Làm nhiều BOT, đều đặn thu phí bảo trì, vì sao vẫn kêu thiếu tiền sửa đường?

Kinh tếThứ Tư, 27/09/2017 15:54:00 +07:00

Hội đồng quỹ bảo trì đường bộ trung ương vừa công bố, quỹ bảo trì đường bộ Trung ương dù tăng thu, đạt hơn 7.000 tỷ đồng nhưng chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu tối thiểu, trong khi đó, người sử dụng đường bộ hiện nay đã phải trả phí thêm cho hơn 70 dự án BOT...

Cụ thể, ngày 26/9, Bộ GTVT tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Báo cáo của Văn phòng Quỹ này cho hay, kể từ năm 2013 khi Quỹ đi vào hoạt động, ngân sách trung ương và địa phương được chia sẻ khó khăn trong việc cân đối cho công tác bảo trì đường bộ.

Theo đó, năm 2013 thu phí sử dụng đường bộ đạt 5.435 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt 6.388 tỷ đồng và dự kiến năm nay sẽ đạt 7.047 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cơ quan này đánh giá, nguồn Quỹ chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ.

Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, nguồn kinh phí của Quỹ trung ương đã được dùng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hiện 20.582 km quốc lộ và 5.450 cầu (chưa tính các tuyến BOT tự thực hiện).

Bao_tri_QL_1_JFCV

Công tác bảo trì bao gồm dọn vệ sinh mặt đường, sửa chữa, trám vá... nhưng nhiều tuyến vẫn chưa đạt yêu cầu (ảnh chụp QL 1A qua Thanh Hoá) 

Quỹ cũng sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất 76,8 triệu m2 mặt đường, 1.031 cầu yếu, cầu xuống cấp; sửa chữa, cải tạo, xây mới 1.372 km rãnh và 137 km cống, làm trụ chống tàu va trôi cho các cầu xung yếu…

Trước thực tế này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đã chỉ đạo cần có giải pháp triệt để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, triển khai thu hút các nguồn vốn khác cho công tác bảo trì đường bộ.

Các số liệu thông kê được công bố trước đây cho thấy, trước khi quỹ bảo trì đường bộ được thành lập, vốn ngân sách cấp cho Quy bảo trì hàng năm đã đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu bào trì hệ thống giao thông.

Từ năm 2013 đến nay, ngành GTVT triển khai nâng cấp nhiều dự án đường bộ. Tuy nhiên, các dự án nâng cấp, mở rộng không sử dụng nguồn từ quỹ bảo trì đường bộ. Như thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, nguồn quỹ bảo trì chỉ đủ "láng, vá", không đủ để thảm, nâng cấp mặt đường. 

Video: Cảnh hỗn loạn ở BOT tuyến tránh Biên Hòa

Trong các tuyến đường nâng cấp đó, phần lớn được tiến hành bằng hình thức BOT. Và gần như toàn bộ các tuyến mở mới đều tiến hành bằng hình thức BOT. Các dự án này đều không sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. 

Vì vậy, việc quỹ bảo trì đường bộ có nguồn thu hơn 7.000 tỷ đồng, đồng thời, hàng năm có nguồn cấp bổ sung từ Ngân sách Trung ương nhưng chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu tối thiểu khiến không ít người lo ngại.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, người dân đã rất cảm thông với việc vừa phải nộp quỹ bảo trì đường bộ, vừa phải trả tiền cho dự án BOT. Nhiều chủ xe hầu như chỉ lưu thông trên tuyến BOT (chẳng hạn như các xe tải chuyên tuyến QL 5), không sử dụng đường bảo trì bằng Quỹ Bảo trì đường bộ vẫn phải nộp tiền.

"Một xe tải cỡ lớn nộp một đợt cho một năm hơn 10 triệu đồng phí bảo trì. Đó là số tiền không nhỏ. Đã đến lúc đánh giá nghiêm túc đối với Quỹ bảo trì Đường bộ, giải quyết vấn đề phí chống phí hiện nay bên cạnh các dự án BOT" - lãnh đạo Hiệp hội này đề nghị.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn