“Lạm phát năm 2011 không thể trên 10%”

Kinh tếThứ Bảy, 26/02/2011 03:11:00 +07:00

Tho dự báo của Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia – Lê Xuân Nghĩa, Lạm phát năm 2011 không thể trên 10%...

Đây là dự báo được Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia – Lê Xuân Nghĩa cho biết tại Hội thảo “Tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ năm 2011” sáng 25/2/2011.

Lạm phát sẽ khoảng 9%


TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Ảnh:Vietstock)
Đang có nhiều lo ngại cho rằng với việc tăng giá điện, giá xăng đẩy các mặt hàng hoá khác trong xã hội tăng khiến lạm phát trong năm nay có thể lên cao. Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: "dự đoán lạm phát năm 2011 chỉ vào khoảng 9%".


Ông Nghĩa lý giải, khi chúng ta tính toán đến việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong năm nay có thể làm cho CPI tăng lên khoảng 1,1%/năm, từ điều chỉnh giá xăng có thể làm cho CPI tăng khoảng 0,54%/năm tính nhiều vòng, giá điện tăng làm cho CPI tăng thêm 0,71%. Nếu cộng lại thì CPI sẽ tăng thêm khoảng trên trên dưới 2,5%/năm.

Một yếu tố khác ảnh hướng tới CPI đó là giá lương thực thực phẩm tăng 6 tháng liên tục ở mức rất cao đó là do giá tăng có tính mùa vụ, lại vừa có tính chu kỳ. Dự báo tới tháng 3 thì giá lương thực thực phẩm sẽ giảm mạnh. Giá lương thực thực phẩm năm 2011 sẽ giảm hoặc tốc độ tăng rất nhỏ có thể giúp cho CPI giảm từ 2,5 – 3%. Như vậy, nó bù được vào tăng giá của giá điện và xăng dầu.

Lạm phát năm nay phụ thuộc rất lớn vào cung tiền. Chính vì thế, Chính phủ đã hạ quyết tâm là giảm tăng trưởng tín dụng xuống 20% trong năm nay. Như vậy, Chính phủ đã giảm một cách mạnh mẽ tổng cầu nhằm kéo lạm phát giảm. “Cộng cả 3 yếu tố là tăng giá đầu vào, giảm giá lương thực thực phẩm, rồi giảm cung tiền, chúng tôi dự đoán lạm phát năm nay chỉ vào khoảng 9%. Dự kiến quý I, CPI có thể ở mức 4,4-4,5%/năm, thông thường quý này thường chiếm một nửa của cả năm. Lạm phát năm nay sẽ dưới 10% chứ không lên tới 12% như năm ngoái” – ông Nghĩa nhận định.

Lãi suất sẽ giảm vào quý III/2011


Về vấn đề lãi suất, ông Nghĩa cho biết, trong năm vừa qua, Chính phủ đã kiên trì thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Lạm phát có tính tâm lý, mà để đè bẹp tâm lý thì chính sách phải kiên trì. Ông Nghĩa dự báo, lạm phát sẽ giảm đáng kể từ quý 3 trở đi khi mà việc giảm lãi suất có cơ hội. Thêm vào đó, năm nay Chính phủ giảm mạnh đầu tư công. Năm ngoái, lượng trái phiếu của Chính phủ, của kho bạc, của ngân hàng thương mại, địa phương lên tới 100 ngàn tỷ đồng nhưng năm nay sẽ giảm đi một nửa. Như vậy vốn điều tiết từ khu vực công được điều tiết rất mạnh sẽ là cơ hội cho việc giảm lãi suất.

Một yếu tố khác, năm ngoái cung tiền rất mạnh, chủ yếu dồn vào khu vực công, vào các dự án công trình, vấn đề đảo nợ từ gói kích thích kinh tế khá lớn…nhưng năm nay, các yếu tố này đều giảm nên có cơ hội để giảm lãi suất cuối năm. Lãi suất giảm muộn trong năm nay thì sẽ giảm mạnh trong năm sau.

Sẽ không tăng thêm tỷ giá ngoại tệ


Ông Nghĩa cho biết: Nếu lấy tổng thu về ngoại tệ mà trừ đi tổng chi ngoại tệ thì năm nào cũng dư chứ không phải là âm, có nghĩa là lượng ngoại tệ vào nhiều hơn ngoại tệ ra. Thế nhưng, trên thực tế, NHTW trong thời gian qua lại bơm ngoại tệ ra thị trường.

Lý giải cho việc này, ông Nghĩa cho rằng nguyên nhân nằm ở chữ “sai sót” trong cán cân thanh toán quốc tế. Về nguyên tắc, chúng ta dư thừa ngoại tệ nhưng trên thị trường lại khan hiếm ngoại tệ. Đó là do có một lượng ngoại tệ đang được găm giữ một cách “khủng khiếp”. Rõ ràng, chúng ta không thiếu ngoại tệ nhưng dân chúng không đủ lòng tin để bán ngoại tệ ra ngoài thị trường. “Một quốc gia thừa ngoại tệ thực sự mà trên thị trường lại khan hiếm thì lỗi là của chúng ta chứ không phải là ở nền kinh tế” – ông nhấn mạnh. Cộng với tình trạng đô la hoá ngày càng nặng nề và lòng tin của người dân ngày càng giảm sút đã gây ra tình trạng như hiện nay.
Không có một nước nào trên thế giới lại để tình trạng đô la hoá như của Việt Nam. Ngoại tệ trên thị trường tự do sở dĩ bị lũng đoạn là do được gửi ở ngân hàng, khi đầu cơ thì lấy từ ngân hàng, khi không cần thì lại đem gửi. Do đó, trong trung hạn, phải chống tình trạng đô la hoá.

Vậy với tình trạng như vậy, liệu có khả năng ổn định tỷ giá hối đoái hay không? Trả lời cho câu hỏi này, ông nói, vì chúng ta thừa ngoại tệ nên có thể ổn định được, vấn đề là điều tiết nguồn ngoại tệ như thế nào. Nếu cứ để tình hình ngoại tệ tăng như mấy tuần vừa rồi mà rơi vào đúng thời điểm giá vàng thế giới tăng (dự báo giá vàng thế giới sẽ tăng 1.460USD/ounce vào cuối tháng 6) thì dân chúng sẽ ào ào rút tiền mua vàng. Vì vậy, trong vài ngày gần đây, đã có chính sách điều chỉnh để giữ ổn định ngoại tệ. “Tôi đồng tình với anh Lê Đức Thuý (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) là có thể từ nay tới cuối năm không phải tăng tỷ giá ngoại tệ thêm nữa. Chúng ta đủ lực lượng và công cụ để giữ tỷ giá ổn định” – ông Nghĩa khẳng định.

"Trước áp lực của tăng giá điện, xăng dầu, tỷ giá, doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Trên thực tế các doanh nghiệp cần phải tính tới việc phải điều chỉnh sản xuất sản lượng của mình xuống tức là giảm xuống mức hoà vốn hoặc là có lãi ít để duy trì khấu hao, chi phí, vật tư thiết bị… chứ lúc này mà mở rộng sản lượng, tăng quy mô rất nguy hiểm" - ông Nghĩa khuyến cáo.


Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Bình luận
vtcnews.vn