Làn sóng đầu tư Trung Quốc gây gián đoạn kinh tế, chia rẽ xã hội ở Campuchia

Thế giớiThứ Tư, 24/07/2019 06:29:00 +07:00

Cơn lốc đầu tư từ Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho Campuchia, nhưng gây gián đoạn quá trình phát triển kinh tế và tạo ra chia rẽ xã hội.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc đang tác động tới cả chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia, kéo theo những thay đổi sâu rộng về môi trường và văn hóa xã hội. Theo cây viết Kimkong Heng của Nikkei Asian Review, đây có thể là bài học xương máu để các quốc gia khác ở Đông Nam Á soi tỏ, đồng thời nêu bật vấn đề nan giải đối với Phnom Penh. 

Mối quan hệ Trung Quốc-Campuchia đạt "cú hích" quan trọng khi 2 nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2010. Trung tâm của mối quan hệ đó là liên kết chặt chẽ của Phnom Penh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nhiều cơ sở hạ tầng của Campuchia trở thành mắt xích quan trọng trong sáng kiến tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, như đặc khu kinh tế Sihanoukville do Trung Quốc tài trợ hay tuyến đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville xây dựng vào tháng 3. 

anh

Bé gái nhặt rác gần một công trình mà Trung Quốc xây dựng ở Campuchia. (Ảnh: Getty) 

Trong quá trình này, Trung Quốc thay thế Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia và trở thành đồng minh thân cận nhất của xứ sở Chùa Tháp. 

Bắc Kinh tài trợ cho 7 dự án đập thủy điện có khả năng cung cấp 1/2 nhu cầu điện của cả Campuchia, xây dựng 3.000 km đường cao tốc và 8 cây cầu kể từ giữa những năm 1990. 

Từ năm 2013 đến 2017, Trung Quốc đầu tư 5,3 tỷ USD vào Campuchia, tức là trung bình 1 tỷ USD mỗi năm. Năm 2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia đạt 3,1 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất.

Thương mại song phương giữa 2 quốc gia đạt tới 6 tỷ USD trong năm 2017, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Campuchia chiếm 87% con số đó. Con số này được kỳ vọng cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2023. 

Đầu năm 2019, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ gần 600 triệu USD cho Campuchia trong 3 năm tới. 

Trong nỗ lực như một phần của chương trình ​​Hợp tác Lancang-Mekong, Trung Quốc cho biết sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo Campuchia vào năm 2019, cung cấp cho Phnom Penh khoảng 90 triệu USD viện trợ để hỗ trợ khu vực quốc phòng nếu Campuchia mất quyền tiếp cận thương mại với thị trường EU. 

Tỉnh Sihanoukville nổi lên trong cơn sốt đầu tư của Trung Quốc do vị trí thuận lợi và sự cởi mở của chính quyền địa phương, đặc biệt là với các dự án bất động sản và sòng bạc. 

Hơn 80 sòng bạc, chủ yếu thuộc sở hữu của Trung Quốc đang mọc lên nhan nhản ở thành phố ven biển từng hết mực yên bình ở Tây Nam Campuchia. Khách du lịch bắt đầu đổ xô tới Sihanoukville khiến nơi đây trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. 

Năm 2018, lượng khách du lịch từ Trung Quốc tới Campuchia đạt 2 triệu người, tăng 70% so với năm 2017. Con số này dự kiến sẽ vươn tới mức 3 triệu trong năm 2020. 

Theo một báo cáo gần đây của chính quyền tỉnh Sihanoukville, công dân Trung Quốc đang sở hữu hơn 90% doanh nghiệp ở Sihanoukville, bao gồm khách sạn, sòng bạc, nhà hàng và tiệm massage. Con số này làm dấy lên các mối quan ngại về sự thống trị của Trung Quốc với nền kinh tế địa phương. 

Các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế vẽ ra một bức tranh rõ nét về cách Sihanoukville chuyển mình từ một thành phố ven biển nghèo nàn trở thành Macau phiên bản "giá rẻ". Nhiều ý kiến lo ngại thành phố này đang mất dần đi bản sắc giữa cơn bão đầu tư của Bắc Kinh. 

Trong một cuộc khảo sát mới đây, người dân địa phương bắt đầu bày tỏ tư tưởng bài xích Trung Quốc bất chấp cơ hội việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh đang tạo ra. 

Vụ sập chung cư 7 tầng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng hồi cuối tháng 6 làm 28 người thiệt mạng là trở thành giọt nước tràn ly cho làn sóng bài xích Trung Quốc đang ngày càng lan rộng này. 

Nhiều người ngán ngẩm về các thông tin liên quan tới các vụ công dân Trung Quốc quấy rối tình dục, bắt cóc, gây tai nạn giao thông. Người dân trong nước bắt đầu có xu hướng tránh Sihanoukville, nơi từng là điểm đến thu hút mỗi dịp hè về vì tâm lý không muốn đặt chân lên "vùng đất Trung Quốc". Báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia mới đây cho thấy số người tới Sihanoukville trong lễ hội Pchum Ben năm 2018 giảm 13,5% so với hàng năm. 

Nguyên nhân một phần xuất phát từ chi phí ăn ở tăng cao do chính các chủ sở hữu Trung Quốc đặt ra. 

Theo ông Heng, mặc dù các khoản đầu tư của Trung Quốc từ các dự án Vành đai và Con đường đóng góp đáng kể vào kinh tế của Sihanoukville, nhưng lợi ích này không được san sẻ rộng rãi với người dân địa phương. Dường như chỉ có giới thượng lưu hoặc các chủ đất, chủ doanh nghiệp chào đón Trung Quốc mới có lợi. 

"Trước các tác động về môi trường và văn hóa xã hội từ các khoản đầu tư này, cơ quan chính quyền các cấp của Campuchia cần suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc", ông này nhận định. 

Là một quốc gia nhỏ và cởi mở với nền kinh tế thị trường tự do nhưng năng lực thể chế hạn chế, Campuchia khó có thể áp đặt các quy tắc và quy định nghiêm ngặt để giám sát và kiểm soát các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng chính phủ phải làm với phần còn lại của đất nước là để tránh "hội chứng Sihanoukville".

Không chỉ với Trung Quốc, Phnom Penh cũng cần phải đánh giá và cảnh báo với các khoản đầu tư từ các nước khác nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2050, ông Heng nhận định. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn