệm để tồn tại thì tôi nhận cả đời cũng được”.

Vâng nếu chỉ xin lỗi như thế thì ai chẳng làm được. Mời ông một ly rượu…tự trọng.

*Chai rượu tự trọng thứ hai: gửi Tổng Thư Ký VFF Ngô Lê Bằng

Ông Ngô Lê Bằng lên thay ông Trần Quốc Tuấn đã non 10 tháng. Cũng phải nói rằng ông Bằng là dân bóng đá nên hẳn thừa hiểu mình được vào “sân VFF” trong vai trò cầu thủ dự bị khi cầu thủ đá chính (nguyên TTK Trần Quốc Tuấn) bị thẻ đỏ. Nghĩa là anh chỉ ở “đội hình 2”.

Ông Ngô Lê Bằng bị đánh giá là không có đủ cái uy của một vị tướng

Cũng như ông Hỷ, ông Ngô Lê Bằng là người tốt, được người trong nghề yêu thương. Nhưng cũng phải nói thẳng với nhau là cái “dung nhan” lúc nào cũng khổ khổ của ông Bằng không hợp với vai trò làm quan, nhất là quan bóng đá, đặc biệt ở mảng đối ngoại của chức danh Tổng thư ký VFF. Người biết tướng số nói là mặt không “vượng”. Nói túm lại, ông Bằng thiếu cái uy, thiếu cả cái “khôn ăn người” của những người tiền nhiệm.

Bởi thế, ông Bằng chưa bao giờ thoái khỏi cái vẻ lành lành đúng chất của một anh trợ lý ngay cả khi ông làm Tổng thư ký VFF hay vai trò trưởng đoàn ĐT Việt Nam dự AFF Cup 2012.

 

Tôi ngạc nhiên trước sự yếu kém của đội tuyển

Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng
 
Trong khi ĐT  Việt Nam cần một cái oai (để cân bằng với với không khí gia đình mà HLV Phan Thanh Hùng tạo ra ở đội tuyển) thì ông trưởng đoàn Ngô Lê Bằng lại gây ấn tượng với hình ảnh mặc áo phông, lao vào sân đá tập với cầu thủ hay lúi húi nhặt chai nước, cọng rác mà cầu thủ bỏ lại sau buổi tập.

Cái khuôn mặt nặng trĩu của ông Bằng cứ lặp đi lặp lại trong các trận đấu, bắt đầu từ trận hòa Myanmar. Quả thật, người ta trông chờ ở ông Ngô Lê Bằng nhiều hơn thế, đặc biệt là trong những thời điểm đội tuyển khó khăn.

Ông Bằng không hoàn thành vai trò “Tổng tư lệnh” của mình. Thậm chí, lời xin lỗi rất chân tình của ông Bằng sau trận thua Philippines cũng chỉ được cho là lời xin lỗi mang tính cá nhân, rằng vị trí trưởng đoàn không hoàn thành nhiệm vụ.

Và nữa, người ta có thể thông cảm với ông Bằng nhiều chuyện, cho đến phát biểu sau trận thua Thái Lan: “Tôi ngạc nhiên trước sự yếu kém của đội tuyển” thì lại rất không ổn. Ngạc nhiên nghĩa là không biết tại sao đội thua, ngạc nhiên là vì không biết có chuyện gì thực sự đang xảy ra ở đội tuyển.

Nếu một người được giao trách nhiệm trưởng đoàn, ăn ở cùng các cầu thủ mà cũng “ngạc nhiên” như vậy thì người hâm mộ biết tin vào ai?

Ông Ngô Lê Bằng dọn dẹp hộ các cầu thủ sau buổi tập

Ông Bằng nói trước thềm AFF Cup: "Tôi thực sự hài lòng và tin tưởng những gì ĐTVN đang làm. Bóng đá sẽ có thắng, có thua và chẳng ai dám khẳng định mình sẽ mạnh mãi mãi. Tuy nhiên có một thứ mà tôi chắc chắn rằng, ở ĐTVN luôn có khát khao cống hiến. Đó chắc chắn là tiền đề cho những thành công sau này".

Những gì diễn ra đã trái ngược với sự tin tưởng của người đứng đầu cấp điều hành VFF.

Vậy thì ông Bằng uống rượu tự trọng được chưa?

*Chai rượu tự trọng thứ ba: gửi Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung

Ông Nguyễn Lân Trung được coi là người có nhiều chức danh nhất ở VFF như Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội, Phó chủ tịch Hội các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó chủ tịch kiêm TTK Hội hữu nghị Việt Pháp, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN…

Ông là Tiến sỹ ngôn ngữ? Tất nhiên rồi và ở VFF ông là Phó chủ tịch phụ trách mảng truyền thông. Khi đội tuyển dự AFF Cup, ông đi theo đoàn với chức danh rất quen thuộc là "người phát ngôn".

Cách Phó chủ tịch Nguyến Lân Trung gánh vác trách nhiệm

Khác với khuôn mặt khắc khổ, già trước tuổi của ông tổng thư ký Ngô Lê Bằng, ông Trung lại có dáng vẻ trẻ trung tới mức người ta khó đoán tuổi. Chỉ thấy ông hay cười, nháy mắt một cách tinh nghịch, thậm chí còn nhảy vào sân đá bóng cùng cầu thủ dù ai cũng nhận thấy ông gần như không hề biết đá bóng.

Ông Lân Trung- với thế mạnh ngôn ngữ của mình đã cố gắng bảo vệ đội tuyển bằng...ngôn ngữ. Khi một tờ báo lớn phản ánh về chuyện HLV Phan Thanh Hùng phải « bay như chim » để gặp một lãnh đạo cấp Bộ thì ông Trung đã mau mắn lên tiếng là « không nên có những thông tin làm rối đội tuyển trước khi thi đấu.

Trước trận đấu với Thái Lan, ông Lân Trung tuyên bố trước báo giới: "Đội tuyển sẽ thi đấu chết bỏ  với Philippines".

Nghe câu này thì người hâm mộ giật mình "đá bóng chứ có phải gì đâu mà phải đá chết bỏ?". Còn giới chuyên môn thì cười thầm: "Ông ấy có vào sân đá đâu mà chết bỏ. Phát ngôn như thế chỉ làm cho cầu thủ thêm gánh nặng tâm lý". Y như rằng, trái ngược với tuyên bố đanh thép, ĐT Việt Nam đá èo uột và thua tệ hại. Đơn giản là khẩu hiệu "Đá chết bỏ" là của ông phó chủ tịch chứ đâu phải của cầu thủ?

Mấy năm trước, ông Lân Trung, trong vai trò là người nhiều năm nắm cương vị Bí thư Đoàn trường ĐHQG có nói một câu rất hay nhân Đại hội Đoàn: "Cần xóa bỏ hiện tượng "quan" Đoàn và máy nói".

Ấy vậy mà ở chính VFF, không chỉ với ông Trung, người ta đã thấy quá nhiều máy nói, "quan" bóng đá trong bộ máy lãnh đạo Liên Đoàn.

Tuyển Việt Nam có cùng nhìn về một hướng trên đất Thái (Ảnh: Quang Minh)

Một năm trước, sau thất bại của ĐT U 23 Việt Nam tại SEA Games, một nhà báo, chắc từng là học trò của ông Lân Trung đặt một cái tít: "Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung: Đến lúc rồi, thưa thầy". Bài viết có đoạn (xin trích) :
 
"...sau những biến cố xảy ra với bóng đá Việt Nam, hay mùa giải 2011, người phát ngôn chính thức của VFF đã khiến mọi chuyện càng tệ hơn với những phát biểu mà phải nói thẳng rằng là vô cùng ngớ ngẩn của mình. Chẳng biết, tất cả những phát ngôn ấy có nhận được sự đồng thuận của tổ chức mà mình đang làm việc hay không, nhưng xin thưa rằng là rất nghiệp dư và phản cảm.

Điển hình cho điều đó chính là những phút đăng đàn phát biểu rất hoành tráng giải thích về nguyên nhân U23 Việt Nam thất bại tại SEA Games 26, về những vấn đề của V-League...

Thế nên, giờ là lúc ông cần phải dừng lại

Những lần đăng đàn ấy, khiến những học hàm, học vị và cả truyền thống của một gia đình giỏi giang của sếp Phó chủ tịch mất hẳn trong con mắt của người hâm mộ bóng đá Việt Nam...

Ở trường, hay trong các hiệp hội mà PGS Tiến sỹ Nguyễn Lân Trung có mặt, hẳn phải nhận được sự tôn trọng rất lớn của các học trò, đồng nghiệp, nhưng ở vai trò Phó chủ tịch VFF thì không.

Có thể thông cảm một chút khi mà VFF chẳng tốt đẹp gì (bởi nếu có đã chẳng phải ầm ĩ suốt thời gian qua như thế), nên cũng "tội" cho ông Nguyễn Lân Trung lắm.

Nhưng với một người học rộng, hiểu nhiều như thế lẽ ra vị PGS - Tiến sỹ này cũng sẽ phải nhận ra được những bất cập, và cả sự thối nát của một bộ máy tưởng chuyên nghiệp nhưng lại rất nghiệp dư ấy mà rút ra.

Chắc phải dừng lại thôi, thưa thầy, thưa PGS - Tiến sỹ Nguyễn Lân Trung, bởi có lẽ ông không hợp với môi trường bóng đá Việt bây giờ. Và công việc tốt hơn, đáng làm hơn chính là rút ra khỏi nơi hỗn mang ấy và trở về với sự nghiệp khác, phù hợp và có ích hơn..."

Và bây giờ, không cần phải thêm một dòng nào, chỉ cần nhắc lại "Đã đến lúc rồi đấy, thưa Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung".


Nhật Thành (Thể thao 24h)










Bình luận
vtcnews.vn