Làm ăn bết bát, ‘chúa Chổm’ cứu ‘chúa Chổm’

Kinh tếThứ Bảy, 10/11/2012 01:02:00 +07:00

(VTC News) - Trước tình cảnh nhiều "con nợ" đối diện với nguy cơ phá sản, không chỉ đại gia mà "chúa Chổm” cũng "xuống tiền” cứu giúp ‘chúa Chổm’.

(VTC News) - Trước tình cảnh nhiều ‘con nợ’ đối diện với cơ phá sản, không chỉ đại gia ra tay cứu giúp mà ‘chúa Chổm” cũng ‘xuống tiền” giúp ‘chúa Chổm’.

Đại gia cứu “chúa Chổm”

Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Phạm Thị Diệu Hiền là “chúa Chổm” được nhắc tới nhiều nhất năm nay với khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vì không có tiền trả, Bianfishco bị chủ nợ bao vây, kiện tụng khiến sản xuất đình đồn, công ty rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Trong lúc khó khăn nhất, rất nhiều đại gia xuất hiện giúp đỡ Bianfishco. Trong đó đáng kể nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) của bầu Hiển. SHB tham gia tái cấu trúc toàn diện Bianfishco và ngân hàng này đã trở thành cổ đông sở hữu 25 triệu cổ phần (tương đương 250 tỷ đồng), bằng 50% vốn điều lệ

Phía SHB cũng giải thích sự có mặt của mình tham gia tái cấu trúc Bianfishco cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trở thành cổ đông nắm giữ 50% cổ phần Bianfishco là do SHB kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ của Ngân hàng Habubank trước đây (nay đã sáp nhập vào SHB), đồng thời đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của ngành Thủy sản Việt Nam nói chung, Bianfishco nói riêng.

Bầu Hiển trở thành người chèo lái Bianfishco 

Cuối tháng 10 năm nay, Tổng giám đốc Trần Văn Trí đã giao quyền điều hành cho Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển. Như vậy bầu Hiển đã cứu đại gia Phạm Thị Diệu Hiền ngay khi Bianfishco cận kề bờ vực phá sản.

Quá trình “cứu” hay còn được gọi là “cơ cấu toàn diện” diễn ra khá êm thấm và thành công. Trước SHB đã có nhiều đại gia khác như Công ty xây dựng 584 và Ngân hàng Á Châu ACB đứng ra giúp đỡ nhưng hiệu quả chưa thực sự được như mong đợi.

Ngân hàng ACB chi nhánh Cần Thơ đồng ý giải chấp tài sản, tạo điều kiện cho Bianfishco đăng ký cấp giấy phép kinh doanh mới. Tài sản được giải chấp là 8 triệu cổ phần trị giá 80 tỷ đồng mà bà Phạm Thị Diệu Hiền (từng là Tổng giám đốc Bianfishco) thế chấp cho ACB Cần Thơ vào ngày 3/6/2009.

Năm nay, SHB tỏ ra mát tay trong các vụ “giúp đỡ” các “đồng nghiệp” gặp khó khăn. Thương sát nhập SHB và Habubank là một trong các sự kiện được quan tâm nhiều nhất trong năm. Do thua lỗ kéo dài, không xử lý được nợ xấu, Habubank phải đồng ý để SHB mua lại.

Ngân hàng mới này đã trở thành định chế tài chính có quy mô lớn của Việt Nam với số vốn điều lệ gần 9.000 tỉ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỉ đồng, mạng lưới kinh doanh rộng lớn gồm 240 chi nhánh, phòng giao dịch, không chỉ hoạt động trong nước mà còn mở rộng sang Lào và Campuchia.

Ở tầm quy mô nhỏ hơn nhưng do “chúa Chổm” là người hoạt động trong giới showbiz nên việc ông bầu Phước Sang - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư giải trí Phước Sang bị tố quỵt nợ 5 tỷ đồng cũng gây xôn xao dư luận.

Chẳng bao lâu sau khi thông tin kể trên được đưa lên báo, bà Lương Thị Bích Ngọc, phó tổng giám đốc một công ty đã  tài trợ toàn bộ tiền để ông bầu này làm phim Tết. Số tiền này lên đến 8 tỷ đồng. Ngoài ra, họ cam kết tiếp tục đồng hành với Phước Sang trong thời gian tới vì nhận thấy hãng phim của anh có nhiều tiềm năng để phát triển.

Có thể thấy, sự xuất hiện đúng lúc của các đại gia khi các “chúa Chổm” đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn đã góp phần tạo động lúc giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển.

“Chúa Chổm” cứu “chúa Chổm”

Sẽ là bình thường nếu các đại gia lắm tiền nhiều của biết chia sẻ với “đồng nghiệp” trong lúc khó khăn hoạn nạn. Nhưng dư luận khá ngỡ ngàng khi mới đây, ông Trần Văn Trí, nguyên Tổng giám đốc Bianfishco tuyên bố cùng công ty của mình đứng ra giải cứu đại gia thủy sản Phương Nam.

"Chúa chổm" Phương Nam được một "chúa Chổm" khác giúp sức 

Công ty thủy sản Phương Nam là một trong những cái tên mới nhất lọt vào danh sách các đại gia “nợ khủng”. Sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vào cuộc điều tra đã xác định bước đầu số nợ doanh nghiệp này tại 7 ngân hàng đã được xác định là trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng cho doanh nghiệp này vay lớn nhất là gần 500 tỷ đồng và ít nhất là 8 tỷ đồng.

Hiện nay, ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phương Nam và gia đình đã bỏ trốn sang Mỹ mà không hẹn ngày về. Trước khi đi, ông này đã viết thư cáo lỗi các ngân hàng đã cho vay và ủy quyền lại cho ông Huỳnh Phúc Quế (32 tuổi, cháu ông Khuân) ở nhà xoay sở.

Trước diễn biến trên, Công ty CP Đầu tư Quốc tế Trí Việt do ông Trần Văn Trí làm Tổng giám đốc cùng tham gia tái cấu trúc lại toàn diện Công ty Phương Nam cùng với 7 ngân hàng “chủ nợ”.

Trước đây, dư luận cũng xôn xao với thông tin Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (NTB) mạnh mẽ tuyên bố rót 500 tỷ đồng cứu Bianfishco. Tuy nhiên, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi NTB lỗ hơn 1 tỷ đồng năm 2011.

Đến cuối quý 1/2012, theo báo cáo của riêng công ty mẹ, NTB chỉ có 616 triệu đồng tiền mặt. Trong khi đó, khoản nợ của công ty này lên đến 860 tỷ đồng, trong đó, vay ngắn hạn là 260 tỷ và vay dài hạn là 600 tỷ đồng. Như vậy dường như có thể thấy là NTB đang không dư giả tiền mặt để “cứu” Bianfishco.

Hạ Lan
Bình luận
vtcnews.vn