Lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ quý hiếm ở Đắk Lắk

Thời sựChủ Nhật, 04/02/2018 18:25:00 +07:00

Dù có chỉ đạo đóng cửa nhưng rừng ở Đắk Lắk vẫn liên tục bị các đối tượng ngang nhiên khai thác.

Video: Hiện trường vụ tàn phá gỗ tại Vườn Quốc Gia Yok Đôn ở Đắk Lắk

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, chặt hạ hơn 40 m3 gỗ quý hiếm tại khu vực vành đai biên giới thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn và củng cố hồ sơ để khởi tố vụ việc.

Liên quan đến vụ chặt hạ gỗ quý hiếm, ông Phạm Tuấn Linh - Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn Đắk Lắk cho hay, có tất cả 23 cây gỗ quý bị cưa hạ, rải rác trên diện tích gần 1.000 m2.

image2

 Nhiều cây gỗ quý hiếm bị cưa xẻ tại hiện trường.

Theo vị này, toàn bộ số gỗ bị cưa trong khoảng thời gian nửa tháng trước khi được phát hiện. Qua kiểm tra, các đối tượng chở những cây gỗ bị cưa đi từ trước đó. 

"Các loại cây bị lâm tặc cưa là loại quý hiếm, thuộc nhóm 1 và 2. Hiện, lực lượng liên ngành gồm: Đồn Biên phòng 741, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện biên giới Buôn Đôn, lực lượng kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã phong tỏa hiện trường, lập hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng điều tra và tiến hành khởi tố vụ án", ông Linh nói.

IMG_7104 3

Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá gỗ ở vườn quốc gia Yok Đôn.

Điều đáng nói, khu vực các cây gỗ bị đối tượng lâm tặc chặt trộm, nằm ngay trong khu vực rừng thuộc quyền quản lý nghiêm ngặt của Đồn Biên phòng 741 (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk quản lý).

Khu vực này cách Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 130 km về phía Tây và cách Đồn Biên phòng 741 (Yok Mbre), xã Ea Bung, huyện Ea Súp khoảng 5 km.

Trong khi đó, đơn vị phát hiện ra vụ việc là Trạm kiểm lâm số 8, Vườn quốc gia Yok Đôn.

IMG_7105 4

 Các khối gỗ tại hiện trường lâm tặc chưa kịp vận chuyển ra ngoài.

Trước đó, vào ngày 20/6/2016 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng chỉ đạo các lãnh đạo tại Tây Nguyên đóng tất cả rừng tự nhiên, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, kiểm soát, công an, tòa án... nâng cao trách nhiệm được giao ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đang xảy ra.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sử dụng gỗ không có giấy phép hợp lệ...

Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, rừng tại tỉnh Đắk Lắk vẫn bị đốn hạ một cách ngang nhiên.

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn