Lãi suất "nhảy múa": DN "thở hắt"

Kinh tếThứ Sáu, 10/12/2010 02:02:00 +07:00

Trao đối với báo chí, nhiều doanh nghiệp "thở hắt”, rằng lúc này họ đều bó tay với mức lãi suất đang biến động từng giờ.

Câu chuyện lãi suất, vàng, USD… đang khiến thị trường rối loạn, khó lường. Trao đối với báo chí, nhiều doanh nghiệp "thở hắt”, rằng lúc này họ đều bó tay với mức lãi suất đang biến động từng giờ.
 
Từ đầu năm đến nay, mức lãi suất liên tiếp được các ngân hàng điều chỉnh theo hướng cao dần. Và cơn loạn lãi suất này lên đến đỉnh 18%/năm vào ngày 8/12, khi SeABank chỉ công bố và giao dịch chớp nhoáng trong vòng 4 tiếng đồng hồ.


Trong lúc người dân vui mừng thi nhau đi rút tiền để tranh thủ gửi vào với lãi suất cao thì các doanh nghiệp đang lo vốn cho đầu tư sản xuất, kinh koanh chỉ còn biết lắc đầu than trời vì lãi suất cho vay vùn vụt lên tới 21%/năm.

Trao đối với báo chí, nhiều doanh nghiệp "thở hắt”, rằng lúc này họ đều bó tay với mức lãi suất đang biến động từng giờ.

Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cho biết, hiện công ty vẫn đang dở dang việc sản xuất kinh doanh, cuối năm là lúc cần vốn nhất thì bị kẹt cứng vì lãi suất. Mới 2 ngày trước công ty ông còn được ngân hàng thông báo lãi suất vay ưu đãi ở mức 16%/năm, nhưng tại thời điểm 8/12 lãi suất cho vay đã được đẩy lên 19%/năm. Trong khi doanh nghiệp chưa kịp trở tay thì đã nghe lãi suất cho vay lên 21%/năm.

Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho rằng, thời gian vừa qua những chính sách can thiệp thị trường tiền tệ của Chính phủ chưa đủ mạnh để làm dịu tình hình. Không những vậy nhiều chính sách được thông báo quá bất ngờ khiến doanh nghiệp không thể chủ động trong việc điều tiết vốn đầu tư kinh doanh.Sự biến động của lãi suất hiện nay khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động hoàn toàn và mất niềm tin vào chính sách điều hành của Ngân hàng nhà nước.

Điều gì đang xảy ra và sẽ như thế nào trên thị trường tiền tệ đang là những câu hỏi  cần có câu trả lời. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng này là hệ luỵ của những chính sách thiếu đồng bộ.

Chuyên gia: Lãi suất "nhảy múa" vì chính sách giật cục 


Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc tăng lãi suất ồ ạt của các ngân hàng chứng tỏ tính thanh khoản của các ngân hàng hiện nay gặp khó khăn, nhất là những ngân hàng nhỏ. Vừa qua Ngân hàng nhà nước đã phải can thiệt tài chính và cũng đã phải bơm tiền cho các ngân hàng để thị trường này dịu đi.

Thực tế này phản ánh, thứ nhất, tình hình huy động tiết kiệm của các ngân hàng thấp hơn mức nhu cầu cho vay của các ngân hàng thương mại, cuối năm nhu cầu cho vay để tất toán các khoản tín dụng rất cao cho nên hiện nay các NHTM nhỏ có tình hình tương đối căng thẳng. Thứ hai, thị trường tài chính hiện nay bị phân tán vốn lớn. ngoài nguồn từ trái phiếu chính phủ thì thị trường vàng, bất động sản... cũng đang hút vốn, vì vậy các NHTM đang phải cạnh tranh với các thị trường này. Thứ ba, chính sách hiện nay chỉ giải quyết phần "ngọn" và chừng nào không có chính sách đồng bộ thì những vấn đề căng thẳng như hiện nay sẽ thỉnh thoảng lại vọt lên.

Tiến sĩ Doanh cho biết, hồi đầu năm Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cũng đã có yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất ngân hàng, nhưng thực tế vẫn để lãi suất vọt lên. Rõ ràng là việc điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước đang rất hạn chế. Nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế. Mức lãi suất cao như hiện nay sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ sẽ không dám đầu tư và chỉ dừng lại ở mức cầm chừng. Điều này lại ảnh hưởng dây chuyền tới công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, tình hình này sẽ rất khó chấm dứt bởi những biện pháp hiện nay chỉ giải quyết phần ngọn, không có biện pháp cơ bản. Để chống lạm phát phải có chính sách điều hòa tất cả các thị trường để vốn chảy vào ngân hàng và hạn chế tăng nóng các thị trường vàng, USD, bất động sản… Hiện nay, phần lớn vốn lại dồn vào thị trường vàng, USD, bất động sản mà giải quyết vấn đề này lại cần khôi phục niềm tin của người dân vào VND. Để khôi phục lòng tin thì cần có chính sách minh bạch và có lộ trình, để người dân tin rằng chính sách không thể “giật cục”, thay đổi một cách bất bình  thường như hiện nay.

Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, liên tiếp NHNN ra những chính sách bất ngờ, không có sự báo trước khiến thị trường diễn biến khó lường. Vừa qua, NHNN đã nâng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% và kiểm soát lạm phát bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, thời đểm cuối năm là lúc cầu tín dụng tăng mạnh, trong khi đó các ngân hàng có tính thanh khoản không đồng nhất, do vậy không tránh khỏi "mâu thuẫn " và "xung đột" để bùng phát bằng những mốc lãi suất cao như hiện nay .

Cùng quan điểm, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN - cho rằng việc lãi suất tăng ồ ạt và nhanh bất thường là do cung cầu, các ngân hàng nhỏ phải tranh thủ tăng lãi suất để huy động vốn vào, đáp ứng nhu cầu cho vay.

Mức lãi suất cao đang góp phần đẩy lạm phát lên cao. Để ổn định mặt bằng lãi suất VND vẫn cần phải phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ.

Việc áp dụng lãi suất đồng thuận để giảm lãi suất cho vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng giữa các ngân hàng, mức lãi suất cũng không đều nhau. Theo ông Kiêm, không thể dùng biện pháp hành chính đồng thuận để bắt các ngân hàng cùng có mức lãi suất như nhau, do vậy, rất cần một chính sách đồng bộ.


Theo VnMedia


Bình luận
vtcnews.vn