Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn cao

Kinh tếThứ Năm, 21/07/2011 02:01:00 +07:00

(VTC News) - Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội thừa nhận lạm phát ở nước ta có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao...

(VTC News) - Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng. Tình hình lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và yếu tố bên trong do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010, việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức cũng ảnh hưởng đến lạm phát.

Đó là một trong những nội dung trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm của Chính phủ, được đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay (21/7).

GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%

Theo Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%, mặc dù thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 và thấp hơn chỉ tiêu cả năm 2011 đã được Quốc hội thông qua.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thì đây là một nỗ lực rất lớn của cả nước”, Phó Thủ tướng cho biết.

Thu ngân sách tiếp tục tăng khá, bảo đảm nguồn chi ngân sách và góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt khoảng 327,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm.


Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng 

Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 355,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 27,78 nghìn tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2011.


“Chủ trương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên đã được các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc nên đã giảm được chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Việc rà soát, sắp xếp đầu tư công để tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc trên phạm vi cả nước. Đến cuối tháng 5/2011, tổng số vốn đầu tư các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm là 80.550 tỷ đồng.

Lạm phát vẫn ở mức cao

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn còn có những khó khăn còn tồn tại. Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng tháng 6/2011 so với tháng 12/2010 tăng 13,29% (bình quân cùng kỳ tăng 16%), vượt chỉ tiêu được Quốc hội thông qua (không quá 7%).

Nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và yếu tố bên trong do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức.

Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn.

Việc vay vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng; tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán tuy đã được tăng cường nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.


Nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã có cải thiện nhưng mức nhập siêu vẫn còn cao, 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,65 tỷ USD bằng 15,72% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu của nước ta chủ yếu từ các nước trong khu vực, cần tiếp tục có các giải pháp phù hợp để cải thiện tình hình, giảm sức ép đối với tỷ giá, thị trường ngoại hối và lãi suất cho vay.

Mô hình phát triển kinh tế của nước ta còn một số bất cập; hiệu quả công tác dự báo chưa cao; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thu được nhiều kết quả. Một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thực sự triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao, khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại; hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn thấp”, báo cáo nêu rõ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, một số phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm.

“Xu hướng này sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011 và các năm sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn


Châu Anh


Bình luận
vtcnews.vn