Lái xe say xỉn gây tai nạn ở TP.HCM, nên xem xét tội giết người?

Pháp luậtThứ Tư, 24/10/2018 11:51:00 +07:00

Luật sư cho biết, trong luật hình sự hiện nay việc lái xe khi say gây tai nạn chết người chỉ được xem là vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, không coi đó là tội Giết người.

Liên quan đến tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến 1 người chết và 5 người bị thương, nhiều người cho rằng Nhà nước nên xem xét để đưa việc lái xe trong tình trạng say rượu gây tai nạn chết người trở thành một trong những hành vi của tội “giết người” để cảnh báo cũng như hạn chế những sự việc tương tự.

Trả lời PV VTC News, luật sư Trần Bá Học (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong Bộ Luật hình sự hiện nay không có quy định này.

Theo luật sư Học, hành vi lái xe khi say xỉn rồi gây tai nạn nghiêm trọng trong Bộ Luật hình sự chỉ được xem là vi phạm quy định tham gia giao thông và là lỗi vô ý, không cố tình nên không phải tội giết người.

“Hiện nay, chế tài xử phạt của pháp luật đối với hành vi này tương đối nghiêm khắc. Theo đó, ngoài phạt tù, phạt tiền thì còn bị tước giấy phép lái xe có thời hạn và nhiều hình phạt khác.

tainan

 Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Song Ngư)

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này cơ quan công an cũng cần phải kiểm soát thường xuyên hơn nữa việc tham gia giao thông của người dân để xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Học chia sẻ.

Nhận xét về khung hình phạt của nữ tài xế, luật sư Trần Bá Học cho biết nữ tài xế chắc chắn sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 260 của Bộ Luật hình sự 2005.

Cụ thể, với hành vi vượt đèn đỏ, trong quá trình lái xe lại có nồng độ cồn vượt quá quy định và gây thương tích cho nhiều người, nữ tài xế đã vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của Điều 260.

Video 3D mô phỏng vụ tai nạn thảm khốc ở ngã tư Hàng Xanh

“Đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng gây hậu quả lớn. Việc lái xe có sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông là hành vi bị nghiêm cấm.

Để xác định được khung hình phạt cụ thể, cần phải xác định số lượng người bị chết, tỷ lệ thương tật, tài sản thị bị thiệt hại để áp dụng”, luật sư học chia sẻ.

Cũng theo luật sư Học, nếu sau tai nạn, tài xế nhanh chóng thực hiện việc đền bù cho người gặp nạn thì hành động này đó có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ Luật hình sự vì đã khắc phục được một phần hậu quả.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn