Lá thư kêu cứu và nỗi đau tê tái của cô dâu VN ở TQ

Thời sựThứ Tư, 10/03/2010 06:02:00 +07:00

(VTC News) - Tháng 12 năm 2009, một bức thư kêu cứu nặc danh được gửi đến Nam phương nông thôn báo, kể lại nỗi đau tê tái của những phụ nữ này.

(VTC News) - Những cô gái Việt Nam sang Trung Quốc theo đường không chính thức vào những năm 90 của thế kỉ trước giờ hầu hết đã sinh con. "Thế hệ thứ 2" của họ đã đến tuổi đi học, nhưng đều thuộc diện “3 không”: không có quốc tịch, không phải công dân, không có hộ khẩu. Những chuyện như xin học, xin việc, đều là những nỗi lo khôn xiết. Họ sống nhờ vào kẽ hở của pháp luật, tiền đề để con cái họ có được “danh phận” ở Trung Quốc là nhờ vào người chồng bản xứ. Đó chính là nỗi đau tê tái mà những cô dâu VN ở TQ đang phải gánh chịu.


Trừ thân phận là dân “3 không”, cô bé 14 tuổi Mạc Thủy Yến trông không có gì khác biệt so với bạn bè, thậm chí tiếng Bắc Kinh lưu loát của cô bé còn khiến hiệu trưởng ngạc nhiên và quý mến. Nhưng bản thân cô bé thì ngậm ngùi tự biết mình không giống với các bạn vì mẹ em, chị Trần Hồng Văn, là một người Việt Nam.

Hai người mẹ Việt Nam và những đứa con mang nửa dòng máu Trung Quốc

Mười mấy năm trước, vào khoảng giữa những năm 90, chị Trần Hồng Văn cũng như một số cô gái Việt Nam khác, vì cảnh nhà nghèo khó không đủ ăn đủ mặc nghe theo lời rủ rê, tìm đường sang Trung Quốc mưu sinh. Cắn răng bỏ ra số tiền tương đương 200 tệ, các chị được nhà thuyền đưa đến thành phố Đông Hưng ở phía nam Quảng Tây, rồi tự tản về các huyện thị ở khu vực Quảng Đông, Quảng Tây đi làm thuê, rồi hầu hết đều lấy chồng ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Đông.

Nhóm người này đến nay chưa có thống kê số lượng chính thức. Ở trấn Cao Lương, huyện Đức Khánh, thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, chỉ riêng thôn Đại Đồng đã có đến mười mấy người; trong cả huyện có khoảng gần 100 người. Theo người dân cho biết, ở những huyện thị gần Quảng Tây như La Định, Úc Nam, Phong Khai… số lượng thậm chí còn nhiều hơn nữa.


Bức thư kêu cứu

 

Tháng 12 năm 2009, một bức thư nặc danh được gửi đến Nam phương nông thôn báo, kể lại thực trạng cuộc sống của những người này. Trong phần "kí tên" ghi là "Một người biết chuyện"; nét chữ ngay ngắn, ngôn từ khẩn thiết: “Chúng là những đứa trẻ đang hoặc sắp đến tuổi đi học, giờ đang hoặc sắp đến trường cùng bạn bè đồng trang lứa. Nhưng cha mẹ chúng thì vô cùng lo lắng, khổ tâm vì tương lai của chúng bởi lẽ đây là những đứa trẻ “bất hợp pháp” không được đăng kí hộ khẩu. Không có giấy tờ hợp pháp chứng minh thân phận, không biết sau này khi chuyển cấp, xin việc phải làm thế nào…”.


Những cô gái Việt Nam lấy chồng Trung Quốc sau khi có con đều biết đối mặt với thực tế, yên phận ở nhà chăm sóc con cái. Trong số họ, có những người mặc dù đã một vài lần về Việt Nam thăm người thân nhưng vẫn chưa lấy được đăng kí kết hôn hợp pháp. Đa phần họ cả năm làm lụng vất vả cũng chỉ tạm đủ duy trì cuộc sống hàng ngày. Có những người lấy chồng nhiều tuổi, thậm chí không còn khả năng lao động. Mười mấy năm trước, nhóm người này đã rời bỏ vùng quê nghèo khó để tìm đến một nơi mà họ nghĩ có thể ăn no mặc ấm, dù nơi đó cũng chỉ là những dãy núi cao trùng điệp.


Nguyễn Kim Hồng, năm nay 35 tuổi, năm 1999 theo một người chị họ đã lấy chồng Trung Quốc sang đây làm thuê, sau đó được giới thiệu lấy một nông dân ở thôn Đại Đồng là Từ Tiến Nguyên. Nói về cuộc nhân duyên của mình, người đàn ông râu tóc đã muối tiêu đến giờ không giấu nổi nụ cười: “Chỉ mất cho người mối 300 tệ. Năm đó 30 tuổi rồi, nhà thì nghèo, tìm không được vợ, lo muốn chết”. Khi phóng viên đến thăm, cả nhà họ Từ đang vui mừng hớn hở. Vườn quýt đường mà họ vất vả chăm sóc cả năm giờ đã cho trái lớn. Cha của Từ Tiến Nguyên vuốt râu kể lại: “Nếu không có con dâu, chắc tôi cũng không sống đến hôm nay. Con trai 30 tuổi còn lấy được người vợ như Kim Hồng, thật là phúc phận mà nhà họ Từ tu mấy kiếp mới có được”.


Khi phóng viên Nam phương nông thôn báo đến nhà họ Từ, chị Trần Hồng Văn, một người bạn Việt Nam của chị Nguyễn Kim Hồng, cũng đang ở đó. Tiếng cười của chị trong trẻo, vui vẻ. Chị kể bằng tiếng Quảng Đông lưu loát: “Hồi đó tôi vừa đen vừa gầy, gần 30 tuổi rồi ở Việt Nam khó lấy được chồng". Năm 1995, sau 2 năm mổ gà thuê ở Trung Quốc, chị lấy anh Mạc Hồng Phân, 43 tuổi, ở thôn Giang Nam. Giờ đây, người chồng 58 tuổi ở nhà giữ mấy mẫu ruộng, còn chị thừa hưởng năng khiếu buôn bán của gia đình tại Hà Nội, dẫn theo con gái Mạc Thủy Yến đến trấn Cao Lương tiếp tục bán gà kiếm sống.


Chủ nhiệm thôn Giang Nam Lương Thụ Lâm cho biết, thôn này đã đón 10 cô gái Việt Nam. Ngoài hai cô vì nhà chồng quá nghèo nên đã bỏ đi nơi khác, những người còn lại đều ở lại thôn, sinh con đẻ cái, gánh vác với nhà chồng. Ông Đàm Vịnh, phó chủ nhiệm thôn Đại Đồngcho biết, có 15, 16 cô gái Việt lấy chồng ở đây, chừng hai chục đứa trẻ đến tuổi đi học trong diện “3 không”.


Những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc sớm đã được những tổ chức cơ sở ở thôn trấn mặc nhiên thừa nhận, nhưng để được hưởng chính sách hỗ trợ chính thức của chính phủ Trung Quốc lại gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi lo lớn nhất của họ là vấn đề hộ khẩu của con cái và những vấn đề phát sinh theo đó: đi lại, chuyển cấp, xin việc… hầu như không có cách nào giải quyết.


Những đứa trẻ này có đủ cả cha lẫn mẹ, nhưng lại chưa được pháp luật công nhận 

Trong nhà chị Nguyễn Kim Hồng, trên tường dán đầy giấy khen các loại. Mặc dù là trẻ diện “3 không” nhưng trong làng xóm vẫn cho phép 3 đứa con của chị Hồng được đi học. “Thôn cho một cái giấy chứng nhận còn các thầy cô trong trường đối xử với chúng không khác gì những đứa trẻ khác”, ông Đàm Vịnh cho biết.

Ông Lý Vĩ Cảnh, hiệu trưởng trường tiểu học La Dương, nói: “Các cháu cũng được hưởng giáo dục phổ cập miễn phí. Trừ việc không được nhận học bổng dành cho học sinh nghèo – vốn chiếu theo hộ khẩu hết sức chặt chẽ - thì ở giai đoạn giáo dục bắt buộc, các cháu diện “3 không” cũng không có gì khác biệt so với các cháu khác”.


Nhập hộ khẩu cho con cái: Bất khả thi!

 

Năm 1995, khi giải ngũ, anh Mạc Quốc Hoa ở thôn Giang Nam đã nhiều tuổi. và đã bỏ tiền tìm vợ Việt Nam. Giờ đây anh đã là cha của 2 đứa con. Năm 2007, anh đem giấy chứng sinh của con (có dấu xác nhận của thôn ủy) lên công an huyện để đăng kí hộ khẩu cho con là Mạc Chấn Hoàng nhưng “Công an nói không có chính sách này”. Lúc còn trẻ, bản thân anh đã từng muốn bỏ việc cày cuốc mà không được, giờ đây, có lẽ những đứa con không có hộ khẩu tương lai còn không bằng bố chúng! Cúi đầu rít một hơi thuốc thật sâu, anh buồn bã nói: “Lẽ nào con cháu họ Mạc từ nay đời đời là những đứa trẻ bất hợp pháp?”


Người cha Trung Quốc này cũng không có cách nào đưa tên con vào hộ khẩu 

Những đứa con của Nguyễn Kim Hồng học hành giỏi giang là động lực để hai vợ chồng vượt khó vươn lên. Nhưng vấn đề hộ tịch ngày càng thắt chặt hơn khiến Từ Tiến Nguyên vô cùng khổ tâm: “Có đỗ đại học cũng không được học, liệu chúng có oán tôi cả đời không?”. Hiệu trưởng Lý Vĩ Cảnh phân tích hoàn cảnh của những đứa trẻ “3 không”: cha mẹ cho chúng cuộc sống, nhưng chính sách khó cho chúng danh phận. Theo luật Hôn nhân Trung Quốc, để được nhập hộ khẩu, phải theo trình tự thủ tục: cô dâu Việt về nước lấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cùng hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân chứng minh do cơ quan có thẩm quyền cấp, có hộ chiếu và Visa nhập cảnh Trung Quốc, con cái có giấy chứng sinh do bệnh viện ở Trung Quốc cấp".

Tình hình thực tế là, đối với các gia đình ở vùng núi Quảng Đông, Quảng Tây, mỗi điều kể trên đối với họ đều vô cùng khó khăn. Chị Hoàng Hân, vợ anh Mạc Quốc Hoa ở đây đã 15 năm, chưa một lần về nước, đến liên lạc về nhà cũng không. "Về nước một chuyến cần rất nhiều tiền, nếu tôi đủ tiền để làm các giấy tờ đó thì đã không cần lấy vợ Việt Nam nữa rồi”, Mạc Quốc Hoa thổ lộ.


Ông Hà Quế Lai, chủ nhiệm ban xã hội thuộc Ủy ban huyện Đức Khánh cho biết: “Ở cơ quan đăng kí của huyện không có một cặp vợ chồng Việt – Trung nào đăng kí kết hôn”. Một người phụ trách ở công an huyện Đức Khánh nói, mấy năm trước họ từng đưa vấn đề này lên xin ý kiến của tỉnh. Khi đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cho ý kiến chỉ đạo: Nếu có giấy chứng sinh có thể làm hộ khẩu, nhưng phải thỏa mãn 3 điều kiện: người cha thực sự mong muốn con ở lại trong nước, không vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình; Người cha phải có xét nghiệm DNA để chứng minh quan hệ cha con với đứa trẻ được nhập hộ khẩu; Cuối cùng, về nguyên tắc, người vợ Việt Nam vẫn phải trở về nước.


Phó phòng tuyên truyền huyện ủy Đức Khánh Lý Xuân Vinh cũng cảm thấy đau đầu; ông biết rằng ở miền đất nghèo khó này những điều kể trên đều là bất khả thi - “Chính quyền địa phương cũng rất muốn giải quyết vấn đề này nhưng không thể đi ngược lại chính sách chung".


Khi phóng viên Nam phương nông thôn báo hỏi Nguyễn Kim Hồng có lo bị bắt về nước không, chị quay đầu nhìn ra sân, lặng lẽ một lúc rồi khe khẽ đáp: “Tôi ở đây đã mười mấy năm rồi mà…”. Từ đó cho đến lúc phóng viên rời khỏi, chị Hồng lặng lẽ suy tư, không nói một lời nào nữa, kể cả một câu tạm biệt...


Đông Linh

* Diễn đàn: Bạn có suy nghĩ gì về thân phận “thế hệ thứ 2” của những cô dâu Việt tại Trung Quốc? Theo bạn, tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ như thế nào trong hoàn cảnh “3 không” như thế? Hãy cùng góp ý kiến thông qua box thảo luận cuối bài. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!


Cho con về Việt Nam

dochoangt&[email protected]

Bạn của chị mình cũng rơi vào hoàn cảnh như bài viết đã nêu. Cách đây hơn 10 năm, chị ấy sang Trung Quốc buôn bán rồi bặt tin không thấy về. Trước tết bỗng nhiên bạn mình báo, chị ấy đã về và dắt theo 2 đứa con, 1 trai, 1 gái. Gia đình chị ấy rất vui nhưng cũng đang bối rối vì chị ấy cho biết, có thể sẽ phải để 2 con ở lại Việt Nam vì ở nhà chồng, 2 con chị không được làm giấy tờ để đi học. Chị nói sẽ cho con học ở Việt Nam, khi  nào lớn sẽ tính tiếp. Chị ấy cho rằng, ở Việt Nam, may ra con chị có thể là được giấy khai sinh dù có thể chị phải khai con chị không có cha… Đó là cách của chị ấy, còn mọi người thế nào thì mình không biết vì mình không nắm rõ luật lắm.



Bình luận
vtcnews.vn