Làm rõ hơn sự tiến bộ xã hội

Thời sựThứ Sáu, 01/03/2013 04:36:00 +07:00

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Dự thảo hiến pháp mới chỉ đề cập đến việc dạy chữ và dạy nghề mà chưa nói đến dạy người.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Dự thảo hiến pháp mới chỉ đề cập đến việc dạy chữ và dạy nghề mà chưa nói đến dạy người.

Bộ GD và ĐT vừa tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Mạnh Hùng chủ trì.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung lấy ý kiến về những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II); Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III); Chính phủ (Chương VII) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đóng góp ý kiến cho Điều 66 về giáo dục và đào tạo 

Buổi hội thảo đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi. Về cơ bản, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí dự thảo sửa đổi, bổ sung đã giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và làm rõ hơn sự tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn khi Điều 66 và Điều 67 chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với giáo dục. Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên cho rằng Điều 66 mới chỉ đề cập đến việc dạy chữ và dạy nghề mà chưa nói đến dạy người – một phần rất quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo.

Đại biểu Ngô Mạnh Hải, Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, NQTW6 có nêu xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời, nhưng cả Điều 42 và Điều 66 của Dự thảo không toát lên được tư tưởng lớn này. Đại biểu lý giải việc xây dựng học tập suốt đời là xu thế của thời đại, cho nên ngành giáo dục cần đầu tư, suy nghĩ để đóng góp ý kiến sao cho có thể lồng ghép được vấn đề này vào trong Hiến pháp.

Đồng tình với đại biểu Hải, ông Hinh cho rằng Điều 42 quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị sửa thành “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời”, đây là một tư tưởng mới cần đưa vào Hiến pháp vì còn sẽ được đưa vào các văn bản luật, dưới luật.

“Cần bổ sung thêm việc cấp tiểu học là cấp học bắt buộc và không phải trả học phí để thể hiện rõ sự tiến bộ xã hội” – bà Phan Lan Anh, Vụ Phó Vụ Giáo dục mầm non đề nghị.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: "Nên chỉnh sửa Điều 66"

Nhiều ý kiến cho rằng, Điều 66 cần bổ sung câu từ để thể hiện rõ hơn việc phát triển giáo dục không chỉ bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân mà cần làm nổi bật việc dạy con người có lòng yêu nước, có niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, ngành giáo dục và đào tạo có khá nhiều vấn đề cần đề cập, do đó, cần có một buổi hội thảo để góp ý riêng cho 2 điều trên.

Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho rằng dự thảo sửa đổi nên thống nhất trong thuật ngữ, tránh hô khẩu hiệu và nên Việt hóa ngôn từ trong Hiến pháp để mọi người dân có thể hiểu một cách căn bản về Hiến pháp.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là điều tiên quyết và không thể thiếu trong Hiến pháp và đánh giá những thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu không chỉ đề cập đến vấn đề của ngành mà còn có nhiều ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm đối với những vấn đề chung, rộng lớn hơn của đất nước.

Liên quan đến Điều 66, Thứ trưởng cho rằng, có thể cách viết, cách phản ánh chưa rõ những điều chúng ta mong muốn về Hiến pháp, do đó Vụ Pháp chế (Bộ GD và ĐT) sẽ tập hợp ý kiến để hoàn chỉnh những bổ sung, chỉnh sửa Điều 66 theo cách viết của những người trong ngành giáo dục một cách  khoa học và phù hợp.

Theo Quân đội nhân dân
Bình luận
vtcnews.vn