Lá phiếu gửi gắm nhiều ước mong của cử tri người khuyết tật ở Thủ đô

Chính trịChủ Nhật, 22/05/2016 12:07:00 +07:00

những cử tri người khuyết tật hồi hộp chờ đến lượt để bỏ những lá phiếu chọn ra những đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp ưu tú nhất.

(VTC News) – Thức dậy từ sáng sớm, những cử tri người khuyết tật hồi hộp chờ đến lượt để bỏ phiếu bầu những Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ưu tú nhất.

Sáng 22/5, trong hơn 69 triệu cử tri trên cả nước tham gia bầu cử Quốc hội khoá XIV, nhiều người khuyết tật cũng đi xe lăn, chống nạng, tập tễnh bước đến các địa điểm bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân của mình.
bà Nguyễn Thị Nhâm (67 tuổi) và bà Trần Thị Thoan (74 tuổi) ở tổ 36 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Nhâm (67 tuổi) và bà Trần Thị Thoan (74 tuổi) ở tổ 36 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chuẩn bị từ rất sớm để đi bầu cử (Ảnh: Phạm Thịnh)
Hai bà đi từng bước chậm rãi đến khu vực bầu cử với tinh thần vui vẻ, phẩn khởi
Hai bà đi từng bước chậm rãi đến khu vực bầu cử với tinh thần vui vẻ, phẩn khởi 
Đây có lẽ là lần bầu cử đặc biệt nhất đối với bà Nguyễn Thị Nhâm (67 tuổi) và bà Trần Thị Thoan (74 tuổi) ở tổ 36 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Hai bà là thành viên chi hội người khuyết tật phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Sáng 22/5, bà Nhâm đã dậy từ 4h30', sắp xếp công việc gia đình để đi bầu cử. “Bây giờ tôi già rồi. Chân bị tật nên cũng không thể nhanh nhẹn như những người bình thường nên tôi phải dậy từ sớm để chuẩn bị cho chu đáo”.

Nhận được sự động viên, quan tâm của các cấp chính quyền nên bà Nhâm quyết tâm phải tự tay bỏ lá phiếu của mình để chọn ra những người đại biểu ưu tú nhất.

Đường đến chỗ bỏ phiếu không xa song vẫn thật khó khăn đối với những người như bà Nhâm. Mang trên mình khuyết tật chân hơn 40 năm, hiện nay sức khỏe của bà Nhâm khá yếu. Việc đi lại của bà cũng vô cùng khó khăn tuy nhiên, bà vẫn rất tích cực tham gia công tác bầu cử lần này.

“Hôm nay tôi cảm thấy rất vui vẻ, rộn ràng ở trong lòng. Tôi đã dậy từ sớm để sang rủ chị Thoan đi bầu cử. Tôi được các cán bộ trong tổ bầu cử hướng dẫn rất nhiệt tình nên cũng không cảm thấy mệt mỏi, phiền hà. Tôi đã bỏ phiếu cho những người tôi tin là có tài, có đức. Đó là những người có trình độ, tâm huyết, nhiệt tình”, bà Nhâm chia sẻ.

Bà Nhâm và bà Thoan xem lại danh sách các ứng cử viên để có thể lựa chọn chính xác nhất người đại biểu của nhân dân (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bà Nhâm và bà Thoan xem lại danh sách các ứng cử viên để có thể lựa chọn chính xác nhất người đại biểu của nhân dân (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Video: Những cử tri 'đặc biệt' bầu cử trong trại tạm giam



Bà Nhâm cho biết sau hàng loạt bước ngoặt của đất nước, năm nay bà mang lá phiếu đi bầu với tất cả niềm phấn khởi và kỳ vọng một sự đổi mới thực sự.

Những người khuyết tật thường nằm trong nhóm đặc biệt nghèo, cuộc sống sinh hoạt vô cùng khó khăn. Vì vậy, bà Nhâm cũng kì vọng các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân khoá mới sẽ quan tâm và đáp ứng đến khối cử tri là những người bị khuyết tật.

“Tôi mong các đại biểu mới sẽ đưa ra được những chính sách để giúp người khuyết tật bớt khó khăn hơn, chăm lo cuộc sống tinh thần cho người khuyết tật”, bà Nhâm bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Nhâm được các cán bộ ở tổ bầu cử hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình bỏ phiếu (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bà Nguyễn Thị Nhâm được các cán bộ ở tổ bầu cử hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình bỏ phiếu (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Bà Nhâm tự tay bỏ những lá phiếu để chọn người đại biểu
Bà Nhâm tự tay bỏ những lá phiếu để chọn người đại biểu  
Đồng hành, giúp đỡ bà Nhâm đi bầu cử là bà Trần Thị Thoan (Chi hội phó, Chi hội người khuyết tật phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Dù cũng bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn nhưng bà Trần Thị Thoan vẫn rất nhiệt tình đưa bà Nhâm đi bầu cử. Bà Thoan cho biết, việc làm này cũng là một hoạt động trong hội nhằm giúp những người khuyết tật được tham gia nhiều hơn vào những công việc hệ trọng của đất nước.

Bà Trần Thị Thoan tự tay bỏ phiếu bầu cử
Bà Trần Thị Thoan tự tay bỏ phiếu bầu cử  
Sau những công đoạn chuẩn bị, bà Thoan dìu bà Nhâm từng bước chậm rãi đến địa điểm bầu cử. Bước chân tập tễnh của hai người phụ nữ luống tuổi đến điểm bầu cử khiến nhiều người rất cảm phục. Tại đây, hai bà đã chứng kiến toàn bộ nghi thức của buổi lễ bầu cử và đã được các cán bộ ưu tiên bỏ phiếu.

Dù đã nhận được danh sách các ứng cử viên từ trước đó để nghiên cứu ở gia đình, tuy nhiên khi đến địa điểm bầu cử, bà Thoan và bà Nhâm lại dành thời gian để xem lại một lượt tiểu sử của các ứng cử viên trước khi bỏ lá phiếu quyết định.

“Tôi lựa chọn trước hết là người có trình độ, phải dám nói sự thật, dám nói lên tiếng nói quyền lợi của người dân. Người đại biểu phải thể hiện được sự đoàn kết của người dân. Ý đảng phải hợp lòng dân”, bà Thoan nói.

Bên cạnh đó, bà Thoan cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ  tạo điều kiện để người khuyết tật hoà nhập hơn vào các hoạt động xã hội, các chương trình hành động chung của cộng đồng.

“Tôi mong muốn các vị đại biểu phải phục vụ hết lòng vì nhân dân. Sau đó, các vị đại biểu cần quan tâm đến người khuyết tật để giúp họ xóa bỏ mặc cảm trong cuộc sống. Cần có chính sách để giúp người khuyết tật bớt khó khăn vì đây là những người chân yếu tay mềm, đi lại sinh hoạt cũng rất khó khăn”, bà Thoan bày tỏ.

Bên cạnh đó, bà Thoan cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm công nhận hộ nghèo đối với gia đình bà Nguyễn Thị Nhâm để cuộc sống bớt khó khăn.

Bà Nhâm và bà Thoan vui vẻ khi hoàn thành quyền và nghĩa vụ của người công dân
Bà Nhâm và bà Thoan vui vẻ khi hoàn thành quyền và nghĩa vụ của người công dân 
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Quốc Bình, tổ trưởng Tổ bầu cử số 10, đơn vị bầu cử số 7, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết các cử tri đến bỏ phiếu trong buổi sáng sớm ngày 22/5 khá đông.

“Mọi người đều vui vẻ tham gia bầu cử. Không khí trang nghiêm, trọng thể”, ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Bình cho biết trước đó tổ bầu cử đã phát danh sách các ứng cử viên về tận từng gia đình để nghiên cứu. Vì vậy, các cử tri cũng có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về từng ứng cử viên để có thể bầu chính xác cho người đại biểu có tài, có đức.
Các cử tri ở phường Nghĩa Đô xem lại tiểu sử các ứng viên trước khi bỏ phiếu
Các cử tri ở phường Nghĩa Đô xem lại tiểu sử các ứng viên trước khi bỏ phiếu  
Ngoài ra, tổ bầu cử cũng phân công các cán bộ để hướng dẫn cử tri bỏ phiếu đúng cách, đúng hòm phiếu. Những người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… được ưu tiên bỏ phiếu trước.

“Trong buổi sáng 22/5, cử tri cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Hữu Mai (90 tuổi), nhiều người khuyết tật cũng đã được ưu tiên bỏ phiếu trước”, ông Bình thông tin.

Video: Quy trình bỏ phiếu bầu ĐBQH, HĐND thế nào?


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn