Lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay vẫn cao

Tài chínhThứ Bảy, 27/02/2021 06:58:02 +07:00
(VTC News) -

Trong khi lãi suất huy động giảm mạnh trong vòng 1 năm qua thì lãi suất cho vay lại giảm khá “nhỏ giọt”, nhiều doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn.

Đầu tháng 2/2021, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đã xuống thấp chỉ còn khoảng 3% cho kỳ hạn 3 tháng và dưới 7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, giảm từ 1,5 - 2%/năm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, ngân hàng Techcombank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2 điểm phần trăm với một số kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng xuống giảm xuống còn 2,2-3%/năm, 3 tháng còn 2,6%/năm, 6 tháng còn 3,7%/năm, 12 tháng còn 4,3%/năm.

Vietcombank cũng giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1/2021. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng của Vietcombank giảm còn 2,9%/năm; kỳ hạn từ 24-60 tháng giảm còn 5,3%/năm.

Lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay vẫn cao - 1

 Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt.

Trong khi đó ACB giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,4 điểm phần trăm. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, 3 tháng ở mức 3,3%/năm, 6 tháng 4,4%/năm, 12 tháng ở mức 5,5%/năm,…

Lãi suất huy động giảm là dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống có dấu hiệu dư thừa. Điều này còn được thể hiện ở chỗ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu hút ròng tiền trên thị trường mở. Theo đó, liên tục trong 3 ngày giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán Tân Sửu (17 - 19/2), NHNN đã tiến hành chào thầu trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%. Tuy nhiên không có bất kỳ tổ chức tín dụng nào tham gia đấu thầu - vay từ nhà điều hành.

Trong khi đó, một lượng tiền lớn đã lần lượt chảy ngược về NHNN khi các khoản vay cầm cố trên thị trường mở đáo hạn sau thời gian 14 ngày.

Cụ thể, ngày 17/2 có 4.850,4 tỷ đồng, ngày 18/2 có 3.000,9 tỷ đồng và 19/2 có hơn 677 tỷ đồng. Số dư lưu hành ở kênh này giảm xuống 26.629 tỷ đồng và đáo hạn hết vào ngày 23/2.

Dù lãi suất huy động liên tục giảm trên thị trường, nhưng lãi suất cho vay thì giảm khiêm tốn hơn nhiều.

Cụ thể, những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. So với đầu năm 2020, lãi vay chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm năm. 

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu ở Hà Nội chia sẻ, công ty chị đang phải vay ngân hàng với lãi suất ngắn hạn trên 8%/năm và trung dài hạn khoảng 10%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh đại dịch tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, một doanh nghiệp sản xuất nông sản cũng cho biết, trước đây, doanh nghiệp bán hàng xong thu tiền về trong vòng 30 ngày thì nay phải tới 60 ngày mới nhận được, vòng quay vốn bị chậm nên rất cần ngân hàng miễn giảm bớt lãi vay để giảm gánh nặng tài chính.

Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực: "Các doanh nghiệp luôn kỳ vọng lãi suất vay càng thấp càng tốt để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lãi vay còn chịu tác động điều chỉnh của các yếu tố khác nữa, như kỳ vọng lạm phát, lãi suất đầu vào, mức độ rủi ro của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, chi phí giao dịch. Cả 4 yếu tố này đều đang ở mức cao hơn so với khu vực và thế giới, nên mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so với khu vực".

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp