Lãi suất giảm, tỷ giá nặng gánh

Kinh tếThứ Tư, 13/06/2012 12:34:00 +07:00

(VTC News) - Khi trần lãi suất huy động VND cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng chỉ còn 9%/năm, đã xuất hiện những lo ngại sẽ tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá.

(VTC News) - Khi trần lãi suất huy động VND cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng chỉ còn 9%/năm như hiện nay, đã xuất hiện những lo ngại sẽ tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá.

Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy, tỷ giá nếu có biến động cũng sẽ ở mức chấp nhận được, đúng với thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra.

Tỷ giá sẽ chịu áp lực không nhỏ

Khi các lãi suất chính sách và trần lãi suất huy động giảm mạnh, sẽ có một áp lực không nhỏ lên tỷ giá. Ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Tiền tệ và Thị trường vốn - Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích, với giả thiết lạm phát và lạm phát kỳ vọng tiếp tục giảm mạnh, cùng với mong muốn của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để giúp đỡ doanh nghiệp, tổng cầu trong nền kinh tế tăng, chúng ta có thể thấy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng.

Khi lãi suất tiền VND giảm nhiều, các doanh nghiệp trước đây vay ngoại tệ có thể sẽ chuyển sang vay VND và mua ngoại tệ để tất toán khoản vay ngoại tệ trước đó. Và một bộ phận dân cư có thể rút VND chuyển sang các tài sản khác, ví dụ như vàng, tạo nhu cầu lớn cho vàng. Các yếu tố trên sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra còn vấn đề khác như: Yếu tố mùa vụ cuối năm cho nhu cầu nhập khẩu.

Theo các chuyên gia ngân hàng, diễn biến tỷ giá thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, nhất là mối quan hệ giữa lạm phát – lãi suất – tỷ giá. Khi lãi suất giảm phù hợp với diễn biến của lạm phát và phù hợp với các điều kiện chung của nền kinh tế, thì chắc chắn áp lực lên tỷ giá cũng sẽ không lớn.

Lãi suất tăng, tỷ giá có thể bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa). 

…nhưng sẽ biến động không quá 3%

Nhiều chuyên gia cùng đưa ra nhận định, mục tiêu tỷ giá không biến động quá 3% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Theo dự báo của Nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục ổn định, có thể tăng nhẹ dần và sẽ ở khoảng 21.500 đồng/USD vào thời điểm cuối năm (tức tăng khoảng 2,4% so với đầu năm). Còn theo đại diện Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo, tỷ giá có thể ở đâu đó xung quanh mức 21.700 đồng/USD vào cuối năm. Như vậy, các dự báo đều cho thấy, tỷ giá nếu có biến động cũng sẽ ở mức nhỏ, chấp nhận được, đúng với thông điệp mà NHNN đưa ra (tỷ giá nếu có biến động sẽ trong khoảng 2-3%).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng, định hướng để biến động tỷ giá không quá 3% từ nay đến cuối năm là có thể thực hiện được. Theo ông Lực, cơ quan quản lý cần tập trung tốt vào 3 vấn đề: Một là, tiếp tục kiểm soát cho vay ngoại tệ để nắn dòng tín dụng ngoại tệ đúng hướng. Hai là, thực hiện quyết liệt chương trình chống đô la hóa. Ba là, kiểm soát tốt hơn thị trường vàng, thu hẹp khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Theo ông Phạm Hồng Hải,  nếu thị trường có dấu hiệu khan hiếm và biến động mạnh, NHNN có thể xem xét cung ứng ngoại tệ ra. Với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào hơn trước đây rất nhiều, việc can thiệp của NHNN hoàn toàn có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, lãi suất VND nên được duy trì ở mức hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo tính hấp dẫn cho việc nắm giữ VND, qua đó giúp tránh các áp lực lên tỷ giá. Hơn nữa, thị trường đôla chợ đen sau một thời gian được kiểm soát chặt hiện không ảnh hưởng nhiều đến thị trường ngoại hối và thị trường  liên ngân hàng.

Tuy nhiên, dù quan ngại đã vơi nhưng nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không được tiếp tục duy trì, sự mất cân bằng, đặc biệt là mất cân bằng về cung – cầu ngoại tệ diễn ra thì chắc chắn sẽ tạo nhiều sức ép đến tỷ giá.

Kim Chi

Bình luận
vtcnews.vn