Làm gì khi bị 'đâm sau lưng' chốn công sở?

Góc của nàngThứ Tư, 16/12/2015 11:31:00 +07:00

[Bestie] - Công sở đôi khi cũng giống như trường học với những phe cánh, những cuộc “buôn chuyện” và những kẻ thích “chơi xấu” người khác. Nếu bạn là nạn nhân của những trò này thì những gợi ý dưới đây có thể giúp ích cho bạn.

(VTC News) - Công sở đôi khi cũng giống như trường học với những phe cánh, những cuộc “buôn chuyện” và những kẻ thích “chơi xấu” người khác. Nếu bạn là nạn nhân của những trò này thì những gợi ý dưới đây có thể giúp ích cho bạn.

Thủy và Huyền đều là nhân viên một công ty chuyên về xuất nhập khẩu. Họ được tuyển dụng vào cùng một đợt nên thân thiết như hai chị em. Thế nhưng tình cảm ấy thay đổi đến mức sứt mẻ khi họ bị xếp vào cùng phòng kinh doanh, cạnh tranh nhau về doanh số và hiệu quả công việc. 

Lần ấy, trong phòng kinh doanh có chiến dịch thi đua, nếu ai giành được hợp đồng trong việc thu mua hàng để đóng gói xuất khẩu cho đối tác nước ngoài thì sẽ được một khoản hoa hồng lớn.

Thế là, trong lúc Thủy lo thu xếp cho một lô hàng lớn từ Tây Ninh về Sài Gòn để chuyển lên tàu đi Đài Loan, Huyền bèn nghĩ ra một "diệu kế". Ngày lô hàng được chuyển về cảng, Huyền dùng điện thoại công ty gọi tài xế cho lô hàng đi xuống một cảng khác.

Kết quả là lô hàng bị trễ tàu, phải mất một tuần sau mới được chuyển đi. Công ty bị phạt một khoản khá lớn. Không thể truy tìm ra người đã gọi điện thoại, sếp chỉ còn biết trút giận lên Thủy, khoản thưởng doanh thu cũng bị cắt không thương tiếc để bù vào khoản tiền phạt.

Còn Huyền, hợp đồng của cô nhỏ hơn Thủy nhưng "đầu xuôi đuôi lọt" nên nghiễm nhiên Huyền giành được khoản hoa hồng lớn cùng tiền thưởng trong đợt thi đua làm Thủy thấy cay cú và ấm ức nhưng chả làm gì được. Tất cả chỉ vì Thủy không đề phòng trước lòng dạ của kẻ tiểu nhân mà thôi.

Vì sao bạn bị “chơi xấu”?

Trong môi trường công sở hay cả bên ngoài xã hội, chuyện chơi xấu chỉ xảy khi đối thủ cảm thấy bị bạn đe dọa ở một phương diện nào đó và họ phải “ra tay” với bạn để phòng những hiểm họa mà bạn có thể gây ra với họ.

Việc bạn bị chơi xấu không có nghĩa bạn là kẻ xấu tính mà trên thực tế chỉ là bạn có tài hơn họ. Nhất là trong môi trường công sở, khi đối phương cảm thấy bạn có năng lực hơn họ, có thể đe dọa vị trí mà họ đang nhắm đến, thế là họ ra tay với bạn.

Nạn chơi xấu sẽ xảy ra với “ma mới” khi những “ma cũ” cảm thấy bạn là một nhân tố có khả năng đe dọa vị trí của họ. Bạn sẽ được đồng nghiệp giao cho vô số việc “trọng đại” như: Pha trà, mua café, lọc tài liệu, ghi chép sao kê văn bản, photocopy, nhờ vả những công việc không liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ, thi thoảng nói xấu hoặc bóc mẽ bạn trước mặt sếp và các đồng nghiệp khác...

Nặng nề hơn, đối thủ của bạn có thể dùng đến “tiểu xảo” về chuyên môn để đổ lỗi cho bạn trong công việc, thường xuyên rình mò những sai sót của bạn để “xử lý” bạn. Có rất nhiều người đã không chịu nổi áp lực bị “chơi xấu” như bị chia bè phái cô lập, bị trù úm, bị chơi tiểu xảo sau lưng mà phải nghỉ việc.

Chân dung kẻ đâm chọt

* Phê bình gia: cho dù ý tưởng của bạn có tốt đến đâu đi nữa thì bạn chỉ nhận được từ họ ánh mắt dè bỉu, những lời châm chích gay gắt, những đánh giá bất công.

* Kẻ giành công: đây là dạng đồng nghiệp hay ăn cắp ý tưởng và giành lấy công lao của người khác khi dự án hoàn thành vượt mong đợi.

* Ảo thuật gia: người có khả năng biến hóa các lỗi lầm khiến người khác xem thất bại của dự án là từ sai lầm của bạn.

* Người viết kịch bản: chuyên môn của họ là dựng chuyện và dặm mắm thêm muối những điều sai sự thực nhằm hạ thanh danh của bạn.

* Sếp "mặt sắt": họ sẽ sa thải bất kì nhân viên nào khi cảm thấy nguy cơ bạn có "công cao hơn chủ".

Chẳng lẽ ngậm bồ hòn làm ngọt?

Nếu rơi phải trường hợp này, bạn cần bình tĩnh và nhận xét thật kỹ xem những sự kiện đâm chọt là cố ý hay vô ý. Đừng phản ứng quá đà, khiến giận quá mất khôn. Nếu thật sự bạn là tâm điểm trong mọi hoạt động quấy phá và đã xác định rõ người chĩa mũi dùi vào mình - hãy hành động:

* Tìm liên minh: kẻ đâm chọt bạn có liên minh của họ nên bạn cần thiết lập liên minh của riêng mình nhằm có được sự ủng hộ cần thiết, ít ra là về mặt tinh thần.

* Cầu cứu cấp trên: hãy cố gắng đưa sự việc lên cấp trên nếu bạn thường xuyên bị tị nạnh và ganh ghét. Chỉ sử dụng cách này khi bạn có đủ chứng cứ và luận điểm thuyết phục.

* Không đề cập vấn đề cá nhân: hãy phân tích các vụ đâm chọt theo hướng có ảnh hưởng đến công việc chung của công ty. Đừng tường thuật vụ việc xen lẫn cảm xúc cá nhân của bạn.

* Chuẩn bị tinh thần tìm việc mới: dĩ nhiên đây là bước cuối cùng nhưng bạn cần chuẩn bị tư tưởng cho tình huống này. Bạn không thể làm việc hiệu quả với những sát thủ trong bóng tối như thế.

Vạch trần kẻ chơi xấu

Vấn đề này không khó nhưng đòi hỏi bạn phải có tư duy và sự chuẩn bị một cách công phu và nghiêm túc, thấu đáo.

Nếu như có ai đó đang cố soi xét để tìm ra điểm yếu của bạn thì nhiều khả năng những kẻ chơi xấu cũng lộ nhược điểm của bản thân. Bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu về lí lịch trong quá khứ của họ, tìm hiểu thật kĩ về điều luật cấm của công ty để tìm ra sơ hở.

Hãy tìm ra những phần “mờ ám” trong công việc mà những kẻ chơi xấu đang làm.

Trên thực tế có rất nhiều kẻ chơi xấu lại chính là gián điệp hai mang ở công ty khác cài vào nhằm do thám tình hình, hoặc kẻ nào đó muốn đem bán lợi ích của công ty mình cho đối thủ nhằm kiếm lời. Những việc làm sai trái dù có tinh vi đến đâu cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng nếu như bạn tìm đúng “tử huyệt” của họ.

Trong những trường hợp bị đồng nghiệp đổ tội, bạn cần luôn lưu giữ bằng chứng công việc mình làm, chẳng hạn những email nêu ý tưởng mà bạn đã đưa ra trước nhóm hay có báo cáo, đề xuất gì phải lấy được chữ kí của kẻ đó.

Trong các cuộc họp nhóm, bạn nên lưu lại những bản báo cáo, thuyết trình và cần thiết thì có thể ghi âm lại cuộc họp. Như vậy, khi đồng nghiệp lăm le chơi xỏ, bạn đã nắm đủ mọi bằng chứng chứng minh mình vô tội, thậm chí có thể lật mặt “kẻ tiểu nhân”.

Ngoài ra, bạn cũng đừng nên tìm cách ăn miếng trả miếng để biến mình thành kẻ xấu xa như họ. Và quan trọng là điều này sẽ giúp bạn tránh được những cuộc công kích, phản pháo của các đồng nghiệp xấu tính.
 
Không chỉ tìm cách đối phó, bạn cũng cần nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành công việc và báo cáo kết quả sớm, chính xác để sếp biết được năng lực thực sự của bạn.

Luôn nhớ rằng bạn là một người mẫu mực trong tác phong làm việc cũng như tác phong đạo đức trong công ty, và vì thế nếu như bạn là nạn nhân của việc chơi xấu nơi công sở thì có nghĩa là bạn cần phải làm một việc dũng cảm hơn nữa để bảo vệ bản thân mình, thay vì hoang mang sợ hãi và chuyển việc.

Cuối cùng thì, những kẻ nịnh hót, kém cỏi cũng sẽ bị nhận rõ và đào thải. Vậy nên, đừng quá bi quan khi rơi vào hoàn cảnh oái oăm mà hãy nỗ lực hơn nữa để chứng tỏ năng lực bản thân.

Linh Miêu

Bình luận
vtcnews.vn