Mâm cỗ ngày Tết 3 miền khác nhau thế nào?

Gia đìnhThứ Năm, 23/01/2020 21:30:28 +07:00
(VTC News) -

Với mong muốn một năm mới no đủ, may mắn, mâm cỗ ngày Tết của ba miền có những nét riêng mang đặc trưng của từng vùng.

Mâm cỗ Bắc tinh tế, cầu kì

Mâm cỗ miền Bắc không thể thiếu bánh chưng xanh, xôi gấc, dưa hành: "Thịt muối dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh"

Với miền Bắc, mâm cỗ Tết gồm có 4 bát, 4 đĩa làm chủ đạo tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Mâm cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 chén, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Những mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Mâm cỗ Tết xưa được bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, song hành với chén chiết yêu và đĩa cây mai.

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền khác nhau thế nào? - 1

 

4 bát sẽ bao gồm các món như: canh bóng thả nấu với chân tẩy và nước dùng gà, chân giò hầm măng khô, mọc nấm thả và miến nấu lòng gà.

4 đĩa sẽ bao gồm các món như: gà trống thiến luộc, nem rán, giò lụa (hoặc giò thủ, chả quế), bánh chưng.

Nhiều gia đình miền Bắc còn bày thêm món thịt đông đặc trưng vào mâm cỗ ngày Tết.

Với tráng miệng thì người miền Bắc có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Những món này đặt trên bàn thờ trong những chiếc đĩa và bát nhỏ xinh.

Mâm cỗ miền Trung chân thành, giản dị

Với khí hậu đặc trưng, mâm cỗ ngày Tết miền Trung cũng vì thế mà mang những nét khác biệt. Các món ăn được bày trong những đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn.

Những món ăn cơ bản thường thấy trong mâm cỗ Tết miền Trung gồm gà luộc, thịt heo, bánh tét, nem chua, dưa hành, ram cuốn,… Đặc biệt, khác với chiếc bánh chưng miền Bắc, bánh tét miền Trung có nhiều nét giống bánh chưng nhưng được gói hình trụ tròn dài.

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền khác nhau thế nào? - 2

 

Ngoài ra người miền Trung cũng chú trọng đến yếu tố lưu trữ nên một số người cũng làm những món mặn như thịt kho, tôm rim, gà rán, nem, thịt ngâm nước mắm… Các tỉnh ven biển thì lại có thêm món cá thu kho mặn, món đặc sản đặc trưng của biển cả.

Mâm cỗ miền Nam phóng khoáng, không câu nệ

Miền Nam cũng giống như miền Trung có loại bánh tét đặc trưng nhưng có hai loại nhân mặn và ngọt. 

Mâm ngũ quả, món gỏi gà luộc xé phay và củ hành, kiệu là món thường được bày trên mâm cỗ mọi thứ mang một ý nghĩa cho một năm mới sung túc, đầy đủ tất cả được thể hiện qua mâm ngũ quả cầu – dừa – đủ – xoài. Ngoài ra, mâm cỗ của người miền Nam có thêm món thịt heo kho nước dừa hoặc canh chua cá lóc, củ kiệu muối, giò heo nhồi và lạp xưởng.

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền khác nhau thế nào? - 3

 

Nét đặc biệt của người miền Nam là món canh khổ qua (mướp đắng) được nhồi thịt hay nấu không đều ngon với mong muốn mọi điều phiền muộn, khó khăn đều sẽ qua trong năm mới. 

Mâm cỗ, mâm lễ ngày Tết của ba miền có nhiều nét khác nhau nhưng đều ẩn trong đó nhiều giá trị truyền thống tinh tế với mong muốn một năm mới đến với nhiều an yên, sung túc.

QUÂN KHANH
Bình luận
vtcnews.vn