Làm thầy, nếu không đủ yêu thương thì thật nguy hiểm

Diễn đànThứ Sáu, 22/05/2020 11:24:15 +07:00
(VTC News) -

Trong môi trường giáo dục, điều cần hơn cả là tình thương yêu với học trò, nhất là với các em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.

1. Cách đây hơn 40 năm, khi vào lớp 4, anh trai tôi thi đỗ vào trường chuyên của huyện cách nhà gần 15 cây số. Khi ấy, mẹ tôi trăn trở lắm, vì nhà xa, không thể ngày nào cũng đạp xe đưa đón con đi học, còn thuê nhà trọ thì thời ấy đối với mọi người là khái niệm khá xa xỉ và lạ lẫm.

Ngày tựu trường, thương con nên mẹ đành chở anh lên trường mới mà chưa biết thu xếp chuyện ăn ở, đi lại cho con bằng cách nào. Cuối buổi hôm đó, mẹ và anh tôi cứ đứng tần ngần ở sân trường chưa biết tính sao, cứ nuối tiếc vì anh khó có thể thực hiện được mơ ước của mình.

Lúc hai mẹ con định ra về thì có một người đàn ông đi tới. Người đó giới thiệu là thầy giáo của trường và dừng lại hỏi thăm mẹ và anh tôi. Khi biết rõ lý do, không chút đắn đo, thầy khuyên mẹ tôi cứ để anh theo học, thầy sẽ cho ở nhờ nhà thầy gần trường.

Làm thầy, nếu không đủ yêu thương thì thật nguy hiểm - 1

Thông tin "học sinh đi học sớm phải đứng ngoài cổng trường và bị phê bình" gây bức xúc.

Anh tôi ở nhà thầy trong suốt thời gian từ năm lớp 4 đến hết cấp 2 và được thầy yêu thương như con. Mẹ tôi kể, ngày ấy ai cũng nghèo, có được chiếc áo len chống rét cũng đã là may mắn lắm rồi. Anh em tôi được mẹ đan cho 2 cái áo len giống hệt nhau, chỉ khác áo của tôi thì bé hơn. Trong lúc sắp đồ cho con, mẹ tôi lại để nhầm chiếc áo len của tôi vào túi quần áo của anh.

Vào hôm trời trở lạnh, rét cắt da cắt thịt, mẹ tôi đi làm về đến nhà thì thấy thầy đang đợi ở cửa, bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng. Người thầy run cầm cập vì chỉ mặc mỗi manh áo có vài chỗ vá. Thầy nói, trời rét quá mà áo len của anh tôi lại bị nhầm, nên thầy đến nhà tôi đổi áo cho anh.

Còn nhiều câu chuyện về lòng thương yêu của thầy đối với anh tôi,mà đến giờ, hơn 40 năm sau mẹ tôi vẫn thường xuyên kể lại cho con, cho cháu. Còn anh tôi, đến giờ dù cách xa thầy hàng trăm cây số nhưng vẫn thường xuyên về thăm thầy.

2. Trong mấy ngày gần đây, dư luận quan tâm đến vụ “học sinh đi học sớm phải đứng ngoài cổng trường và bị phê bình" xảy ra ở trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

Sự việc đến nay cũng được xử lý với lời xin lỗi từ nhà trường. Cô giáo chủ nhiệm bị phê bình nghiêm khắc. Đây không phải là lần đầu tiên, những sự việc như thế này xảy ra trong môi trường giáo dục. Sau những câu chuyện như thế này, điều cần nói hơn cả là tình thương yêu đối với trẻ, nhất là với các em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Thật may mắn, sự việc em học sinh tiểu học đi học sớm phải đứng ngoài cổng trường đã nhanh chóng được phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc nào. Và nhà trường cũng đã kịp thời rút kinh nghiệm để không lặp lại sự việc tương tự.

Ở lứa tuổi như vậy, các em đang khá nghịch ngợm và chưa ý thức được nguy hiểm. Nếu hôm đó khi bị đuổi ra khỏi cổng, cháu bé không đứng yên mà bỏ đi đâu đó thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Thật rùng mình khi nhớ lại vụ cháu bé là học sinh lớp 1 trường Phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Cầu Giấy, Hà Nội thiệt mạng thương tâm trên ô tô đưa đón học sinh của trường. Nguyên nhân được cho là em bị bỏ quên. Trong vụ việc này, nếu đủ yêu thương, cô giáo sẽ phải trăn trở vì sao trong suốt thời gian từ sáng tới chiều học sinh lại vắng mặt chứ không chỉ đến khi xảy ra hậu quả đau lòng mới thông báo cho phụ huynh.

Từ những sự việc này cho thấy, nếu trong môi trường giáo dục, thầy cô có đủ yêu thương thì sẽ không hành xử vô cảm đến như vậy. Với em học sinh ở trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, nếu thực sự yêu trẻ, thầy cô sẽ bất an khi để một đứa trẻ nhỏ đứng ngoài cổng trường dưới trời nắng như vậy.

Nếu yêu thương, ai cũng cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Và nếu đủ yêu thương, chắc chắn chẳng ai lại đi phê bình một học sinh vì...đi học sớm.

Yêu thương, chia sẻ trong môi trường nào cũng cần thiết và nhưng trong môi trường mô phạm, điều đó cần hơn tất cả. Bởi chỉ có tình yêu thương mới đem lại hiệu quả trong giáo dục. Một đứa trẻ nếu được sống trong môi trường có tình yêu thương từ gia đình, nhà trường, chắc chắn khi lớn lên sẽ biết sẻ chia, cảm thông và sống bao dung với mọi người hơn.

Nhất là đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, giai đoạn đặt “nền móng” trong việc hình thành nhân cách, thì tình yêu thương của người lớn, của thầy cô lại càng quan trọng hơn lúc nào hết.

Vì thế, trước khi đến với nghề giáo- nghề trồng người, mỗi người xin hãy tự vấn mình đã có đủ yêu thương?.

An An/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn