'Lang băm' khám bệnh, bán thuốc khắp nước, cả ngàn người 'tiền mất tật mang'

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 25/04/2017 11:28:00 +07:00

Bà Nguyễn Thị Phú tự xưng mình là “lương y” tuyên bố chữa trị tận gốc bệnh tiểu đường, rồi mở phòng khám, bán thuốc khắp cả nước, dù không có bằng cấp, kinh nghiệm gì.

LTS: Thời gian qua, nhiều độc giả phản ánh đến Đời sống Plus về việc bà Nguyễn Thị Phú, ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội (trước đây ở Lương Sơn, Hòa Bình) buôn bán thuốc nam, chữa bệnh tiểu đường tràn lan trên mạng xã hội. Theo những người tố cáo này thì họ vô cùng bức xúc bởi bị bà Phú lừa gạt, bán "thuốc" với giá cắt cổ nhưng không có khả năng chữa bệnh, thậm chí khiến bệnh tình nặng thêm.

Điều tra, PV Đời sống Plus đã phát hiện sự nhiều sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh của "bà lang" này. Bất ngờ hơn, hoạt động sai trái, trục lợi trên trên lưng người bệnh ấy lại có sự tiếp tay, "bảo kê" của những người có chức, có quyền, đang làm công tác y tế, bảo vệ sức khỏe người dân ở huyện Chương Mỹ.

Lang băm "đội lốt" lương y

Quá trình tìm hiểu ban đầu, PV được biết nhiều năm trở lại đây, bà Nguyễn Thị Phú đã cho thành lập trang web: Luongynguyenthiphu.com và một nhóm công khai trên mạng xã hội Facebook có tên Lương y Nguyễn Thị Phú chữa bệnh tiểu đường.

Hinh anh  8

Trang website bà Nguyễn Thị Phú lập để quảng cáo về khả năng chữa bệnh tiểu đường của mình. 

Trên trang web và fanpage, bà Phú cho đăng tải nhiều thông tin quảng bá với những lời lẽ... trên trời về khả năng chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường của mình và thu gom các đơn đặt hàng của người bệnh để bốc thuốc.

Bên cạnh việc quảng bá về khả năng chữa trị, bà Phú còn tung nhiều thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh nếu không được chữa trị đúng cách khiến nhiều người hoang mang.

Lần theo số điện thoại liên hệ trên trang web, trong vai một người có nhu cầu chữa bệnh tiểu đường, PV đã liên lạc với "bà lang" này để tìm hiểu những nội dung độc giả phản ánh.

Hinh anh  9

Nhóm công khai trên facebook vừa có nhiệm vụ quảng cáo, vừa có nhiệm vụ nhận đơn đặt hàng của khách. 

Sau khi nghe trình bày nguyện vọng, một người phụ nữ tự xưng là “lương y” Nguyễn Thị Phú đã đồng ý cho PV địa chỉ để tìm đến khám bệnh.

Trước khi tắt máy, người này không quên chú thích địa chỉ phòng khám cho PV: “Em đi đến thị trấn Xuân Mai, xuôi theo hướng về Hòa Bình khi nào đến địa chỉ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Mai thì điện lại cho chị, sẽ có người ra đón em”.

PV tiếp tục hỏi: “Em trước kia cũng từng khám ở bên mình một lần ở địa chỉ Tiểu khu 10, Lương Sơn, Hòa Bình sao bây giờ phòng khám của mình lại chuyển ra thị trấn Xuân Mai rồi?”

Tin tưởng PV là khách đã từng thăm khám, người phụ nữ giải thích: “Đúng là trước đây phòng khám có ở địa chỉ đó, tuy nhiên bây giờ con gái chị sinh sống ở đây nên chị cũng chuyển phòng khám ra luôn”.

Phán bệnh chóng vánh, bán thuốc giá trên trời

Đúng lịch hẹn, PV tìm đến địa chỉ được cung cấp rồi điện lại cho bà Phú. Qua điện thoại, bà Phú cho biết chỉ cần đi ngược lại ra hướng ngã tư Xuân Mai khoảng 100m là đến.

Theo quan sát ban đầu, nơi đây là một căn nhà 4 tầng khang trang tọa lạc ngay mặt đường.

"Phòng khám" gây ấn tượng với nhiều người bởi có cái tên khá mĩ miều: Phú Xuân Đường. Trên tấm bảng hiệu có ghi thông tin người phụ trách chuyên môn là Nguyễn Thị Phú, giấy phép đăng ký kinh doanh được để trống. Thời điểm PV tìm đến là vào khoảng thời gian gần trưa nên lượng khách không có nhiều.

Tại căn nhà này, bà Phú sử dụng toàn bộ diện tích tầng 1 để làm nơi khám chữa bệnh, bốc thuốc và chia làm 2 khu riêng biệt. Bên ngoài là nơi để quầy, tiếp đón bệnh nhân, còn lại phía trong là nơi dành để kê đơn, lấy thuốc.

Cách bài trí đồ đạc ở đây khá giống với nhiều cơ sở bốc thuốc khác. Một bức tranh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác treo trang trọng phía trên chiếc tủ kính nhỏ. Gần sát đó là tấm bảng to ghi rõ giá thuốc là 160.000 đồng/thang.

Thấy khách đến, bà Phú đon đả mời ngồi trên một chiếc ghế tre còn mình thì ngồi trịch tượng phía bên trong quầy, bắt đầu quá trình khám bệnh.

“Em phát hiện mình bị tiểu đường lâu chưa, lượng đường huyết của em lần gần nhất đo là bao nhiêu?”, bà Phú cất giọng hỏi.

“Em cũng mới phát hiện mình bị sau Tết, thời điểm đó người cháu cứ uể oải, hay đau đầu và rất hay quên. Em có đi kiểm tra tại thời điểm đó lượng đường huyết là 8,5”, PV đáp lại.

Hinh anh  10

Những hình ảnh quảng cáo cho khả năng chữa bệnh của bà Phú được đăng tải trên website. 

Nghe thông tin bệnh nhân cung cấp, bà Phú liên tục đưa ra những nguy hiểm khôn lường của bệnh tiểu đường nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

“Như của em thế vậy là còn rất may đấy, nhưng theo như những đặc điểm mà em cho biết thì lượng đường bây giờ của em phải ở mức trên 10. Nếu không chữa trị nhanh chóng có thể mắc nhiều biến chứng như liệt, vô sinh,…thậm chí còn tử vong”, người đàn bà trung tuổi phán.

Tuy nhiên, chưa kịp để bệnh nhân nói, bà Phú áp dụng ngay biện pháp “vừa đấm, vừa xoa”, trấn an tinh thần con bệnh.

“Nguy hiểm thế vậy thật nhưng không sao, nhà chị có 3 đời hành nghề bốc thuốc chữa bệnh tiểu đường, đã chữa cho rất nhiều người lượng đường huyết còn cao hơn của em mà giờ bình thường hết rồi”, bà Phú nói.

Lồng ghép vào đó, vị "lương y" còn đưa ra hàng loạt các bệnh nhân “không nhớ hết tên” đã từng được bà chữa khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường để tạo niềm tin cho khách hàng.

Sau khoảng thời gian chóng vánh chẩn đoán bệnh mà không cần xem qua bất cứ kết quả xét nghiệm, bà Phú chuyển sang phần quảng cáo thuốc.

Bà cho biết, những người mắc bệnh tiểu đường nặng hay nhẹ cũng đều được chữa trị bằng 1 bài thuốc. Bài thuốc này có tác dụng làm giảm lượng đường huyết, đưa lượng đường huyết của bệnh nhân về mức ổn định.

“Chữa cái này cần kiên trì em ạ. Không phải ngày một, ngày hai là có thể khỏi bệnh được. Trước tiên chị cứ kê cho em 10 thang, mỗi thang là 160 ngàn đồng, về nhà em sắc đặc, ngày uống ba lần vào lúc lưng bụng.

Sau 3 lần nước em có thể sắc lại nhưng hiệu quả sẽ giảm đi. Tốt nhất là em cứ một ngày uống một thang, hiệu quả sẽ tốt hơn. Dùng xong 10 thang thì em đi xét nghiệm đường huyết, nếu thấy có sự thay đổi thì lại tiếp tục dùng thuốc”, bà Phú hướng dẫn.

PV thắc mắc: “Từ Tết đến giờ em cũng chưa đi khám, không biết lượng đường huyết thế nào, thì dùng thuốc này có làm sao không?”

Nghe xong, bà Phú cho biết bài thuốc của gia đình bà có tác dụng vừa chữa trị, vừa phòng ngừa, chỉ có tốt chứ không có hại.

Với những người đã mắc bệnh tiểu đường, thuốc có tác dụng kìm hãm và đưa lượng đường trong máu về mức bình thường, còn với người chưa mắc, thuốc có tác dụng thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

PV tiếp tục đặt vấn đề về việc nhà ở xa, việc đi lại không tiện thì được bà Phú mách nước cho cách lấy đủ uống 1 tháng (khoảng 30 thang) hoặc chuyển tiền, cho địa chỉ, phòng khám của bà Phú có trách nhiệm gửi thuốc về tận nhà người bệnh.

Sau khi đã tìm hiểu được quy trình khám chữa bệnh của lương y Nguyễn Thị Phú, PV lấy lý do đi vào bệnh viện kiểm tra lượng đường huyết rồi sẽ quay trở lại để lấy thuốc rồi rút êm...

Thuốc chỉ "công hiệu" với người ở xa

Như thông tin Đời sống Plus đã đăng tải ở kỳ trước, sau khi tiếp nhận thông tin về việc lang băm Nguyễn Thị Phú tự xưng “lương y” bán thuốc chữa bệnh tiểu đường tràn lan trên mạng xã hội khiến độc giả vô cùng bức xúc, PV đã trực tiếp đến tại phòng khám của bà Phú, chứng kiến màn phán bệnh chóng vánh và bán thuốc với giá trên trời của vị “lương y” này.

Trước đó, khi tiếp nhận thông tin của độc giả, PV đã dành thời gian tìm hiểu về phòng khám của bà Phú qua một số người sinh sống xung quanh. “Không biết”, “làm gì có khả năng chữa bệnh”, “toàn lừa đảo”, “Xuân Mai đầy người bị tiểu đường nhưng có ai đến đấy khám”… là một trong số nhiều cụm từ được người dân ở đây nói về bà lang Phú.

Ông B., một người bán hàng nước cách phòng khám vài chục mét bất ngờ khi biết PV tìm đến phòng khám của bà Phú để bốc thuốc.

“Bà ấy làm gì có khả năng chữa bệnh! Như ở Xuân Mai có khối người mắc bệnh tiểu đường nhưng nào có ai đến khám chỗ bà ấy bao giờ. Chủ yếu là những người ở xa không biết thì tìm đến chứ dân ở đây ai mà dám đến đó khám”, ông B. cho hay.

Nằm đối diện phòng khám của bà Phú, một chủ một quán cơm cho biết, cơ sở này hoạt động ở đây đã 2 năm nhưng  họ không hề biết về việc người đàn bà tên Phú có khả năng chữa khỏi bệnh tiểu đường. “Nay cậu bảo thì tôi mới biết chứ trước giờ có ai biết bà ấy chữa được bệnh. Tôi cũng thấy có nhiều người đến khám nhưng hình như là khám bệnh khác chứ không phải tiểu đường”, người này cho biết.

Hinh anh  7

Phòng khám Đông y Phú Xuân Đường được bà Phú sử dụng làm nơi bốc thuốc. 

Nhắc tới người phụ nữ có khả năng chữa bệnh "thần kỳ", ông K., cũng một người dân địa phương bức xúc: “Cứ ở đâu trôi dạt về đây xong mở phòng khám linh tinh hết cả lên. Tiểu đường chỉ có kiêng khem bệnh mới thuyên giảm chứ bảo chữa được thì chỉ có lừa đảo hết. Trước bà này cũng khám bệnh, bốc thuốc ở Lương Sơn (Hòa Bình), thấy người ta đồn làm ăn phát lắm, sau đó không hiểu vì sao mà lại chuyển về đây”.

Được biết, căn nhà trước đây thuộc gia đình một người phụ nữ tên Hoa làm chủ, bà Phú thuê lại chứ không phải là nhà của con gái như thông tin đã cung cấp trước cho PV. Tại địa điểm nơi "lương y" Phú mở phòng khám chỉ có 3 người phụ nữ, những người này rất ít khi đi ra ngoài. 

Từng bị xử phạt, cấm hành nghề

Từ những thông tin người dân cung cấp, PV đã đi tìm câu trả lời từ phía cơ quan chức năng của huyện Lương Sơn, Hòa Bình, nơi trước đây bà Phú từng mở cơ sở bốc thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thực - Trưởng phòng Y tế huyện Lương Sơn cho biết, năm 2015, bà Nguyễn Thị Phú đã bị phạt hành chính, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động bốc thuốc chữa bệnh tiểu đường ở địa phương.

“Vào năm 2015, Phòng Y tế huyện Lương Sơn đã phối hợp với đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở khám chữa bệnh, bốc thuốc của bà Nguyễn Thị Phú. Hồ sơ lần kiểm tra đó cũng đã được bảo lưu trên Đội quản lý thị trường...”, ông Thực cung cấp.

PV cũng đã có cuộc trao đổi với Đội quản lý thị trường số 10 huyện Lương Sơn, đại diện cơ quan xác nhận thông tin bà Nguyễn Thị Phú đã từng bị kiểm tra, xử phạt về việc hành nghề bốc thuốc không có giấy phép kinh doanh.

Theo nội dung đơn vị này cung cấp, vào ngày 13/4/2015, Đội quản lý thị trường số 10 huyện Lương Sơn đã phối hợp với Phòng Y tế huyện Lương Sơn, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở bốc thuốc nam của bà Phú tại địa chỉ số 41, tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn.

“Quá trình kiểm tra, bà Phú không xuất trình được những giấy phép hành nghề do Sở Y tế cấp, bản thân bà Phú cũng không được học qua một trường lớp và đào tạo chuyên môn tại các trường y tế. Kết quả lấy mẫu bài thuốc do cơ sở của bà Phú bốc, cơ quan chức năng khẳng định đây không phải là bài thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Hinh anh  6

Bà Nguyễn Thị Phú từng bị Đội quản lý thị trường số 10 huyện Lương Sơn xử phạt hành chính 20 triệu đồng và cấm hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh. 

Chúng tôi đã xử phạt cơ sở của bà Phú 20 triệu đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 60 gói thuốc đã được đóng gói chờ gửi cho khác và cấm mọi hoạt động hành nghề của bà này”, đại diện cơ quan chức năng Lương Sơn cho hay.

Đại diện cơ quan chức năng cũng thông tin thêm, bà Phú xuất thân từ một gia đình nhà nông và hoàn toàn không có nghề bốc thuốc gia truyền. Trong quá trình kiểm tra, bà Phú cũng đã xác nhận nội dung này.

Còn theo ông Phương, Trưởng khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), căn nhà số 88, tổ 5, khu Chiến Thắng nơi bà Phú đang hành nghề bốc thuốc chữa bệnh tiểu đường không do bà Phú đứng tên thuê.

“Tôi đã cho kiểm tra, ra soát được biết căn nhà này không phải do bà Phú đứng tên thuê, bà Phú cũng đã đăng kí tạm trú, tạm vắng tại địa phương nhưng phía khu cũng không biết đến việc bà Phú mở phòng khám chữa bệnh tiểu đường tại đây”.

Sau khi bị kiểm tra và xử phạt ở Lương Sơn, bà Nguyễn Thị Phú dạt về thị trấn Xuân Mai, cấu kết với những người trong ngành hợp thức hóa giấy tờ phục vụ việc bán thuốc, lừa gạt người bệnh.

Thông tin bất nhất từ phía chính quyền

Như thông tin đã đăng tải ở những kỳ trước, bà Nguyễn Thị Phú đã từng mở cơ sở bốc thuốc Nam chữa bệnh tiểu đường ở số 41, tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình và bị cơ quan chức năng tại đây xử phạt vì không có giấy phép hành nghề.

Sau khi bị sờ gáy, bà Phú đã có thời gian bỏ nghề bốc thuốc. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, bà Phú đột nhiên xuất hiện, mở phòng khám Đông y mang tên Phú Xuân Đường ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) tiếp tục bốc thuốc chữa bệnh cho những người "nhẹ dạ cả tin".

Theo tìm hiểu của PV, việc mở phòng khám Đông y có quy định rất ngặt nghèo về chuyên môn của người phụ trách cũng như điều kiện về cơ sở vật chất.

Theo đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật của phòng khám phải là người có giấy chứng nhận lương y của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp tỉnh cấp, người có bài thuốc gia truyền hay có phương pháp chữa bệnh gia truyền có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.

Hinh anh  5

 Bà Phú đang ngồi trong quầy trực tiếp hỏi thông tin bệnh nhân.

Người được phân công thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại phòng chẩn trị y học cổ truyền phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn.

Tuy nhiên, dù không có chứng chỉ hành nghề nhưng bà Nguyễn Thị Phú vẫn ung dung mở phòng khám, bốc thuốc.

Ngày 10/4, trao đổi với PV về việc cơ sở khám chữa bệnh của bà Phú có giấy phép hành nghề hay không, đại diện UBND thị trấn Xuân Mai cho biết việc quản lý này không thuộc thẩm quyền của UBND thị trấn.

“Thực ra, UBND chỉ quản lý về đăng kí tạm trú, tạm vắng, an ninh trật tự còn về vấn đề phòng khám có giấy phép hành nghề hay không thì lại thuộc quản lý của Phòng Y tế huyện Chương Mỹ”, vị này cho biết.

Một vị khác cũng thông tin thêm, phòng khám Đông y Phú Xuân Đường đã được Phòng Y tế huyện Chương Mỹ kiểm tra nhưng giấy phép hành nghề không phải đứng tên bà Nguyễn Thị Phú.

Mang những thắc mắc trên trao đổi với đại diện phòng y tế huyện Chương Mỹ. Tại đây, PV được ông Nguyễn Văn Hà, phó phòng cho biết, trước đó đơn vị này đã có cuộc kiểm tra cơ sở hoạt động của bà Phú.

“Phòng Y tế cũng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chủ phòng khám cũng xuất trình đầy đủ giấy phép hành nghề, theo đúng quy định”, vị đại diện phòng y tế huyện Chương Mỹ trả lời.

Hinh anh  4

Mặc dù không có chuyên môn, không bằng cấp nhưng bà Phú vẫn vô tư khám bệnh, bốc thuốc ngay tại phòng khám. 

Khi được hỏi về việc giấy phép hành nghề của phòng khám đứng tên ai thì ông Hà trả lời rằng đứng tên bà Nguyễn Thị Phú.

Ngoài ra, ông Hà còn cung cấp thêm, trong lần kiểm tra đó bà Phú còn xuất trình được một bằng Bác sĩ Đa khoa chuyên môn 2 và đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. PV đã hỏi lại nhiều lần nhưng đại diện Phòng Y tế huyện Chương Mỹ đều khẳng định thông tin đó là đúng.

Từ những thông tin người đứng đầu cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí đã thấy xuất hiện những điểm không nhất quán. Với mong muốn làm đến cùng vụ việc, PV quyết định nhờ đến sự trợ giúp của chính quyền địa phương để có một buổi làm việc trực tiếp với bà Nguyễn Thị Phú.

Liên tục từ chối hợp tác

Trước những thông tin mập mờ từ phía cơ quan chức năng, PV đã liên hệ với bà Phú để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, ngày 10/4, PV cùng chính quyền đến phòng khám để liên hệ làm việc nhưng bà Phú luôn tìm mọi lý do từ chối mọi cuộc gặp với lý do đang đi công tác.

Chiều ngày 17/4, nhận thấy bà Phú đang có mặt tại phòng khám, PV đã cùng cơ quan chức năng cùng hợp tác làm việc ngay tại phòng khám.

Trong lần trở lại phòng khám Đông y Phú Xuân Đường đã có sự khác biệt rõ rệt: Tấm bảng hiệu vẫn ung dung đặt trước cửa phòng khám nhưng thông tin trên đó đã có sự thay đổi.

Tại mục người phụ trách chuyên môn không còn là bà Nguyễn Thị Phú nữa mà được thay bằng bà Nguyễn Thị Kim Đoan. Mục giấy phép hoạt động cũng được thêm vào là số 563/SYT.

Khi được cơ quan chức năng yêu cầu làm việc, bà Nguyễn Thị Phú vẫn quanh co không chịu hợp tác với lý do người chủ cơ sở đi vắng, bản thân không có thẩm quyền để trả lời. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết từ phía chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Phú buộc lòng phải ngồi vào bàn làm việc.

Hinh anh  3

 

Hinh anh

Với những khách hàng ở xa, bà Phú tư vấn qua điện thoại và nhận gửi thuốc tận nhà cho bệnh nhân. 

Tại buổi làm việc có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, bà Phú vẫn quanh co từ chối cung cấp thông tin những thông tin liên quan đến hoạt động của phòng khám. Đáng nói hơn, bà Phú còn không thừa nhận tên họ của mình. “Ở đây không có ai tên là Nguyễn Thị Phú cả”. Tuy nhiên, khi được PV đưa thông tin chính bản thân mình đã trực tiếp đến đây khám bệnh, bà Phú mới chịu thừa nhận.

Mặc dù vậy bà Phú lại cho biết mình chỉ là giúp việc cho gia đình người chủ và bản thân không biết bốc thuốc, chữa bệnh.

Lý giải về việc bản thân không có chuyên môn nhưng vẫn thực hiện việc tư vấn cho bệnh nhân khi đến khám, người phụ nữ này cho biết, bản thân bà đã làm việc ở đây lâu rồi được người chủ hướng dẫn những thông tin cơ bản về bệnh tiểu đường nên bà cũng biết cách tư vấn cho người bệnh.

Khi được hỏi về việc tự nhận là lương y chữa bệnh tiểu đường đồng thời lập ra website đăng nhiều bài viết quảng cáo, tư vấn và bán thuốc cho người bệnh, bà Phú không thừa nhận và cho biết bản thân không hề biết gì về việc đó. Sau khi được yêu cầu cho kiểm tra giấy phép hành nghề, bà Phú khẳng định phòng khám có giấy phép hành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời người này cũng từ chối cung cấp những giấy tờ này với nhiều lý do.

Tuy nhiên, với hành động quyết liệt từ phía chính quyền, bà Phú đã chịu mang những giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám ra.

Bất thường trong giấy phép kinh doanh

Như thông tin ở kỳ trước được đăng tải, trước những câu trả lời bất nhất từ phía chính quyền và cơ quan chuyên môn về việc hoạt động của phòng khám Đông y Phú Xuân Đường, PV đã nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng để đối chất trực tiếp với bà Nguyễn Thị Phú.

Sau thời gian đầu quanh co không chịu hợp tác với nhiều lý do, nhưng trước sự quyết liệt của chính quyền, bà Phú đành chấp nhận làm việc.

Bà Phú xuất trình một loạt các giấy tờ liên quan đến hoạt động của phòng khám. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những giấy tờ này đều không đứng tên bà Nguyễn Thị Phú mà lại mang tên bà Nguyễn Thị Kim Đoan.

Điểm bất thường thứ 2 trong các loại giấy tờ này là trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do Giám đốc Sở y tế Hà Nội cấp ngày 9/10/2015, phòng khám Đông y Phú Xuân Đường chỉ được phép hoạt động trong khoảng thời gian từ 17h đến 21h từ thứ 2 đến thứ 6.

Tuy nhiên, theo ghi nhận sau nhiều ngày quan sát, thâm nhập hoạt động của phòng khám Đông y Phú Xuân Đường làm việc liên tục tất cả các ngày trong tuần và bất kể thời gian nào.

Đem nghi vấn về những điểm bất thường này đối chất trực tiếp với bà Nguyễn Thị Phú, PV bất ngờ trước sự thay đổi thái độ của người phụ nữ này.

Theo đó bà Phú tiếp tục quay lại luận điểm cũ rằng bản thân bà không hề làm việc tại phòng khám cũng như phủ nhận thông tin bà sử dụng phòng khám này làm nơi khám bệnh, bốc thuốc sai quy định.

Trước thái độ bất hợp tác từ phía bà Nguyễn Thị Phú, PV buộc phải tìm câu trả lời từ phía lãnh đạo UBND thị trấn Xuân Mai.

Trao đổi với PV chiều ngày 17/4, đại diện UBND thị trấn Xuân Mai khẳng định đã tiến hành kiểm tra, phát hiện sai phạm cũng như niêm phong, tịch thu toàn bộ số thuốc dừng hoạt động khám chữa bệnh tại phòng khám Phú Xuân Đường.

“Nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, chúng tôi đã phối hợp với Trạm y tế thị trấn Xuân Mai tiến hành kiểm tra, phát hiện những sai phạm tại cơ sở này đồng thời cũng tịch thu toàn bộ số thuốc đã được đóng gói chuẩn bị giao cho khách, dừng hoạt động của phòng khám”, vị này thông tin.

Trước thông tin PV cung cấp về việc thời điểm hiện tại phòng khám vẫn đang thực hiện khám chữa bệnh, bốc thuốc vị này cho biết sẽ báo cáo vụ việc lên lãnh đạo cấp trên để xử lý rồi xin phép vì đang bận họp.

Dùng chiêu trò thương thảo, hối lộ tiền để mua chuộc báo chí

Không thỏa mãn trước câu trả lời của lãnh đạo UBND thị trấn Xuân Mai, PV tiếp tục tìm đến khoa Đông y của bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (nơi bác sĩ Nguyễn Thị Kim Đoan, người đứng tên trong giấy phép hoạt động của phòng khám Phú Xuân Đường) để tìm câu trả lời.

Biết tin PV đến liên hệ làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Đoan, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ ngay lập tức mời vào phòng riêng để nói chuyện.

Tại cuộc gặp diễn ra sau đó, trước những thông tin được chúng tôi đưa ra về sai phạm tại phòng khám do bà Đoan đứng tên, vị bác sĩ này liên tục phản bác.

Bà Đoan cho biết tại phòng khám của mình không có ai mang tên Nguyễn Thị Phú như PV đã thông tin.

“Tôi mở phòng khám đó để làm thêm ngoài giờ, trong thời gian tôi không làm việc chỉ có một người giúp việc phụ trách việc trông coi nhà cửa chứ không hề có ai tên Nguyễn Thị Phú”, bà Đoan chia sẻ.

Câu trả lời của bà Đoan hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung bà Nguyễn Thị Phú cung cấp trước đó rằng bà Phú chỉ là người giúp việc tại phòng khám do bà Đoan làm chủ.

Suốt trong thời gian làm việc, bà Đoan liên tục hỏi về việc tìm gặp bà với mục đích gì và nói chuyện bà từng tiếp rất nhiều nhà báo, người đến xin quảng cáo, bảo trợ thông tin tại phòng khám của bà.

Sau khoảng hơn 1 tiếng làm việc, PV liên tục đưa ra những bằng chứng về việc bà Đoan có quan hệ với bà Phú trong việc mở phòng khám để bán thuốc với mục đích trục lợi, sai quy định.

Biết không thể chối cãi những sai phạm của mình, bà Đoan thừa nhận việc có hợp tác với bà Phú trong việc mở phòng khám để bán thuốc chữa bệnh tiểu đường sai quy định.

Theo đó, ngoài thời gian khám chữa bệnh theo quy định trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (từ 17h đến 21h từ thứ 2 đến thứ 6) bà Đoan giao toàn quyền quản lý phòng khám của mình cho bà Phú sử dụng làm nơi khám bệnh, bốc thuốc sai quy định.

Dễ dàng nhận thấy phòng khám Đông y Phú Xuân Đường do bà Đoan đứng tên mở cửa tất cả các khung giờ, vào tất cả các ngày trong tuần. Câu hỏi đặt ra là vào giờ hành chính, bà Đoan phải làm việc tại bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ thì ai là người khám chữa bệnh, bốc thuốc tại phòng khám Đông y Phú Xuân Đường?

Cũng trong buổi trao đổi cùng ngày, bà Đoan còn cho biết cách kết hợp với bà Phú để khám bệnh, bốc thuốc sai quy định là do được một số người cùng ngành mách nước.

“Chị cũng nhiều lần đi tập huấn chuyên môn trên Bộ y tế và được các anh chị làm việc tại đây mách nước cho việc mở phòng khám để kiếm thêm thu nhập. Chị cũng mong em không đưa tin bài về phòng khám của chị”, bà Đoan đặt vấn đề.

Đổi lại sự im lặng từ phía báo chí, bà Đoan cũng cho biết sẽ có bồi dưỡng cho PV.

Sau đó, bà Đoan nói PV ngồi chờ mình tại phòng và xin ra ngoài có việc. Khoảng 30 phút sau, bà Đoan trở lại, tiếp tục chiêu bài xin thương thảo, vừa nói bà Đoan vừa rút trong túi áo mình ra một chiếc phong bì khá dày dúi vào tay PV nói rằng đây là tiền bồi dưỡng.

Nhận thấy có hành động đút lót, mua chuộc, vi phạm quy định tác nghiệp báo chí, PV từ chối và xin phép ra về.

Tối ngày 17/4, bà Đoan liên hệ với chúng tôi để nói chuyện với mục đích xin không đăng tải bài viết về những sai phạm tại phòng khám của bà đồng thời muốn xin hẹn gặp để giải quyết vụ việc bằng tình cảm.

Ngày 21/4, trao đổi với PV Đời sống Plus, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ cho biết bà hoàn toàn bất ngờ trước thông tin bà Đoan mở phòng khám tư và không tin việc cấp dưới của mình có hành vi cấu kết với bà Nguyễn Thị Phú để bốc thuốc chữa bệnh kém chất lượng.

Theo bà Nga, trong bệnh viện bà Đoan được đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức, từng được phong tặng danh hiện chiến sĩ thi đua cấp sở, cán bộ công nhân viên chức tiêu biểu.

“Bác sĩ Đoan rất được lòng bệnh nhân cũng như các anh chị em trong bệnh viện nên bản thân tôi cũng cảm thấy bất ngờ trước thông tin này”, bà Nga cho biết.

Video: Giáp mặt 'lang băm' sexy quảng cáo thần dược chữa ung thư

Nguồn: Đời sống plus
Bình luận
vtcnews.vn