Lạ lùng giếng cổ 200 tuổi chứa được cả trăm người

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 20/10/2012 06:21:00 +07:00

Thoạt nhìn, giếng cổ nhà ông Dự không có gì khác biệt nhưng mỗi khi nước cạn, đáy giếng lộ ra cái hang rộng cả trăm mét vuông sâu hun hút.

Thoạt nhìn, giếng cổ nhà ông Dự không có gì khác biệt nhưng mỗi khi nước cạn, đáy giếng lộ ra cái hang rộng cả trăm mét vuông sâu hun hút.

Về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào một ngày giữa tháng 8, chúng tôi được Thượng sĩ Lê Văn Phú (CAH Lý Sơn) kể về một chiếc giếng vô cùng kỳ bí ở thôn Đông (xã An Hải) và kéo theo nó là hàng loạt những câu chuyện lạ lùng chưa có lời giải đáp.

Theo sự chỉ dẫn của anh Phú, chúng tôi đã tìm về nhà ông Trần Dự, (62 tuổi, ở khu dân cư số 3, thôn Đông, An Hải) nơi được xem “điểm nóng” của câu chuyện giếng “lạ”.

Vừa tới đầu thôn để hỏi thăm, ông Phan Thanh Tâm (61 tuổi0 vồn vã cho biết: “Chuyện về chiếc giếng lạ đó hoàn toàn có thật. Thật ra cái giếng này bọn tui cũng biết từ hồi nhỏ nhưng bên ngoài nó cũng bình thường như bao chiếc giếng khác trong thôn. Nhưng dưới đáy giếng có nhiều chuyện lạ kỳ lắm.

Giếng cổ nhà ông Dự 
Hồi còn nhỏ, tụi tui hay đến nhà ông Dự để chơi lắm vì vườn cây ở đó quanh năm xanh mát. Lúc đó, cái giếng chưa có bờ thành nên nhiều khi bọn tui rủ nhau chui xuống dưới đó khám phá. Xuống tới nơi, ai cũng giật mình khi thấy xuất hiện một chiếc hang rộng và sâu hun hút. Cả trăm người xuống đó đứng có khi hãy còn rộng…”.

Ông Trần Dự - chủ nhân của giếng “lạ” cho biết, cái giếng này có từ thời cố nội của ông, đến nay cũng trên dưới 200 năm tuổi nên có thể gọi đây là một giếng cổ.

Ngày đó, chiếc giếng này là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho gia đình ông và mấy nhà hàng xóm. Khi trước miệng giếng không có bờ và thành giếng nên gà vịt cứ thoắt cái lại rơi tọ xuống. Sau này thấy giếng sâu thăm thẳm, sợ trẻ nhỏ rơi xuống nên gia đình ông Dự đã xây chắn cẩn thận.

Theo chân ông Dự ra khu vườn sau nhà, nơi có chiếc giếng cổ đang tọa lạc đã mấy trăm năm. Dưới rặng mãng cầu xanh um, chiếc giếng vẫn im lìm nằm đó với bao bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Giếng nước hơi nhỏ, bờ thành giếng cao tầm 0,5m, bán kính giếng khoảng 0,3m. Ông Dự cho biết chiều sâu của cái giếng tính từ đáy lên trên mặt đất khoảng chừng hơn 10 mét, xung quanh được xây bằng đá vôi (nay đã phủ màu rêu xanh). Đoạn từ đáy giếng trở lên tầm khoảng 1,5m là đất đá vôi kết lại.

Ông Dự chỉ tay xuống đáy giếng trong veo và bảo: “Mạch nước của cái giếng này nó phun từ dưới lên chứ không phải chảy ngang từ thành giếng. Ngày trước, vào mỗi mùa nước cạn, nhiều chiếc giếng trong vùng không hề có nước nhưng chiếc giếng này nước vẫn phun lên ầm ầm.
Ông Dự bên giếng cổ nhà mình 
Nhưng kỳ lạ ở chỗ nước tuy phun nhiều như thế nhưng nước chỉ sâm sấp nước. Sau mỗi mùa nước cạn, mạch nước phun lên thành vòi cao cả mét. Chỉ thoáng cái là giếng lại sóng sánh đầy ăm ắp nước”.


Ngồi trầm ngâm trên thành giếng ông Dự kể tiếp: “Ở dưới đáy giếng nó tạo thành cái bồn rộng lắm, chắc cũng phải hết cái vườn mãng cầu này”. Cũng theo ông, bồn giếng tuy rộng nhưng hơi “khiêm tốn” về chiều cao, ước chừng nó có thể chứa được cả trăm người trưởng thành nhưng phải ở tư thế đứng khom. Thêm một đặc điểm nữa là độ rộng của bồn giếng không đều mà mở rộng theo hướng tây.

Tuy nhiên, theo ông Dự, đó là chuyện của cách đây đã lâu còn bây giờ thì bồn giếng bị thu hẹp do bị đất lở lấp lại. Lần ông xuống gần đây nhất cũng đã mấy năm, lúc đó ông xuống để đặt lại vòi rồng máy bơm nước, ông định chui vô để xem nhưng thấy đất lở nhiều quá nên sợ. Từ đó đến nay chưa có ai xuống giếng cả.

Lúc này thì bà Phạm Thị Tồn (84 tuổi, mẹ của ông Dự) cũng ra vườn tiếp chuyện: “Hồi cái giếng này chưa xây bờ thành nó thường hay… “nuốt” heo, gà lắm. Hồi đó, do không có bờ thành nên những vật nuôi trong nhà thường hay bị rớt xuống giếng. Những con vật này khi rớt xuống chắc chúng chui sâu tít vô hang nên chẳng tìm thấy đâu.
Lòng giếng nhỏ thế này, nhưng dưới đáy thì rất rộng? 
Cứ sau vài ngày, hễ nghe tiếng gà vịt kêu quang quác, mọi người trong gia đình tôi mới xuống “đón” chúng về. Chả biết dưới đó có gì để ăn nhưng gia cầm “dạo chơi” cả mấy ngày mà khi xuống thấy chúng cứ ung dung đứng rỉa lông cánh, tuyệt nhiên không con nào ốm yếu gì cả”.

Cũng theo bà Tồn, lâu lâu đòn gánh hay thùng gánh nước rớt xuống dưới, con cháu bà tụt xuống để lấy thì những đồ vật này biến mất như chưa hề rơi xuống. Vậy mà vài hôm sau lại thấy những đồ vật này lấp loáng trong làn nước trong veo.

Hiện, gia đình ông Dự rất mong có người đến để nghiên cứu và giải thích những điều lạ lùng đối với cái giếng này.

Theo ông Dự, trước đó, tổ tiên ông có kể lại cái giếng này được đào cùng với một đường hầm để đưa nhà sư đến tu hành ở chùa Hang. Đó là lí do vì sao mà cái bồn giếng lại rộng theo hướng tây (hướng đến chùa Hang).

Hiện gia đình ông Dự vẫn đang giữ những giấy tờ liên quan đến chùa Hang và được phép trông coi ngôi chùa này.

TheoBáo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn