Lách luật như chốn không người, đại gia FDI 'cuỗm' hơn 10.000 tỷ đồng

Kinh tếThứ Tư, 29/06/2016 11:50:00 +07:00

Bằng nhiều chiêu lách thuế tinh vi tại thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI đã bòn rút gần nửa tỷ USD (hơn 10.000 tỷ đồng) để gửi về công ty mẹ.

Chuyển giá, trốn thuế, lách thuế đã trở thành hiện tượng đáng báo động ở Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI đã sử dụng nhiều chiêu tinh vi để bòn rút số tiền khổng lồ trên thị trường Việt Nam để gửi về công ty mẹ khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu nặng.

Theo báo cáo của Tổng cục thuế, riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, năm 2015 cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 4.751 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Số giảm lỗ của những đơn vị này là 10.050,17 tỷ đồng (gần nửa tỷ USD). Trong đó, đa số là doanh nghiệp FDI.

Những doanh nghiệp dính nghi án chuyển giá, trốn thuế “nổi tiếng” hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đồ uống, trung tâm phân phối và một vài mảng kinh doanh khác.

tron-thue

Coca Cola và Big C Việt Nam khiến ngành thuế đau đầu

Ở mảng đồ uống, Coca Cola và Pepsico là hai “ông lớn”, chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường. Nhiều năm trước đây, không  doanh nghiệp nào chen chân được vao mảng đồ uống. Nghĩa là trên thị trường, chỉ có Coca Cola và Pepsico cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Thế nhưng, kết quả là cả 2 ông lớn đều rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên. Năm 2012, Coca Cola xác nhận lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt xa số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Coca Cola thua lỗ gây ra nhiều hệ lụy như đối tác Việt trong liên doanh ban đầu bị mất trắng vốn và phải rút lui. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước thất thu nặng dù Coca Cola có thâm niên 20 năm hoạt động ở Việt Nam.

“Hiệu quả” hơn Coca Cola một chút, sau hàng thập kỷ hoạt động ở Việt Nam, Pepsico “chỉ” lỗ 1.206 tỷ đồng (tính tới 31/12/2010). Vì vậy nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Pepsicos đã nộp trong khoảng thời gian 2009 - 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng, bằng số tiền một doanh nghiệp cỡ vừa ở Việt Nam nộp vào ngân sách.

Không “nổi” như Coca Cola, Pepsico nhưng “ông lớn” Nestlé cũng ghi tên vào danh sách các đại gia FDI dính nghi án chuyển giá, trốn thuế. Con số lỗ mà doanh nghiệp này báo cáo là 30,8 triệu USD (tương đương 650 tỷ đồng).

Ở mảng phân phối, Big C Việt Nam và Metro Việt Nam đã tốn nhiều giấy mực của báo chí vì nghi án gian lận thuế. Có lượng tiêu thụ rất lớn nhưng cả Big C Việt Nam và Metro Việt Nam đều có “bài ca” quen thuộc là lỗ nặng.

metro vietnam

Metro Việt Nam cũng dính nghi án chuyển giá, trốn thuế

Sau khi cơ quan thuế vào cuộc, Metro Việt Nam bị yêu cầu điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng số tiền 507 tỷ đồng. Còn Big C Việt Nam thì đang gây ồn ào với khoản thuế chuyển nhượng lên tới 3.600 tỷ đồng.

Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cũng khiến ngân sách thất thu vì gian lận thuế. Sau khi ngành thuế vào cuộc thanh tra, kiểm tra, Keangnam Vina đã thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.

Sau nhiều tai tiếng, mới đây Formosa Hà Tĩnh lại gia tăng “bộ sưu tập” tai tiếng của mình với thuế. Kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 của Formosa Hà Tĩnh cho thấy công ty có 19.497 hóa đơn đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.

Có thể thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI bị đưa vào danh sách “chuyển giá, trốn thuế”. Thế nhưng, phát hiện là một chuyện, thu được thuế hay không lại là chuyện khác. Thực tế cho thấy, số tiền mà ngân sách thu được khiêm tốn hơn rất nhiều so với số gian lận thuế được công bố.

Hiện tại, Tổng cục Thuế mới truy thu được 27 tỷ đồng của Pepsico. Trong khi đó, dù đã nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng nhưng Keangnam Vina mới nộp 95 tỷ đồng tiền thuế.

Căng thẳng nhất vẫn là vụ thu thuế chuyển nhượng Big C Việt Nam. Sau khi tả 1,04 tỷ USD, tỷ phú Thái Lan Central Group đã chính thức trở thành chủ nhân mới của Big C Việt Nam nhưng cơ quan thuế vẫn đang loay hoay tìm cách đòi 3.600 tỷ đồng tiền thuế.

Theo Thanh Niên, trước nguy cơ mất trắng, thanh tra thuế đồng loạt tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại 32 siêu thị Big C trên toàn quốc; đồng thời gửi văn bản cho các bên liên quan cảnh báo “nếu kê khai và không nộp thuế sẽ bị cưỡng chế”. Nhưng đến nay đã hơn 2 tháng, quá hạn kê khai theo luật định, ngành thuế vẫn chưa thu được một xu nào.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn