Làng heo đất ra đời hơn 50 năm trước ở Bình Dương giờ ra sao?

Kinh tếThứ Hai, 04/02/2019 07:50:00 +07:00

Từ hàng trăm hộ chuyên làm heo đất, đến nay làng nghề heo đất truyền thống ở phường Lái Thiêu (Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) chỉ còn hơn 20 hộ, nhưng các nghệ nhân vẫn đang từng ngày ầm thầm phục hưng lại một làng nghề truyền thống hơn nửa thế kỷ.

Làng heo đất là tên gọi dùng để chỉ một khu vực chuyên làm heo đất truyền thống lâu đời ở phường Lái Thiêu (Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) ra đời cách đây gần nửa thế kỷ.

Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của những người làm heo đất tại đây vì lượng hàng cần để phục vụ cho thị trường Tết đang tăng cao, nhất là khi linh vật của năm mới này lại là con heo.

Trước đây, mỗi hộ làm heo đất tại Lái Thiêu thường thực hiện tất cả các công đoạn từ “A - Z”. Nhưng vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của chính quyền tỉnh Bình Dương là di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, nên hiện nay các hộ dân tại đây không còn tự nhào bột nung heo nữa.

heodat

Heo đất thô được người dân ở phường Lái Thiêu nhập về để thực hiện việc sơn và trang trí. 

Thay vào đó, một số hộ dân tại làng nghề Lái Thiêu nhập heo thô từ Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) về để sơn, trang trí và bán lại cho thương lái. Từ đây, heo đất cũng không còn được sản xuất theo dây chuyền khép kín nữa, mà đã hình thành việc phân chia công đoạn giữa các hộ sản xuất như có hộ chuyên bán đất sét, có hộ chuyên nặn và nung heo, có hộ làm trang trí, hoàn thiện sản phẩm.

Vừa đặt chân đến khu làng nghề đã nghe phảng phất mùi sơn trộn lẫn xăng thơm, đi sâu vào bên trong là những chồng heo đất được xếp gọn gàng chuẩn bị đưa xuống ghe cho thương lái chở đi nơi khác.

Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, thời hoàng kim, vùng Lái Thiêu có hơn 200 hộ làm heo đất, thế nhưng trải qua nhiều thăng trầm, đến nay chỉ còn hơn 20 hộ nằm rải rác.

heodat6

 Nghề làm heo đất rất độc hại vì thường xuyên phải tiếp xúc với mùi sơn và xăng rất nồng nặc, chưa kể phải ngồi liên tục nhiều tiếng.

Theo nhiều nghệ nhân, làm heo đất thu nhập bấp bênh, lại độc hại, nên những thanh niên của làng sau này không ai còn mặn mà với nghề truyền thống do cha ông để lại. Những người còn tiếp tục làm nghề phần lớn là phụ nữ và người già còn nặng tình với cục đất sét.

Bà Nguyễn Thị Tư, một nghệ nhân chia sẻ: “Tôi đã làm nghề này hơn 30 năm, công việc này nó như ngấm vào máu của tôi rồi, đến nay chúng tôi còn làm là vì yêu nghề”.

Theo bà Tư, công việc làm heo đất rất vất vả, người nghệ nhân cần chịu khó, tốn thời gian tỉ mỉ từng chút một để tô điểm cho mỗi chú heo đất. Phải ngồi từ sáng đến tối với một tư thế cùng với việc ngửi mùi sơn nồng nặc liên tục nhiều năm khiến đa số những người làm nghề đều mắc một số chứng bệnh về hô hấp và cột sống.

heodat11 3

 Để tạo ra một con heo đất hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ.

“Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 100.000 - 150.000 đồng, nhưng có hôm phải ngồi đến 14 tiếng, mức thu nhập này quá thấp nên chẳng còn ai mặn mà để làm là đúng rồi”, bà Tư chia sẻ.

Trong khi đó, ông Tâm, chủ một cơ sở nhỏ có 3 đời làm nghề đất ở Lái Thiêu nói: “Trung bình mỗi tháng tôi xuất đi được khoảng 100.000 con heo, dự kiến dịp Tết Kỷ Hợi sẽ cao hơn.

Một con heo đất khi đã thành phẩm được bán cho thương lái với giá 8.000 đồng, trừ các khoản chi phí thì chỉ lãi 1.000/con. Với mức lãi đó thì chẳng có ai ở đây xác định làm giàu bằng con heo đất cả. Những nhiều gia đình còn tiếp tục làm heo đất  chủ yếu là do truyền thống hoặc do yêu nghề mà thôi”.

heodat13 4

Hiện nay heo đất ở Lái Thiêu đã được xuất khẩu đi một số nước trong khu vực Đông Nam Á. 

Đứng trước nguy cơ làng nghề độc đáo có truyền thống lâu đời này sẽ bị mai một, những năm gần đây, chính quyền tỉnh Bình Dương đã bắt đầu chú trọng đầu tư để giữ gìn làng heo đất Lái Thiêu.

Theo Câu lạc bộ heo đất Thuận An, được sự giúp đỡ của các ngân hàng, chính sách xã hội, các khu du lịch... heo đất Bình Dương đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề Lái Thiêu không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã bắt đầu được xuất khẩu ra nước ngoài như Campuchia, Myanmar, Thái Lan,… và dự kiến sẽ còn có những bước tiến xa hơn trong năm 2019.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn