Lần đầu tiên tại Việt Nam: Chia một lá gan từ người cho chết não, cứu cùng lúc hai người

Sức khỏeThứ Sáu, 15/03/2019 15:40:00 +07:00

Từ lá gan của một người, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia làm hai, cứu sống cùng lúc hai người.

Hồi sinh hai số phận

Ngày 15/3, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vui mừng thông báo về trường hợp đầu tiên tại Việt Nam, chia 1 lá gan từ người cho chết não ghép cứu hai người. Đây được coi là thành công vượt bậc trong giới y khoa Việt Nam, bởi trước đó, chưa nơi nào trong nước thực hiện được kỹ thuật này.

Cách đây 6 ngày, gan được lấy từ người cho chết não là anh N.V.C. (30 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Anh C. bị tai nạn chấn thương sọ não, biết không thể qua khỏi, được sự đồng ý của người thân, gia đình, đa tạng của anh đã được hiến để cứu người, bao gồm tim, gan và hai thận.

benh nhan nhi

 Bệnh nhi có sự sống được tính bằng ngày đã hồi sinh. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Qua hội chẩn, các bác dự định ghép gan cho 1 nam bệnh nhân 49 tuổi ở Hà Nội và ghép tim, 2 thận cho 3 bệnh nhân khác.

Trong đó, bệnh nhân ghép gan có tiền sử viêm gan B, xơ gan, 2 tháng trước phát triển ung thư gan. 

Trong lúc chuẩn bị hoàn thành các thủ tục để ghép gan cho nam bệnh nhân nói trên, các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức bất ngờ nhận lời cuộc gọi mời sang Biện Nhi Trung Ương hội chẩn cho trường hợp bé gái N.H.B.Y. (9 tuổi, đến từ Hà Nội).

Bé Y. mang trong mình căn bệnh teo đường mật bẩm sinh và đang ở giai đoạn cuối của bệnh rối loạn chuyển hóa đồng (Wilson). Sự kết hợp của 2 căn bệnh hiểm nghèo khiến một đứa trẻ mới 9 tuổi chỉ nặng gần 20kg lâm tình trạng tiền hôn mê sâu, điểm peld lên tới 52, trong khi ở mức 40 đã có nguy cơ thiệt mạng = 90%. Bé rất cần gan để ghép.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trước khi được ghép gan, bé gái luôn trong tình trạng rất nguy kịch, tính mạng chỉ tính bằng ngày. Bệnh nhi liên tục được lọc máu. Bố cháu định cho gan để ghép cứu mạng sống của con. 

Sau cân nhắc kỹ càng, các bác sĩ quyết định chia gan của người hiến thành 2 phần, phần nhỏ, trọng lượng khoảng 250g để ghép cho bệnh nhi, phần còn lại nặng 900g ghép cho bệnh nhân nam 49 tuổi.

11h trưa ngày 9/3 ca đại phẫu thuật ghép đa tạng cho cùng lúc nhiều bệnh nhân bắt đầu. Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia cùng lúc 6 ekip trên 6 bàn mổ. 

Ca ghép gan diễn ra vào khoảng 15h cùng ngày. Với trường hợp của bệnh nhân nam 49 tuổi, ca mổ diễn trong 5 giờ đồng hồ và thành công.

Tuy nhiên, đối với bé gái, do thể trạng yếu, lại mang trong mình nhiều bệnh lý phức tạp, ca mổ kéo dài hơn. Tới 23h30, với thời gian hơn 8 giờ đồng cùng sự cố gắng của các bác sĩ, ca phẫu thuật cũng thành công trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình và chính các nhân viên y tế.

Hiện người đàn ông đã tỉnh táo hoàn toàn, chức năng gan hồi phục, hôm nay rời phòng hồi sức tích sang phòng bình thường. Riêng bệnh nhi vẫn ở phòng hồi sức và dự kiến rời phòng trong 1-2 ngày tới. 

Thành công của kỹ thuật chia gan để ghép (SLT) đã mở ra cơ hội sống cho rất nhiều người, bởi so với trước đây tại Việt Nam, 1 lá gan chỉ cứu được 1 người.

benh nhan

 Nam bệnh nhân 49 tuổi đang phục hồi tốt sau ca ghép gan lịch sử. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Ca đại phẫu thuật ghép tạng "made in Vietnam"

Diễn ra cùng lúc với ca phẫu thuật ghép gan lịch sử trên là 5 ca mổ khác. Như vậy có tổng cộng 6 ca phẫu thuật bao gồm: 1 ca lấy tạng từ người cho chết não, 1 ca ghép tim, 2 ca ghép gan, 2 ca ghép thận được thực hiện tại một thời điểm. 200 bác sĩ được huy động tới phòng mổ.

Theo GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc ca phẫu thuật chia gan để ghép được thực hiện hoàn toàn dưới bàn tay của các bác sĩ Việt Nam, không có sự trợ giúp của của bác sĩ nước ngoài.

Bên cạnh đó, tất cả những công đoạn như lấy đa tạng, chia gan, ghép đa tạng gồm tim, gan, thận cho các bệnh nhân đều được thực hiện cùng một thời điểm và cho kết quả tốt đẹp.

gs giang 3

 GS. TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin về ca chia gan để ghép lần đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Phạm Quý)

“Rất nhiều bệnh viện bỏ rất nhiều tiền để thuê các bác sĩ nước ngoài về để làm, nhưng đều không thành công. Nhưng giờ Việt Nam chính thức làm được, chứng minh một điều tay nghề của các thầy thuốc, các nhân viên y tế, Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoàn toàn có thể đáp ứng được kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả ghép đa tạng”, GS Giang nhấn mạnh.

Cũng theo GS. TS. Trần Bình Giang, rất hiếm các trung tâm trên thế giới có thể cùng một lúc ghép được đa tạng như hiện nay tại Việt Đức. Có những trung tâm ghép gan, ghép thận, ghép tim, nhưng ở Việt Nam, và cụ thể là tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng một lúc có thể triển khai mổ để lấy tạng từ một người cho chết não, đồng thời triển khai ghép tim, ghép gan và ghép 2 thận hoàn toàn thành công - điều không phải ở đâu cũng làm được.

“Thầy thuốc của chúng ta đã chứng minh được khả năng của mình, Y học Việt Nam đã gần hơn với Y học trên thế giới”, GS Giang nhấn mạnh.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn